Tâm điểm
Đại sứ Phạm Quang Vinh

Đăng cai các sự kiện tầm vóc quốc tế, Việt Nam đủ sức!

Gần đây, Việt Nam có một loạt kế hoạch cùng các đề xuất chính thức hoặc không chính thức về việc đăng cai các sự kiện quốc tế quan trọng, ví dụ như về đăng cai Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2027; đồng đăng cai World Cup bóng đá thế giới vào năm 2034; đăng cai một hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP) trong tương lai.

Ngoài ra cũng nhiều gợi ý cho rằng Việt Nam có thể chủ động, linh hoạt hơn để mời được các ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng thế giới đến biểu diễn.

Trong khu vực, những ngày này giới trẻ ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung đang lên cơn sốt với tour diễn của nữ ca sĩ người Mỹ Taylor Swift tại Singapore. Thái Lan cũng rất muốn mời cô ca sĩ này đến, song phía Singapore đã giành được độc quyền với đề nghị, theo truyền thông đưa tin, hỗ trợ lên tới 3 triệu USD (4 triệu đô la Singapore) cho mỗi buổi biểu diễn và đổi lại Taylor Swift đồng ý không diễn ở nơi nào khác ở Đông Nam Á.

Giới chức Singapore cho rằng các buổi trình diễn của Taylor Swift có thể mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế đất nước, nhất là lĩnh vực du lịch.

Tại Singapore cũng vừa diễn ra Triển lãm hàng không quốc tế (Airshow) với sự tham gia của hơn 1.000 công ty đến từ 50 quốc gia. Đây là sự kiện hàng không được tổ chức hai năm một lần, có quy mô lớn nhất châu Á và thứ ba thế giới, chỉ sau triển lãm Le Bourget ở Pháp và Farnborough của Anh.

Đối thoại Shangri-La - còn được biết đến với tên gọi Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á - sẽ diễn ra tại Singapore vào cuối tháng 5. Đối thoại Shangri-La diễn ra thường niên, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu và quan chức quốc phòng, an ninh nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam có đủ sức tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng hay không?

Trở lại với vấn đề nêu ra ở đầu bài viết, câu hỏi đặt ra là Việt Nam có đủ sức tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng hay không? Tôi với tư cách cá nhân và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại, cũng xin mạo muội trả lời rằng: Có chứ!

Trong những năm qua, Việt Nam không chỉ tham gia nhiều sự kiện quốc tế lớn trên thế giới mà còn chủ trì đăng cai nhiều hội nghị quan trọng của khu vực và thế giới trên các lĩnh vực khác nhau.

Đăng cai các sự kiện tầm vóc quốc tế, Việt Nam đủ sức! - 1

Đội dẫn đoàn Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và CSGT Công an Hà Nội đưa Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân cùng đoàn lãnh đạo cấp cao Trung Quốc di chuyển trên đường phố Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 12/2023 (Ảnh: Tiến Tuấn)

Có thể kể đến như Hội nghị cấp cao APEC 2017; Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều với sự tham gia của 2 nhà lãnh đạo Donald Trump - Kim Jong Un năm 2019.

Đơn cử với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhiều câu hỏi từng đặt ra như, tại sao Việt Nam được chọn mà không phải nơi khác? Trước khi chọn Việt Nam đã có một số cái tên được nêu nhưng sự lựa chọn Hà Nội có những hàm ý nhất định.

Trước hết, Việt Nam chắc chắn có điều kiện tổ chức về mặt hậu cần như khách sạn tiêu chuẩn cao, giao thông vận tải, thuận tiện cho cả người đi máy bay, người đi tàu hỏa; rồi các điều kiện an ninh; điều kiện nhân sự cán bộ phục vụ.

Đặc biệt Việt Nam cũng có đủ điều kiện về độ tin cậy của các mối quan hệ trên trường quốc tế. Rõ ràng là, dù Mỹ và Triều Tiên có sự khác biệt và đối đầu với nhau nhưng Việt Nam là điểm đến mà cả 2 nước trên đều thấy là đối tác tin cậy.

Thứ ba là sự ổn định và an ninh của Việt Nam. Với những cuộc gặp cấp cao có tính nhạy cảm như vậy thì việc bảo đảo đảm an ninh rất quan trọng.

Thứ tư, Việt Nam là một câu chuyện mà cả 2 bên đều có thể tham khảo được. Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từng có một cuộc chiến, từng là kẻ thù của nhau trước khi trải qua quá trình hòa giải để trở thành đối tác. Việt Nam cũng là một quốc gia từng đi qua chiến tranh rồi có được hòa bình; từ chỗ tập trung, quan liêu bao cấp chuyển sang đổi mới và vẫn vừa duy trì được thể chế chính trị đã lựa chọn, vẫn vừa thúc đẩy phát triển và hội nhập được với quốc tế. Có lẽ những điều đó cả 2 phía đều nhìn thấy và dù nói hay không nói ra nhưng ẩn sau là những thông điệp có thể tham khảo được.

Khi hội nghị diễn ra, chúng ta đã làm rất tốt, không chỉ là công tác tổ chức, bảo đảm an ninh, các điều kiện về khách sạn, khâu lễ tân hậu cần… mà còn tạo điều kiện để 2 đối tác có thể tham vấn với sự an toàn, bảo mật, tin cậy nhất.

Bên cạnh đó, còn phải đảm bảo an toàn và điều kiện tác nghiệp cho gần 3.000 phóng viên quốc tế đến tham dự đưa tin. Công việc của nước chủ nhà không phải chỉ với 2 đoàn lãnh đạo cấp cao mà còn với cả báo giới, là dịp để thế giới nhìn vào thấy được một Việt Nam đổi mới, hòa bình, hội nhập, phát triển, một Việt Nam với bề dày văn hóa lịch sử, rất tươi đẹp và hiếu khách.

Tôi nhớ ở sự kiện đó còn có cả những buổi ẩm thực, tạo điều kiện cho phóng viên nước ngoài tiếp xúc với đặc sản truyền thống Việt Nam.

Có thể khẳng định sau 3, 4 thập kỷ đổi mới và hội nhập thì năng lực tổ chức và điều hành các hoạt động quốc tế của chúng ta đã rất đầy đủ, trưởng thành, từ điều kiện cơ sở vật chất đến điều kiện giao thông vận tải, phương tiện đi lại, khả năng tổ chức, điều hành, bảo đảm an ninh, an toàn. Với Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều, tôi nhớ là chúng ta chỉ được thông báo trước 10 ngày và cùng một lúc phải chuẩn bị rất nhiều yếu tố liên quan đến việc đáp ứng yêu cầu của 2 đoàn lớn, với những yêu cầu sát sao. Điều này cho thấy năng lực của đất nước cùng một lúc có thể huy động được nhanh, kịp thời, đáp ứng các yêu cầu ở đẳng cấp quốc tế

"Không chỉ sẵn sàng về cơ sở vật chất, mà còn tham gia điều hành hội nghị"

Tôi cũng nhớ lại thủa trước đây khi chúng ta đăng cai hoạt động quốc tế lớn vào năm 1997 là Hội nghị cấp cao Pháp ngữ. Đây có lẽ là sự kiện lớn đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam sau khi thống nhất đất nước và mở cửa hội nhập. Khi đó, tuy đã hơn 10 năm đổi mới nhưng nước ta còn nhiều thứ khó khăn, cần chuẩn bị, ví như chưa có một cơ sở vật chất nào đủ tầm vóc để có thể đảm nhận một hội nghị quốc tế lớn. Khi đó, phía Pháp đã giúp đỡ và chúng ta đã có Trung tâm Hội nghị Quốc tế để kịp thời tổ chức và Hội nghị đã diễn ra thành công.

Việc đăng cai tổ chức một hội nghị quốc tế lớn không chỉ ở cơ sở vật chất, chúng ta còn tham gia khâu điều hành, tham vấn, xây dựng chương trình nghị sự, các kịch bản, các dự thảo tuyên bố, các chương trình hành động.

Sau thành công của Cấp cao Pháp ngữ 1997, năm 1998, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai một Hội nghị cấp cao ASEAN, tức là chỉ 3 năm sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN.

Kế đến là Hội nghị cấp cao ASEAN 2010, lúc đó năng lực tổ chức của chúng ta đã tốt hơn nhiều. Tại sao phải nhắc tới sự kiện này? Cấp cao ASEAN 2010 ở Việt Nam thực tế là hội nghị cấp cao đầu tiên để đưa Hiến chương và bộ máy mới của ASEAN đi vào hoạt động, đi vào cuộc sống thực tiễn.

Thay vì trước đây ASEAN chỉ tập trung vào loạt hội nghị bộ trưởng giữa năm, thì từ 2010, ASEAN có bộ máy mới, bao gồm các hội nghị cấp cao, các hội đồng cấp bộ trưởng các hội đồng về ba trụ cột của cộng đồng và hội đồng điều phối Asean, cùng các cấp khác. Lần đầu tiên, theo Hiến chương, nước Chủ tịch phải tổ chức và chủ trì các hoạt động của ASEAN trong cả năm, bao gồm hai loạt hội nghị cấp cao, đến hàng loạt các hội nghị bộ trưởng và các cấp khác nhau. Mô hình tổ chức và cách sắp xếp các hội nghị trong một năm cho đến nay đã thành nếp và về cơ bản, vẫn tương tự theo cách mà Việt Nam khởi xướng khi đó, năm 2010.

Đăng cai các sự kiện tầm vóc quốc tế, Việt Nam đủ sức! - 2

Khai mạc Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN ngày 13/1/2010 tại Đà Nẵng (Ảnh tư liệu).

Tôi may mắn là một trong những người trực tiếp tham gia vào chuỗi sự kiện năm 2010. Đúng là chuyển sang mô hình mới của ASEAN và với việc chủ tịch cả năm, công việc nhân lên gấp bội. Nhìn lại năm 2010 có hơn 150 sự kiện bao gồm 2 loạt hội nghị cấp cao: cấp cao 1 vào tháng 4 chỉ có ASEAN nhưng cấp cao 2 vào tháng 10 là loạt hội nghị cấp cao, gồm có ASEAN, Cấp cao Đông Á, ASEAN + 3 và một số cấp cao ASEAN +1 với từng đối tác.

Cả năm 2010 phải huy động đến 20.000 lượt người tham gia phục vụ; xe cộ cũng hơn 1.000 lượt; báo chí tham gia khoảng 1.400-1.500 người cả trong và ngoài nước. Cái khó nữa là về điều hành, điều phối trong một năm. Trước hết, chúng ta phải đưa ra được chủ đề xuyên suốt của cả năm, vừa thể hiện cái chung của Asean vừa cho thấy cái trọng tâm mong muốn của Việt Nam. Năm đó, chúng ta lấy chủ đề: ASEAN từ tầm nhìn đến hành động, là điều được quan tâm nhất, sát sườn nhất, với hàm ý cùng quyết tâm đưa hiến chương và các tầm nhìn ASEAN về xây dựng cộng đồng đi vào cuộc sống và hoạt động thực tế.

Đó là một năm Việt Nam chủ tịch được bạn bè Asean và các đối tác đánh giá cao, với những dấu ấn của một chủ tịch năng động và có trách nhiệm đối với khu vực. Thực sự có nhiều điểm nhấn khi đó, nhưng chỉ xin đơn cử ở đây 2 câu chuyện:

Thứ nhất, đó là việc điều phối để đạt được đồng thuận về mở rộng Cấp cao Đông Á và kết nạp Nga và Mỹ làm thành viên - Đây là quyết định quan trọng không chỉ với Asean mà cả khu vực.  Theo đó, Cấp cao Đông Á, một cơ chế của Asean, đã hội tụ đầy đủ các đối tác hàng đầu của ASEAN, nay có thêm Mỹ và Nga, cùng với 6 đối tác đã có là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, từ đó trở thành một cơ chế quan trọng trong cấu trúc khu vực chung.

Thứ 2, đó là việc hiện thực hóa và khởi động cơ chế ADMM+, là cơ chế mới của Asean - Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và các đối tác chủ chốt. Đây là ý tưởng đã có từ trước của ASEAN nhưng để đi vào hiện thực, vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh phức tạp giữa các nước lớn. Chúng ta đã chuẩn bị và tích cực tham vấn từ rất sớm, bao gồm cả trong ASEAN và với các đối tác để có thể đạt đồng thuận chung và chính thức tổ chức hội nghị ADMM+ đầu tiên vào năm 2010 và lần đầu tiên ASEAN có một cơ chế khu vực của các Bộ trưởng Quốc phòng Asean và các đối tác chủ chốt nhất.

Như vậy, ngoài các khâu về tổ chức, hậu cần, an ninh, lễ tân, thì chủ trì về nội dung, điều phối các cơ chế khu vực, cũng như kết nối với các đối tác, để từ đó thúc đẩy các nỗ lực hợp tác chung và thực sự đóng góp vào môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương.

Còn gần đây, chắc chắn sẽ phải nhắc đến Cấp cao APEC ở Đà Nẵng - Đó là một dấu ấn lớn của Việt Nam. Công tác điều phối khi đó rất khó khăn, do bối cảnh chung phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, quan hệ kinh tế-thương mại chung trên thế giới có nhiều cọ xát, khó khăn. Nhưng Việt Nam đã thành công, do chính sự năng động và vị thế của mình, hội nghị thành công cả về nội dung và các khâu tổ chức, điều hành.

Đặc biệt, tất cả lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế lớn đều đến dự, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin và ra được chương trình hành động chung. Tuyên bố Cấp cao APEC-Đà Nẵng 2017 là cơ sở định hướng hợp tác khu vực trong bối cảnh mới có nhiều phức tạp, tạo thuận lợi cho thúc đẩy các tiến trình hợp tác kinh tế thương mại khu vực, cũng như vai trò của APEC và WTO.

Cũng xin nêu thêm ở đây, hội nghị APEC ngay năm sau đó đã không ra được một tuyên bố chung do sự bất đồng giữa các thành viên, nhất là giữa các nền kinh tế lớn.

Có thể nói thêm về việc kết hợp giữa đa phương và song phương. Cũng trong năm đó, Tổng thống Donald Trump không chỉ dự hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng mà còn bay ra Hà Nội để thực hiện chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam, đó là một điều rất đặc biệt, trong chuyến đi đầu tiên của ông tới Châu Á - Thái Bình Dương và với một lịch trình rất sát sao khi cùng lúc tới 5 nước.

"Việt Nam đủ sức đăng cai World Cup trong tương lai"

Tóm lại, đăng cai các hội nghị quốc tế không chỉ là câu chuyện cụ thể mang tính lễ tân, hậu cần, mà còn là câu chuyện nội dung, khả năng điều phối, thể hiện vị thế của Việt Nam, cùng các thông điệp về chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại với khu vực và thế giới.

Cũng xin nêu thêm về lực lượng cán bộ của Việt Nam, thời gian qua đã trưởng thành hơn lên rất nhiều, ngày càng chuyên nghiệp và đầy đủ năng lực để đảm nhận những sự kiện đối ngoại lớn.

Đất nước ta ngày càng phát triển và có vị thế trên quốc tế và tại khu vực. Đây cũng là lúc chúng ta có thể suy nghĩ lớn hơn về việc lựa chọn và chủ động đăng cai các hoạt động, sự kiện quốc tế có tầm vóc lớn hơn nữa, không chỉ về đối ngoại mà còn được mở rộng hơn trên các lĩnh vực khác như về kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch.

Gần đây có nhiều nhân vật nổi tiếng đến Việt Nam, cũng là một điểm nhấn ý nghĩa. Trong lĩnh vực công nghệ như vừa rồi tỷ phú Jensen Huang - CEO của Nvidia thăm Việt Nam, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, doanh nghiệp, công nghệ của Mỹ và các nước đến một Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo và quan hệ Việt-Mỹ đã được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện. Hay như việc Blackpink đến show diễn tại  Hà Nội trong năm 2023 cũng tạo nên sự lan tỏa rất lớn về Việt Nam. Hay việc các nhà làm phim nổi tiếng chọn Việt Nam làm cảnh quay, phim trường cũng góp vào quảng bá hình ảnh đất nước, con người.

Khi nói khả năng "Việt Nam đủ sức đăng cai World Cup trong tương lai" là tôi muốn nói đến một kỳ vọng, dùng một hình ảnh cụ thể để ví von. ASEAN cũng đã có ý tưởng đăng cai một World Cup như vậy.

Một Việt Nam vị thế, có cơ sở năng lực và kinh nghiệm tích lũy được, những năm tới, chúng ta có thể chủ động đăng cai những sự kiện như vậy. Thế thì, hàm ý là "tại sao lại không?". Chúng ta cần lựa chọn và chủ động đăng cai những sự kiện tạo nên tiếng vang, xứng tầm, đóng góp vào lợi ích và vị thế quốc gia.

Thêm nữa, nếu để ý quan sát, có thể thấy nhiều nước xây dựng được thương hiệu riêng của họ thông qua việc đề xuất các sáng kiến và tổ chức các sự kiện lớn ở tầm quốc tế và khu vực. Ví như Hội nghị an ninh Munich (Đức), Diễn đàn Bác ngao (Trung Quốc), Hội nghị Davos - Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) - nơi các nhà hoạch định chính sách quốc gia và các lãnh đạo doanh nghiệp lớn bàn về kinh tế đầu năm. Hay Đối thoại Shangrila, tên một khách sạn nhưng đã gắn với một Diễn đàn an ninh khu vực hàng đầu mà Singapore đã tạo dựng được.

Đến một lúc nào đó Việt Nam cũng cần tạo dựng một thương hiệu Việt Nam với một sáng kiến nào đó như vậy, một diễn đàn, một cơ chế, hay một tiến trình mang tên Việt Nam, được thế giới và khu vực quan tâm.

Như trên đã nêu, chúng ta cũng cần phải tranh thủ và mở rộng nhiều hơn, về các lĩnh vực như văn hóa - nghệ thuật (âm nhạc, hội họa, phim ảnh, du lịch…), hay công nghệ, sáng tạo… cũng là một lĩnh vực mới rất được quan tâm. Đó cũng là những hoạt động trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Để làm được, điều đó không chỉ trông chờ vào Chính phủ mà các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp đặc biệt cần phải chủ động.

Việc Vingroup làm giải thưởng VinFuture cũng là một ví dụ đáng hoan nghênh. Hay việc chúng ta cũng đã có thể có một giải đua Công thức 1, nếu như không có dịch bệnh covid.

Như vậy, các hiệp hội, doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng cần vào cuộc và tích cực hơn nữa trong việc đưa ra các sáng kiến và tổ chức những sự kiện lớn trên nhiều lĩnh vực từ công nghệ, kinh tế đến văn hóa, nghệ thuật, giải trí… nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, quảng bá du lịch, từ đó phát huy vị thế và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tác giả: Ông Phạm Quang Vinh nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Vinh từng có 7 năm làm Trưởng Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!