Đằng sau ồn ào của một "chiến thần" livestream
"Người kinh doanh như chúng tôi sợ nhất hàng tồn kho, bằng mọi cách phải đẩy hàng đi để tránh ứ đọng vốn và hư hỏng, hết mốt, một số loại hàng hóa còn hết hạn sử dụng", một tiểu thương nói với tôi trong khi treo biển giảm giá 50% cho quần áo mùa đông, nhân một ngày thời tiết đột ngột trở lạnh vào đầu tháng 4 dương lịch.
Xử lý hàng tồn kho là bài toán nan giải, không riêng gì với các tiểu thương, mà còn đặc biệt đau đầu với những nhà sản xuất lớn, nhất là khi người dân có xu hướng siết chặt chi tiêu nhằm ứng phó với điều kiện kinh tế khó khăn.
Trong bối cảnh đó, việc phân phối qua các kênh online, đặc biệt là livestream trên các nền tảng mạng xã hội được các nhãn hàng đẩy mạnh. Với số lượng gần 78 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số, trong đó 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% tổng dân số (tính đến đầu năm 2023), kênh phân phối online trở thành một trong những trụ cột giúp các nhãn hàng (đặc biệt là hàng tiêu dùng) sống sót, vượt qua cả những giai đoạn khó khăn như giãn cách, phong tỏa vì Covid-19.
Mảnh đất màu mỡ này mang lại thu nhập "khủng" cho một bộ phận người dùng mạng xã hội có số người theo dõi lớn, trong đó bao gồm cả những streamer chuyên nghiệp (người phát sóng trực tiếp trên các nền tảng online), lẫn những người nổi tiếng (ca sĩ, diễn viên…). Thông qua livestream, người ta chứng kiến sự trỗi dậy của những "chiến thần" mà Võ Hà Linh, người được nhiều kênh truyền thông đề cập đến trong ít ngày gần đây, là một trong số đó.
Với con số hơn 300.000 lượt xem cho một buổi livestream trên TikTok, cô gái sinh năm 1992 - Võ Hà Linh có thể tạo nên những chiến tích mà ngay cả một cửa hàng lớn đặt tại vị trí đắc địa trong trung tâm thành phố cũng khó làm nổi: Sau khi bán hết sản phẩm của 2 nhà máy và 1 kho hàng trong ngày 15/3, Hà Linh tiếp tục gây choáng váng khi giúp bán sạch hàng cho 4 nhà máy trong tối ngày 4/4.
Tất nhiên để những streamer có khả năng "dọn kho" cho nhà máy, họ cần xây dựng được uy tín lớn với người xem. Hà Linh trước hết là một KOC (Key Opinion Consumer - người thử nghiệm sản phẩm, đưa ra các ý kiến và đề xuất trung thực về các sản phẩm) có tầm ảnh hưởng.
Cộng thêm việc mang lại các combo (gói) khuyến mại hấp dẫn, những "deal phá giá" khó gặp được ở các kênh phân phối khác thì khả năng thành công của các livestream do KOC thực hiện càng lớn. Tuy nhiên, yếu tố "rẻ bất ngờ" chưa hẳn đã có lợi mà có thể là con dao hai lưỡi như với trường hợp Hà Linh và hãng dược phẩm Hoa Linh.
Việc triển khai chương trình quảng bá sản phẩm dầu gội với giá sốc là 11.000 đồng và 18.000 đồng trong khi mức giá đang phân phối tại các nhà thuốc lần lượt là 71.000 đồng và 76.000 đồng, "chiến thần review" Hà Linh lập tức bị các nhà thuốc phản ứng. Mức giá livestream vô hình trung khiến một bộ phận khách hàng của doanh nghiệp cho rằng từ trước đến nay họ bị các nhà thuốc bán giá đắt. Nhãn hàng lập tức bị nhận "bão" đánh giá 1 sao trên Google, thậm chí nhiều nhà thuốc còn đòi trả hàng khiến doanh nghiệp bối rối.
Với vụ bê bối này chưa biết có ảnh hưởng tới những cú bắt tay của Hà Linh với các nhãn hàng tới đây không nhưng hiện tại, tiếng tăm của cô đang phủ kín truyền thông. Sản phẩm dầu gội của Hoa Linh, tương tự, cũng được nhiều người biết đến. Chương trình "quảng bá" nhằm khuếch trương danh tiếng đã đạt mục đích. Tuy nhiên, khi các kênh phân phối xảy ra xung đột, xét về lâu dài là không có lợi cho doanh nghiệp. Dù có giúp doanh nghiệp "dọn kho" trong một ngày thì KOC cũng không thể thường xuyên livestream bán hàng cho riêng doanh nghiệp đó. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng hàng ngày, họ buộc phải dựa vào hệ thống nhà thuốc.
Mở nhà thuốc có khó không? Mở các cửa hàng kinh doanh truyền thống có khó không? Không đơn giản! Một số trường hợp phải có giấy phép hành nghề, phải thuê mặt bằng, phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, về kho chứa, phải có nhân viên bán hàng thường xuyên túc trực… So với việc cá nhân ngồi livestream, đương nhiên, phía hệ thống cửa hàng phân phối trực tiếp sẽ chịu nhiều áp lực hơn. Ngay cả là với điều kiện triển khai chương trình khuyến mại.
Thông thường, khi thương nhân hoặc chủ thể kinh doanh muốn thực hiện hoạt động khuyến mại cho sản phẩm chiến lược của mình đều cần đăng ký với Sở Công Thương về mặt hàng khuyến mại, hình thức khuyến mại và những vấn đề liên quan diễn ra trong suốt quá trình tổ chức hoạt động khuyến mại. Tuy nhiên, Nghị định 81/2018/NĐ-CP về hoạt động xúc tiến thương mại một số chương trình khuyến mại cho phép những thương nhân chỉ thực hiện bán hàng và khuyến mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến thì không cần thực hiện thủ tục thông báo với Sở Công Thương.
Với những ưu ái như vậy, đương nhiên hoạt động quảng bá, bán hàng nhờ livestream sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa trong tương lai. Có thống kê cho thấy, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 70.000-80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
Có vẻ như kinh doanh online, bán hàng thông qua livestream là một xu hướng không thể cưỡng lại trong sự phát triển của nền kinh tế. Tại Trung Quốc, livestream trở thành một nghề được công nhận.
Tuy nhiên, cùng với những tác động tích cực trong đẩy mạnh doanh số của doanh nghiệp, tăng lưu thông hàng hóa, kích cầu tiêu dùng thì livestream cũng có những mặt trái, nhức nhối nhất là quảng cáo sai và bán hàng hóa chất lượng thấp, hàng giả, hàng nhái… Đó là chưa nói đến những hành vi "cạnh tranh bẩn" bằng việc nói xấu, hạ bệ sản phẩm của đối thủ.
Hồi giữa năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông từng công bố dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó gây chú ý với những quy định được coi là siết chặt quản lý với các hoạt động livestream, kiếm tiền trên mạng xã hội, buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ những quy định của Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều trao đổi thì hiện tại những quy định nói trên vẫn nằm dưới dạng dự thảo.
Hoạt động bán hàng thông qua hình thức livestream do cá nhân thực hiện trên mạng xã hội, tự chốt đơn và gửi hàng với nhau cho đến nay vẫn chưa được điều chỉnh bởi quy định luật cụ thể nào. Trong khi cơ quan Nhà nước khó mà quản lý được "đại dương" livestream bao la trên mạng xã hội thì thực tế thị trường vẫn luôn có cơ chế tự điều tiết mà không một KOC hay nhãn hàng nào có khả năng cưỡng lại. Theo đó, khách hàng, người dùng mạng xã hội sẽ là những "mắt thần" giám sát, hoạt động gian lận sẽ không thể tồn tại lâu dài và nếu các KOC và nhãn hàng không đảm bảo được những tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh chắc chắn sẽ bị đào thải. Đừng coi thường các phong trào tẩy chay khi mà người tiêu dùng ngày càng ý thức được sức mạnh của họ.
Vấn đề của Nhà nước ở đây, có lẽ nằm ở việc không bỏ lọt số thu thuế cũng như có những yêu cầu nhất định với doanh nghiệp vận hành mạng xã hội đảm bảo các tiêu chuẩn cộng đồng, một môi trường internet lành mạnh.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!