"Ép" mua bảo hiểm: Sai luật, trái đạo lý
Năm rồi, do có nhu cầu tài chính phục vụ tiêu dùng cá nhân, tôi liên hệ với một ngân hàng lớn để vay tiền.
Sau khi hướng dẫn tôi làm hồ sơ, công chứng các tài sản thế chấp, cô nhân viên tín dụng gọi điện cho tôi nói: "Em vừa kiểm tra lại, hiện ngân hàng hết room rồi anh ạ". Vì nhu cầu chi tiêu cấp thiết nên tôi hỏi "Có còn cách nào không em?". Lúc này, cô nhân viên tín dụng nhẹ nhàng nói, "anh mua giúp em cái bảo hiểm, em xin sếp nới room một chút nha anh?". Câu nói vừa như một lời đề nghị ngọt ngào vừa như một mệnh lệnh. Tôi lập tức đồng ý, và cô nhân viên tín dụng in hợp đồng mang tới để tôi ký. Theo hướng dẫn, tôi phải chuyển ngay khoản tiền mua bảo hiểm để hoàn thiện hợp đồng (dù chưa được đọc kỹ), sau đó hồ sơ vay của tôi mới hoàn thiện và khoản tiền vay được giải ngân.
Khi các thủ tục xong xuôi và tiền đã vào tài khoản, tôi mở hợp đồng ra đọc thì mới biết đây là một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với doanh nghiệp bảo hiểm mới thành lập thời gian ngắn; nội dung hợp đồng không rõ ràng và quyền lợi bảo hiểm càng mơ hồ. Thực tế, tôi chưa được tư vấn về các gói bảo hiểm cũng như quyền lợi của mình, đồng thời hồ sơ kê khai về tình hình sức khỏe, bệnh tật của tôi cũng đều do nhân viên tín dụng khai giúp và tôi chỉ ký là hoàn thiện.
Cầm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của mình trên tay, tôi không khỏi nhớ tới trường hợp một nghệ sĩ nhân dân cũng có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với một hãng lớn, song khi bà qua đời vì bệnh ung thư thì hợp đồng không được thực hiện và bị từ chối đền bù, vì doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng việc bà không kê khai tiền sử có những căn bệnh khả năng phát triển thành ung thư là dấu hiệu gian dối và trục lợi.
Thực tế từ bản thân tôi cho thấy nhân viên tín dụng kiêm bán bảo hiểm đâu có tư vấn cụ thể với khách hàng, tất cả đều tiến hành "thần tốc" miễn sao hợp đồng được ký. Đem thắc mắc hỏi với người tư vấn làm hợp đồng bảo hiểm tại ngân hàng, tôi được phản hồi rằng "Anh ơi, em chỉ cần đủ doanh số thôi, anh có thể đóng năm đầu xong rồi rút cũng không sao".
Tôi giật mình khi biết rằng con số 40 triệu đồng cho phí bảo hiểm năm đầu nếu không gia hạn đóng phí vào những năm tiếp theo, thì tôi sẽ không thu hồi được lại đồng nào. Cuối cùng, tôi đành tự an ủi, thôi đành vậy, mình đang cần tiền, coi như đó là khoản phí vay vốn.
Đem câu chuyện trên chia sẻ với vài người bạn, tôi mới hay tình trạng nhân viên tín dụng bán bảo hiểm theo kiểu "bia kèm lạc" là chiêu thức rất quen thuộc. Truyền thông đã phản ánh liên tục trong thời gian qua. Thậm chí, gần đây báo Dân trí còn thông tin những việc đáng lên án hơn là khách hàng tố bị giả chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm, hay bán bảo hiểm nhân thọ cho người chưa từng gặp mặt, người bị ung thư…
Theo quy định, phía ngân hàng có thể đưa ra đề xuất mua bảo hiểm nhằm bảo vệ khách hàng khỏi các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình vay tiền. Ví dụ khi một người vay vốn để mua nhà đất thì nên có bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Người vay tiền phải được tư vấn về các sản phẩm bảo hiểm và quyền lợi của mình để cân nhắc đưa ra quyết định.
Khách hàng có quyền lựa chọn mua hoặc không mua bảo hiểm và các bên đều phải thông tin đầy đủ, minh bạch. Nhưng thực tế trên thị trường vốn, "quyền lực" thuộc về ngân hàng và trong trường hợp cụ thể là thuộc về nhân viên tư vấn - người quyết định hồ sơ vay tiền được giải quyết thuận lợi hay không.
Việc "ép buộc" người vay tiền mua bảo hiểm dù với cách thức nào là dấu hiệu lợi dụng quyền lực thị trường để chèn ép người có nhu cầu vay vốn. Vì lợi thế quyền lực này, nhân viên tín dụng biết trước sẽ bán được sản phẩm bảo hiểm nên không cần tư vấn kỹ lưỡng, thậm chí còn xẵng giọng với khách hàng sau khi đã ký hợp đồng.
Với thực tế trên, nhiều quy định pháp luật chỉ nằm trên giấy, ví dụ như quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bảo hiểm phải tuân thủ chặt chẽ việc quảng cáo, tư vấn bán hàng, cung cấp thông tin cho khách hàng, và các quy định khác liên quan đến bảo đảm quyền lợi cho bên mua.
Theo quy định của Bộ Tài chính, các tổ chức tín dụng không được phép bán bảo hiểm kèm với sản phẩm tín dụng bắt buộc. Tức là, việc mua bảo hiểm phải là quyết định độc lập của khách hàng và không bị ép buộc bởi các ngân hàng, đặc biệt là không được lợi dụng những trường hợp mà khách hàng ở vào thế bất lợi để yêu cầu mua bảo hiểm.
Rõ ràng, tình trạng "ép" mua bảo hiểm hoặc nhân viên tín dụng cố tình mập mờ để bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng là sai luật, trái đạo lý. Sai luật vì không tổ chức, cá nhân nào được "ép" người khác mua bảo hiểm. Trái đạo lý vì khách hàng phải đi vay tiền tức là đã ở trong trường hợp khó khăn, lại phải "cõng" thêm chi phí bảo hiểm; đó là chưa kể những trường hợp có dấu hiệu giả mạo chữ ký hay bán bảo hiểm nhân thọ cho người chưa từng gặp mặt, người bị ung thư… như báo chí phản ánh gần đây.
Năm 2022, Bộ Tài chính đã thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận. Bộ cũng sẽ tiếp tục thanh kiểm tra lĩnh vực này trong năm 2023. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn chấn chỉnh các hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều thiết lập đường dây nóng để người dân có thể kịp thời tố giác hoạt động "ép" mua bảo hiểm. Mong rằng sự vào cuộc của cơ quan quản lý sẽ sớm làm lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm.
Với các khách hàng có nhu cầu vay vốn ngân hàng, cũng nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh trở thành một bên bất đắc dĩ của hợp đồng bảo hiểm.
Theo điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự quy định trong Bộ Luật Dân sự hiện hành, các bên tham gia giao dịch hoàn toàn tự do ý chí, tự nguyện thỏa thuận về nội dung của giao dịch, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép từ phía bên kia hoặc của người khác; các bên tự nguyện thỏa thuận các vấn đề nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Như vậy nếu bạn đã mua những hợp đồng bảo hiểm đi kèm với hồ sơ vay mà dân gian hay gọi là "bán bia kèm lạc" là có dấu hiệu ép buộc, khiến hợp đồng không phát huy hiệu lực. Khi ấy bạn hoàn toàn có thể khởi kiện tại tòa để tuyên hợp đồng này vô hiệu.
Thiết nghĩ quá trình thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng về lĩnh vực bảo hiểm, nếu phát hiện vi phạm cần xử phạt nghiêm khắc, qua đó răn đe và cảnh tỉnh các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời giảm bớt khó khăn cho người dân có nhu cầu vay vốn.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!