Giải "cơn khát" vốn
Tối 5/12, Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống. Tăng trưởng tín dụng cả năm nay theo đó được tăng lên thành 15,5-16% so với mục tiêu đầu năm là 14%.
Mặc dù thời gian để lấp đầy "room" - hạn mức tín dụng của ngân hàng thương mại - chỉ vỏn vẹn còn 3 tuần cuối cùng trong năm, nhưng đây là tin vui cả với phía cho vay là các ngân hàng và phía đi vay là doanh nghiệp, khách hàng cá nhân.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân đang rất lớn. Ví dụ một đơn vị mua nguyên vật liệu của doanh nghiệp khác từ tháng trước nhưng chưa thanh toán do chưa được giải ngân khoản vay vì vấn đề room, chắc chắn họ chờ đợi tín hiệu từ cơ quan điều hành như nắng hạn chờ mưa rào…
Người viết bằng chính trải nghiệm của bản thân cũng phần nào cảm nhận rõ nét về sự căng thẳng về dòng vốn trong thời gian qua. Hồi cuối tháng 10, để vay ngắn hạn một khoản tiền trong khi đã có đầy đủ tài sản thế chấp và hồ sơ sạch, tôi phải rất chật vật mới đạt được thỏa thuận với ngân hàng do hầu hết chi nhánh đều báo "cạn room". Đó là vay cá nhân. Còn về phía doanh nghiệp với khoản vay lớn chắc hẳn tình hình còn khó khăn hơn nữa.
Song song với vay ngân hàng, tôi đồng thời rút phần vốn góp khỏi một doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng trong lĩnh vực F&B (ẩm thực, nhà hàng, ăn uống) để cân đối tài chính cá nhân, tuy nhiên, phải mất nhiều tháng tôi mới rút được phần gốc do doanh nghiệp bị đứt gãy dòng tiền.
"Thiếu tiền" - đó có lẽ là câu chuyện chung của rất nhiều người, nhiều tổ chức trong bối cảnh hiện tại. Cũng chính bởi thiếu tiền nên chỉ trong ít tháng nửa cuối năm 2022, thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế - đã có sự biến động rất mạnh, chỉ số sụt giảm hơn 30% so với đỉnh, nhiều cổ phiếu bị bán tháo do nhà đầu tư và các doanh nghiệp bị bán giải chấp, công ty chứng khoán thu hồi nợ vay.
Đến cuối tháng 11, khi thông tin "nới room" ngân hàng phong thanh trên thị trường, lập tức giá cổ phiếu tăng trở lại. Nhịp tăng hơn 200 điểm của VN-Index trong hơn nửa tháng qua đã cho thấy kỳ vọng lớn của giới đầu tư vào "liều thuốc" cuối năm mà các ngân hàng sẽ cấp cho nền kinh tế.
Giới chuyên gia tính toán, với chỉ tiêu 2% tín dụng tăng thêm, tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 ước tính khoảng hơn 400.000 tỷ đồng. Lượng vốn tăng thêm rất ý nghĩa với cộng đồng doanh nghiệp và người dân để giải bài toán về thanh khoản trước thời điểm đóng sổ kế toán.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên tắc điều chỉnh room lần này là tăng chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng theo hướng đơn vị có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Hay nói cách khác, những ngân hàng đưa ra chính sách giảm lãi suất gần đây sẽ có lợi thế.
Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chịu áp lực lớn về đáo hạn trái phiếu, trả nợ cuối năm, cũng có lo ngại rằng, tín dụng cho vay từ ngân hàng sẽ bị doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực không ưu tiên, dùng để đầu tư tài sản rủi ro. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp công bố thời gian qua thể hiện, nhiều đơn vị đổ cả "núi tiền" đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu, và khi tình hình thị trường bất lợi thì một nguồn vốn lớn đã "kẹt" lại tại những kênh này.
Theo đó, thách thức của các tổ chức tín dụng sau khi được nới "room" chính là tách bạch được nhu cầu vốn của doanh nghiệp, làm sao để đồng vốn sử dụng chính đáng, đúng mục đích và tránh được những rắc rối có thể phát sinh trong tương lai.
Hơn nữa, nới room nhưng quan trọng là tiền đâu để ngân hàng cho vay, và bên đi vay liệu có phải gánh chi phí vốn cao hơn hay không? TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết việc nới room không đồng nghĩa lãi suất sẽ giảm. Các ngân hàng vẫn có thể tiếp tục cuộc cạnh tranh về lãi suất để hút dòng vốn của người dân, từ đó có nguồn tiền để cho vay. Khi lãi suất huy động tăng thì khó mà không kéo theo lãi suất cho vay tăng theo.
Mới đây, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Thủ tướng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Người đứng đầu Chính phủ phân tích rằng, nền kinh tế phát triển, người dân có tiền gửi thì ngân hàng mới phát triển được nên trong lúc khó khăn, các ngân hàng phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thực tế là cho đến hết quý III vừa qua, các ngân hàng vẫn đang công bố lãi lớn, nhiều ngân hàng báo lãi tăng mạnh so với cùng kỳ. Chính vì vậy, mặc dù tới đây, việc nâng lãi suất đầu vào để hút tiền gửi, đồng thời kiềm chế lãi suất đầu ra tăng cao để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ khiến biên lợi nhuận ngân hàng bị giảm, nhưng một khi tín dụng ngân hàng vẫn đang là kênh dẫn vốn chính, khi thị trường trái phiếu, cổ phiếu còn chưa thực sự phát triển bền vững, thì không còn cách nào khác là các ngân hàng sẽ phải chia sẻ và "cân đối lợi ích" với doanh nghiệp và nền kinh tế.
Sự chia sẻ đó, đương nhiên, phải trên nguyên tắc đúng luật, đúng quy định. Tin rằng, khi đạt được sự đồng thuận, kinh tế sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn và bước vào năm 2023 với sự lạc quan và những kỳ vọng mới.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!