Bài học từ phiên tòa "chuyến bay giải cứu"
Phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án "chuyến bay giải cứu" đã khép lại với hình phạt dành cho 54 bị cáo. Chắc chắn rằng không chỉ các bị cáo mà tất cả những ai quan tâm đến phiên tòa này đều có thể suy nghĩ về những bài học, những đúc kết từ hơn hai tuần xét xử vừa qua.
Với các bị cáo trước hết đó là bài học về sự tuân thủ pháp luật. Còn với dư luận thì rất nhiều góc nhìn đã được chia sẻ cả trên báo chí và mạng xã hội, về mặt trái của cơ chế "xin - cho", về mức độ khủng khiếp của số tiền đưa và nhận hối lộ, về đạo đức công vụ… Ở đây tôi xin chia sẻ bài học mà bản thân tôi chiêm nghiệm được. Đó là tính trách nhiệm và lòng yêu thương của những người được giao trọng trách trong bộ máy công quyền, hay nói nôm na là những người được "cái quyền" quyết định.
Sống có trách nhiệm và biết yêu thương đồng loại, tổ quốc và gia đình là những bài học trong môn giáo dục công dân ở ghế nhà trường từ cấp tiểu học. Vậy nhưng nhiều người đã đi nửa cuộc đời, thậm chí gần hết cuộc đời vẫn học chưa thuộc.
Trong thời buổi "cơ chế thị trường" hiện nay, nói ra điều này có thể tôi bị cười chê vì "ai hơi sức đâu mà nghĩ đến trách nhiệm và yêu thương, họ vì lợi ích cá nhân hoặc vì một nhóm nhỏ xung quanh họ thôi". Nhưng hãy nhìn phiên tòa "chuyến bay giải cứu" và các phiên tòa xét xử một số đại án khác trong những năm gần đây, khi người ta quên đi những bài học cơ bản làm người và làm cán bộ thì họ đã phải trả giá đắt như thế nào?
Mỗi người trong xã hội sẽ đứng với nhiều vai trò và vị trí khác nhau. Dĩ nhiên kèm theo đó là những trách nhiệm tương ứng. Với gia đình, bạn có thể là một người con, người cha, người cháu. Với xã hội, bạn có thể là một người thầy, là giám đốc, là nhà chức trách hay chỉ là một con người với những người khác.
Chỉ khi bạn nhận thức rõ trách nhiệm mình đang đứng ở đâu, bạn mới có đủ sự yêu thương để chọn cách hành xử. Bạn đứng ở vị trí một người có trách nhiệm với cấp dưới hay với gia đình mình, đó là lẽ đương nhiên, nhưng bạn còn trách nhiệm với công việc và với xã hội. Ai làm đúng, đủ trách nhiệm của mình thì xã hội sẵn sàng ghi nhận nỗ lực của người đó; còn nếu bạn làm việc với tinh thần trách nhiệm và cả sự yêu thương thì chắc chắn rằng kết quả đạt được còn lớn hơn.
Tôi là một trong số rất nhiều người Việt Nam đã từng tự hào, chực trào nước mắt khi nhìn hình ảnh những chuyến bay giải cứu đưa người Việt xa xứ về lại quê hương trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng. Để rồi đến khi mọi chuyện vỡ lở, tôi không khỏi thấy niềm tin của mình bị phản bội.
Các bị cáo đã đưa ra những lời giải thích cho hành vi nhận hối lộ của mình, nhưng họ giải thích như thế nào nếu đứng trước câu hỏi "vì sao không từ chối"?. Có phải vì lòng tham hay vì thiếu tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương người khác?
Viết đến đây tôi nhớ lại câu chuyện của một người bạn. Anh từng được đề nghị chia phần lời vài chục triệu đồng khi chọn gói sản phẩm làm studio (phòng thu) cho nhà trường.
Điều đầu tiên khi nghe doanh nghiệp đưa ra "lời đề nghị khiếm nhã", anh chọn cách báo cáo với lãnh đạo, nếu doanh nghiệp vẫn trả hoa hồng thì anh sẽ nộp lại phần ấy cho nhà trường xử lý.
Nhiều người sẽ nói rằng ai đó có thể từ chối mối lợi nhỏ nhưng khi số tiền là rất lớn thì sao? Tôi không phải người trong cuộc nên không thể trả lời thay, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương cũng vậy, phải bắt đầu được vun đắp từ những việc cụ thể hàng ngày, bất kể đó là việc to hay việc nhỏ.
Nếu trong mỗi người không còn khoảng trống nào cho sự đấu tranh với những hành vi xấu, thì sự trượt dài sẽ bắt đầu từ những vết trượt nhỏ đầu tiên.
Nhiều bị cáo khi nói lời cuối cùng đã mong tòa thông cảm, giảm nhẹ hình phạt để họ còn được trở về với gia đình, có thời gian chăm sóc bố mẹ già và nuôi dạy con thơ. Tôi chia sẻ với mong mỏi hết sức con người này, nhưng băn khoăn không biết, nếu được cảm thông trở về thì họ có thật sự dũng cảm để dạy con rằng, bố - mẹ đã sai hay sẽ chối bỏ trách nhiệm với những gì đã gây ra. Hy vọng bài học mà họ sẽ nói với gia đình mình là bài học giúp cho mỗi người tốt lên và cả xã hội tốt hơn.
Ai trong chúng ta cũng được lớn lên với những bài học của môn giáo dục công dân trên ghế nhà trường. Đó không chỉ là những bài học để chúng ta vượt qua một kỳ thi, xin đừng quên điều đó.
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!