Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa: Mở cửa ra vừng ơi!
Tại khoản 3 điều 141 Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, có quy định: việc ghi âm, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa khi có sự đồng ý của chủ tọa.
Giải thích, lãnh đạo TAND Tối cao cho rằng cần tạo điều kiện cho phiên tòa được tập trung xét xử và bảo vệ quyền riêng tư của con người. Quy định nêu trên có phù hợp với thực tiễn? Đây là câu hỏi cần đặt ra và đang được dư luận quan tâm.
Trước hết, cần nói thẳng ra là pháp luật Việt Nam không có quy định như vậy, nhất là đối với phiên tòa hình sự công khai, trừ những trường hợp đặc biệt phải xử kín như giữ bí mật quốc gia, hoặc có tình tiết nhạy cảm, hay cần bảo vệ thuần phong mỹ tục... Bản chất của phiên tòa công khai là cởi mở, có điều kiện thì càng nên mở cửa cho công chúng theo dõi, chứng kiến. Điều đó có tác dụng tốt cho giáo dục, tuyên truyền pháp luật, đồng thời cũng là một kênh giám sát hoạt động xét xử. Hạn chế sự tham gia của nhà báo và công chúng, tức là một bước lùi trong tiến trình dân chủ hóa.
Trong lịch sử ngành Tòa án, có một vụ án rất cần nhắc lại để mọi người cùng coi đấy là điểm son đáng suy ngẫm. Đó là vụ án Tạ Đình Đề, nguyên Trưởng ban Thể dục - Thể thao, Xưởng trưởng Xưởng dụng cụ cao su của Tổng cục Đường sắt. Ông rất nổi tiếng trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ, đặc biệt là cuộc đời nhiều giai thoại nghĩa hiệp, hào sảng.
Năm 1976, ông bị Tòa án Hà Nội đưa ra xét xử về nhiều tội, chung quy lại chỉ là do ông làm trái với những nguyên tắc bất di bất dịch của thời quan liêu - bao cấp. Vụ án được dư luận quan tâm, người dân đến dự phiên tòa rất đông, phòng xử không thể chứa nổi. Thời ấy không có nhiều phương tiện truyền thông hiện đại như bây giờ, công cụ chụp ảnh, ghi âm, ghi hình lại càng hiếm hoi. Trước tình hình đòi hỏi, Tòa án Hà Nội phải mắc loa phóng thanh ra trước phòng xử, ra cả quảng trường gần chỗ xét xử, cố gắng hết sức đưa vụ án được truyền thanh trực tiếp cho người dân theo dõi suốt 6 ngày làm việc. Kết cục, Tòa tuyên bố ông Tạ Đình Đề vô tội trong tiếng vỗ tay vang rền. Công khai, minh bạch là thế đấy. Làm đúng, làm trúng thì không có gì phải ngại ngần.
Hoạt động của nhà báo có tác động rất hiệu quả đến công khai, minh bạch của phiên tòa. Nó tạo điều kiện cho công chúng không chỉ hiểu biết thêm về pháp luật, mà còn góp phần đưa các sự kiện chân thật tại tòa đến với cuộc sống, từ đó người dân có thể nhận xét hay - dở, đúng - sai về một phiên tòa. Hạn chế việc thực hiện ghi âm, ghi hình ảnh là thu hẹp tác nghiệp của nhà báo. Qua rồi cái thời nhà báo chỉ có cây bút và cuốn sổ tay. Các công cụ tân tiến giúp nhà báo thao tác tin - bài nhanh hơn, chính xác hơn, lưu lại đầy đủ các dữ liệu hiện thực, khi cần sẽ là bằng chứng đối chiếu và căn cứ để tranh luận.
Đừng sợ ghi âm, ghi hình, chụp ảnh làm phân tán tinh thần người tham gia tố tụng. Hãy để cho các quan tòa, công tố viên, điều tra viên làm quen với việc "nhất cử, nhất động" của họ đều được lưu lại, có ảnh hưởng nhất định tới xã hội, tới công chúng. Trạng thái này buộc họ phải chín chắn hơn, cẩn thận hơn, vững vàng hơn trong công việc. Họ là người phục vụ dân, quyết định thân phận của con người thì phải chấp nhận các áp lực nếu có, phải coi những áp lực này góp phần nâng cao chất lượng xét xử.
Đừng sợ quyền riêng tư bị xâm phạm, trật tự phiên tòa bị rối loạn bởi các hoạt động ghi âm, ghi hình, chụp ảnh. Pháp luật hiện hành đều có quy định rõ ràng. Chẳng hạn như Bộ Luật Tố tụng dân sự có quy định ghi âm, ghi hình và sử dụng hình ảnh của hội đồng xét xử cũng như đương sự phải được chủ hình ảnh, chủ lời nói đồng ý. Quy chế Tổ chức phiên tòa, nội quy phòng xử án cũng có chế tài mọi hành vi bất tuân sự điều hành của thẩm phán.
Xu hướng chung của thời đại là mở rộng dân chủ. Nước ta cũng vậy, ngay cả phiên họp Quốc hội, Chính phủ vẫn đang có những bước tiến rất đáng kể. Ở đấy không có điều luật hoặc quy định nào cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trong các phiên họp công khai. Lẽ nào lại khi tham dự phiên tòa các nhà báo lại phải kêu lên: "Mở cửa Vừng ơi!"?
Được biết mới đây góp ý cho dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo Việt Nam đều đề nghị cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa công khai. Thường trực Ủy ban Văn hóa- Giáo dục cũng đề nghị quy định theo hướng tạo điều kiện cho cơ quan báo chí đưa tin chính xác về vụ án. Thiết nghĩ đây là những vấn đề cơ quan soạn thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi cần xem xét.
Tác giả: Ông Lê Thanh Tâm là nhà báo với hơn 40 năm kinh nghiệm, từng công tác tại Đài tiếng nói TPHCM và báo Tuổi trẻ TPHCM.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!