Xu hướng việc làm và trăn trở chọn lối vào đời
Mỗi mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông đi qua, đằng sau vui buồn điểm số là quyết định quan trọng của các thí sinh và gia đình trong việc chọn cấp học lên cao (đại học, cao đẳng, trường nghề), chọn lĩnh vực chuyên môn sẽ theo đuổi hay đơn giản hơn là chọn một công việc phổ thông để mưu sinh. Nói là quan trọng bởi sự lựa chọn này có thể quyết định đến tương lai của các bạn trẻ. Và tất nhiên những sự lựa chọn đó cũng sẽ quyết định phần nào đến thị trường lao động, là một trong những yếu tố định hình bức tranh việc làm của Việt Nam trong tương lai gần.
Hiện mỗi năm hơn một triệu người bước vào độ tuổi lao động. Bên cạnh những chuyển biến tích cực của thị trường lao động, việc làm những năm qua, đơn cử như tỷ lệ có việc làm cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp theo tiêu chuẩn thế giới (trong 6 tháng đầu năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,4 triệu người, số có việc làm 50,3 triệu người - Nguồn: Tổng cục Thống kê), cần thấy rằng đang và sẽ có những xu hướng lớn tác động mạnh mẽ đến tình hình việc làm của nước ta.
Trong báo cáo về "Tương lai việc làm Việt Nam", các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra 5 xu hướng đặc biệt có thể đóng vai trò chính tạo ra những việc làm tốt hơn, phạm vi bao phủ hơn, hoặc đem lại những thách thức, khó khăn cho những ai không theo kịp các chuyển đổi đến từ xu hướng đó. Các xu hướng này bao gồm: Tầng lớp tiêu dùng ngày càng phát triển ở Việt Nam và khu vực Đông Á; các hình thái thương mại thay đổi; già hóa dân số và tốc độ gia tăng của lực lượng lao động đang chậm lại; sự phát triển của nền kinh tế tri thức; sự gia tăng của tự động hóa và chuyển đổi số trong các quy trình sản xuất…
Mỗi xu hướng đều sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với bức tranh việc làm của Việt Nam. Do vậy, việc nắm bắt các chuyển động đó, thiết nghĩ không chỉ cần thiết với các nhà hoạch định chính sách mà còn hữu ích ít nhiều với các bạn trẻ cũng như gia đình họ trước quyết định "chọn lối vào đời".
Đơn cử khi tầng lớp tiêu dùng ngày càng phát triển (tỷ lệ người Việt Nam thuộc nhóm trung lưu vào năm 2016 khoảng 13% và đang tăng lên - Nguồn: Báo cáo của WB), người dân có khả năng mua sắm nhiều hàng hóa chế biến hơn, từ thực phẩm chế biến đến quần áo, hàng gia dụng. Lĩnh vực dịch vụ sẽ phát triển, nhất là các dịch vụ cá nhân giá trị cao, tiện ích vui chơi giải trí… Thay đổi này đã và đang điều hướng một bộ phận lớn doanh nghiệp dịch chuyển vào những lĩnh vực đó nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn, đồng nghĩa mở ra cơ hội cho những lao động sở hữu kỹ năng chuyên sâu trong các ngành chế biến, chế tạo và dịch vụ.
Hay với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, thị trường lao động trên thế giới đã chứng kiến sự dịch chuyển từ những việc làm lao động chân tay, lặp đi lặp lại sang những công việc tư duy, ít lặp đi lặp lại. Kỹ năng nhận thức cơ bản (đọc, viết) và các tri thức, kinh nghiệm trong một lĩnh vực từng là công thức tạo nên người lao động có hiệu quả trong quá khứ, nhưng chủ sử dụng lao động hiện nay đang tìm kiếm một loạt những kỹ năng, tri thức mới. Ở Việt Nam, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đa số cơ sở vẫn dựa vào hoạt động lắp ráp có hàm lượng tri thức thấp, nhưng có thể thấy những "việc làm tri thức" trong chuỗi giá trị như thiết kế, nghiên cứu và ứng dụng, tiếp thị, dịch vụ hậu mãi, logistics… ngày càng trở nên quan trọng, mang lại việc làm chất lượng tốt hơn, thu nhập cao hơn cho người lao động.
Tương tự như vậy, tự động hóa và chuyển đổi số tại nơi làm việc sẽ dẫn đến những thay đổi về yêu cầu đối với hàng loạt công việc, nhiều việc làm mới sẽ xuất hiện và có những việc làm mất đi.
Trên con đường hướng tới tương lai việc làm, mỗi bạn trẻ và gia đình họ sẽ có cách tiếp cận khác nhau, tuy nhiên theo quan điểm của người viết bài này, trong bối cảnh nêu trên, khả năng thích ứng của người lao động trước những thay đổi, không chỉ đáp ứng yêu cầu việc làm hiện nay mà cả sau này sẽ ngày càng quan trọng hơn. Hay nói cách khác là người lao động sẽ phải có khả năng nâng cao kỹ năng và học tập liên tục suốt đời khi tính chất công việc thay đổi bởi ảnh hưởng của các xu hướng lớn, kể cả những xu hướng mà chúng ta không biết trước. Điều này đồng nghĩa lối tư duy truyền thống đặt nặng yếu tố "việc làm ổn định", coi trọng bằng cấp hay quan hệ cá nhân hơn thực học và kỹ năng… đã không còn phù hợp.
Sau mùa thi vừa qua, một người quen có con chuẩn bị vào học đại học tâm sự với tôi rằng, cô đang lo lắng vì con không theo định hướng gia đình mà quyết định chọn một chuyên ngành rất mới lạ, khi ra trường không biết có xin việc được không. Tâm lý đó có lẽ cũng có ở rất nhiều bậc phụ huynh khác. Thậm chí, với nhiều gia đình, ngay từ khi con em mình còn ngồi trên ghế nhà trường, đã tính đến việc lo lót việc làm bằng các mối quan hệ cá nhân… "Lối tắt" này có thể mang đến việc làm ở thời điểm nhất định, nhưng khi con em họ không đáp ứng được các yêu cầu của việc làm trước những chuyển động mạnh mẽ của thị trường thì nguy cơ cao sẽ bị đào thải. Với các bậc phụ huynh lo lắng khi con em mình chọn những chuyên ngành mới lạ, có lẽ cũng cần thấy rằng nhiều năm trước, ngành Công nghệ thông tin/Phần mềm thuộc nhóm "mới lạ" song giờ đây đã nằm trong 10 ngành có tỷ lệ tuyển dụng tăng "vọt" (theo báo cáo của Navigos, một trong những nhà cung cấp hàng đầu về các dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam). Thu nhập bình quân của một kỹ sư công nghệ thông tin mới ra trường thường dao động từ 10-20 triệu đồng/tháng, nhiều nơi lên tới 30-40 triệu đồng/tháng.
Suy cho cùng người quyết định việc làm chính là các bạn trẻ, là sự lựa chọn và nỗ lực, phẩm chất của mỗi người. Vì vậy hãy lắng nghe và tôn trọng các bạn trẻ ngay từ những quyết định đầu đời: Chọn trường, chọn nghề nghiệp.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!