Tâm điểm
Bích Diệp

"Cú phanh gấp" thức tỉnh trách nhiệm doanh nhân

Chỉ mấy ngày trước, khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam vì cáo buộc "thao túng thị trường chứng khoán", cổ phiếu "họ" FLC lập tức giảm sàn liên tiếp, nhiều nhà đầu tư chỉ trong thời gian ngắn thiệt hại 30% giá trị tài khoản.

 Kế đến, khi ông chủ Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng - bị khởi tố, dù doanh nghiệp này không niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng vẫn ảnh hưởng đến thị trường, khiến một số mã cổ phiếu bất động sản lao dốc.

Đây mới chỉ là những hệ lụy nhìn thấy ngay, và chắc chắn còn nhiều vấn đề khác. Với người dân bình thường, việc chủ tịch công ty này bị xử phạt, chủ tịch công ty kia vướng vòng lao lý đơn thuần chỉ là tin tức, nay đọc mai quên. Tuy nhiên, phía sau một doanh nhân là sự vận hành của doanh nghiệp, là cuộc sống của hàng trăm, hàng nghìn nhân viên, là những dự án dang dở và chính là nguồn lực xã hội. 

Vai trò của đội ngũ doanh nhân trong xây dựng và phát triển nền kinh tế là rất rõ ràng. Nói một cách công bằng, ngay cả những doanh nhân đang bị điều tra hoặc đã thụ án, thì ở giai đoạn đầu khởi nghiệp cũng như trước khi vi phạm pháp luật, họ từng là những người thành đạt và có đóng góp nhất định. Có điều, với những hành vi vi phạm quy định của pháp luật thì dù là những chủ doanh nghiệp lớn, họ cũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Việc này phát đi thông điệp rất quan trọng, rằng không có vùng cấm trong xử lý vi phạm. Dưới hệ quy chiếu của pháp luật, mọi người đều bình đẳng như nhau. Sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, rất sòng phẳng. Đây cũng chính là tính răn đe trong thực thi luật pháp để những người khác dẫu có ý định vi phạm thì sẽ chùn tay, không dám làm xằng, làm bậy nữa.

Một số người nói với tôi rằng, thật mâu thuẫn khi có ông doanh nghiệp này mới mấy năm trước được trao bằng khen, giấy khen thì năm nay đã bị khởi tố. Tôi lại đánh giá, điều này xảy ra là rất bình thường. Họ có thể làm tốt ở lĩnh vực này nhưng lại vi phạm ở lĩnh vực khác, cái gì làm tốt thì ghi nhận và khuyến khích, còn vi phạm vẫn phải xem xét và xử phạt tùy vào mức độ sự việc.

Sự thành công của mỗi doanh nhân sẽ góp phần vào thành công chung của nền kinh tế. Chính vì vậy, xã hội kỳ vọng các doanh nhân có khát vọng lớn và làm lớn, vì như vậy thì mới có kết quả lớn, đưa đến sự phát triển đột phá. Khát vọng làm giàu chính đáng là không có giới hạn, song pháp luật và đạo đức kinh doanh thì có giới hạn. Các doanh nhân không thể đi chệch đường ray quy định luật pháp.

Có câu ngạn ngữ "bông lúa chín là bông lúa cúi đầu". Một doanh nhân lớn không hẳn là người đứng đầu một doanh nghiệp có quy mô lớn, mà là người có tầm nhìn lớn, nhân cách lớn, có sự tôn trọng đối với luật pháp, tôn trọng đối tác, tôn trọng khách hàng.

Có thể vẫn còn nhiều người lầm tưởng về sức mạnh của những mối quan hệ, của cơ chế xin - cho hay vẫn tự tin vào thủ thuật kinh doanh của mình, song nếu vượt đường giới hạn của luật pháp và đạo đức, những yếu tố đó không thể giúp họ tránh khỏi bị trả giá. Nhìn ở góc độ này, việc xử lý theo quy định pháp luật các sai phạm chính là cú "phanh gấp" giúp thị trường lành mạnh hơn và thức tỉnh trách nhiệm doanh nhân.