Đằng sau chuyện người dân đổ xô đi đổi giấy phép lái xe
Những ngày qua ở Hà Nội và TPHCM hàng nghìn người dân xếp hàng làm thủ tục đổi giấy phép lái xe (GPLX) bằng giấy sang vật liệu PET. Nhiều nơi do quá đông nên người dân phải chen chân, vật vờ cả ngày vẫn chưa đến lượt.
Hiện tượng trên gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ tại các điểm tiếp nhận hồ sơ cấp đổi giấy phép của ngành giao thông.
Liệu có phải quy định mới không chấp nhận giấy phép lái xe cũ khiến người dân đổ xô đi làm thủ tục như vậy? Hoàn toàn không! Thực tế là các quy định hiện tại chưa bắt buộc người dân thực hiện những thay đổi này.
Gần đây dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung quy định "GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định".
Tuy nhiên, đây chỉ là dự thảo Luật, để một dự thảo Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ còn rất nhiều thời gian, có thể tính bằng năm. Hơn nữa, dự thảo điều luật cũng nêu rõ là "theo lộ trình" chứ không phải áp dụng ngay.
Về phía cơ quan chức năng đã giải thích rằng sau khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được ban hành và có quy định về việc phải đổi giấy phép lái xe, cơ quan có thẩm quyền sẽ "ban hành lộ trình cụ thể" để tổ chức thực hiện, đảm bảo không gây khó khăn cho người dân cũng như cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Tóm lại, giấy phép lái xe mô tô bằng vật liệu giấy vẫn tiếp tục sử dụng bình thường theo quy định hiện hành. Bộ Giao thông Vận tải không bắt buộc người dân thực hiện đổi giấy phép lái xe từ vật liệu giấy sang thẻ PET.
Nhưng, cùng một thời điểm mà rất nhiều người mang bằng lái đến cơ quan chức năng để đổi đã khiến cho các cơ quan này bị quá tải, gây ảnh hưởng và cả thiệt hại (do phải vội vàng đi làm thủ tục, chờ đợi cấp đổi…) không đáng có với người dân cũng như cơ quan nhà nước.
Câu chuyện trên một lần nữa đặt ra vấn đề truyền thông chính sách sao cho người dân nhận biết chính sách sẽ ban hành: Nội dung; tác động; lộ trình thực hiện; những việc cần làm… Khi người dân nắm rõ nội dung và xu hướng chính sách thì sẽ có hành động phù hợp.
Tất cả chi phí phát sinh liên quan đến việc thực thi các quy định, chính sách trong công tác quản lý giấy phép lái xe được gọi là chi phí tuân thủ pháp luật. Trong khoa học quản trị, trước khi ban hành một chính sách thì cơ quan chức năng phải đánh giá tác động, vì dù muốn hay không chính sách đó sẽ khiến các bên liên quan bao gồm nhà nước và công dân chịu ảnh hưởng,
Ví dụ, về phía nhà nước phải đầu tư kinh phí cho công tác cấp đổi trả giấy phép lái xe, cơ sở hạ tầng và chi trả lương cho đội ngũ phục vụ công tác này, cùng với đó là hạ tầng để lưu trữ thông tin cần thiết. Hình thức lưu trữ bằng bản cứng hay tích hợp chung với căn cước công dân hay sử dụng thông qua hệ thống dữ liệu quốc gia VneID đều phát sinh chi phí khác nhau. Tất nhiên có những cải cách giúp tiết kiệm chi phí hơn so với cách làm trước đây (chuyển đổi số), và khoản đầu tư ban đầu là để phục vụ cho lâu dài. Nhưng dù theo cách thức nào thì đều phải từ nguồn lực nhà nước.
Về phía người dân sẽ phải gánh chịu những chi phí đi lại, chi phí tuân thủ, thời gian chờ đợi, chi phí cơ hội (cơ hội có được hoặc mất đi trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính).
Tất cả các chi phí đó tỷ lệ thuận với số người tuân thủ và sẽ phát sinh chi phí lớn khi số lượng người tuân thủ tăng đột biến. Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới WEF (World Economic Forum) đã tiến hành khảo sát một số nước trong đó có Việt Nam, cho thấy các khoản chi phí tuân thủ pháp luật ở ta dù đã được cải thiện song vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Thực tế này dẫn đến một mặt là người dân mất nhiều chi phí hơn, mặt khác là sẽ có một bộ phận phản ứng cực đoan theo hướng tìm cách trốn tránh việc tuân thủ để giảm chi phí cho cá nhân, tổ chức của mình.
Điều này cho thấy các cải cách thủ tục hành chính là cần thiết để giảm chi phí tuân thủ, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhưng cùng với đó phải làm tốt khâu truyền thông chính sách để không dẫn đến những "phản ứng ngược" do người dân không nắm rõ xu hướng thay đổi của chính sách cũng như ảnh hưởng mà nó mang lại.
Trở lại với việc cấp đổi giấy phép lái xe, thời gian qua có rất nhiều thông tin dù chính thức hoặc chỉ là đồn đại, song đều có thể khiến người dân lo ngại, như là việc này sẽ quá tải trong dịp Tết khi nhu cầu đi lại và đổi giấy phép lái xe gia tăng. Hoặc khi người dân tiến hành các thủ tục định danh điện tử mức 2 trên VneID đã nhận được thông tin giấy phép lái xe bằng giấy cũ chưa hiển thị trên ứng dụng này; thêm vào đó giấy phép lái xe bản giấy chỉ có tên và năm sinh mà không hiển thị đầy đủ ngày, tháng, năm sinh nên không đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia.v.v...
Về phía cơ quan chức năng thì khuyến khích người dân đổi giấy phép lái xe để được tích hợp vào dữ liệu dân cư với căn cước công dân trên VneID. Những thông tin này ít hay nhiều đều tác động đến tâm lý của một bộ phận người dân, do vậy, nếu không được truyền thông đầy đủ thì việc người dân vội vàng đi đổi giấy phép lái xe là có thể hiểu được. Từ đó dẫn đến chi phí tuân thủ của các bên liên quan gia tăng.
Một hiện tượng giúp chúng ta nhìn thấy vấn đề rất rõ ràng, truyền thông chính sách tốt không chỉ giúp người dân dễ dàng tuân thủ hơn, mà còn giúp giảm các chi phí liên quan, hạn chế lãng phí nguồn lực của nhà nước. Thiết nghĩ đây là bài học không chỉ riêng với giấy phép lái xe.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!