Tâm điểm
Phạm Hoàng Phương

Cứu sông Tô Lịch: Những việc khẩn cấp và lâu dài

Hồi sinh sông Tô Lịch đã và đang trở thành công việc ưu tiên hàng đầu của chính quyền Thủ đô, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong diễn biến mới đây, trên cơ sở đề nghị của thành phố Hà Nội về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có ý kiến về những việc thành phố cần triển khai, trong đó nêu rõ: Việc xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch là rất cấp bách để mang lại môi trường, cảnh quan, văn hóa, bảo vệ sức khỏe nhân dân theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo ý kiến của Phó Thủ tướng, việc chuyển nước từ sông Hồng về sông Tô Lịch cần được thực hiện đồng thời với rà soát quy hoạch có liên quan, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu gom toàn bộ nước thải dọc theo các sông, kiểm soát nước mưa, chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan hai bên sông, phát huy hiệu quả kinh tế, văn hóa, môi trường.

Cứu sông Tô Lịch: Những việc khẩn cấp và lâu dài - 1

Sông Tô Lịch lâu nay là dòng nước đen nằm ở khu vực trung tâm TP Hà Nội (Ảnh: DT)

Như vậy, thành phố Hà Nội sẽ cần thực hiện cả những việc khẩn cấp trước mắt (bổ cập nước sông Tô Lịch) và lâu dài mang tính chỉnh trang đô thị dọc theo dòng sông này, để không chỉ hồi sinh sông Tô Lịch mà còn phát huy được hiệu quả của quá trình cải tạo, đưa Tô Lịch trở thành một điểm đến về văn hóa, môi trường của Thủ đô.

Dù sông Tô Lịch có nhiều điểm khác so với dòng suối Cheonggyecheon chảy ra sông Jungnangcheon ở thủ đô Seoul, nhưng quá trình hồi sinh một dòng suối chết của người Hàn Quốc có thể mang lại cho chúng ta những kinh nghiệm tham khảo.

Việc cải tạo suối Cheonggyecheon được chính quyền thủ đô Seoul thực hiện rất thành công trong thời gian thần tốc 27 tháng (từ 1/7/2003 - 30/9/2005), đưa dòng nước đen ngòm và đã bị bê tông hóa trở thành một dải xanh mát giữa đô thị và là điểm tham quan, sinh hoạt cộng đồng nổi tiếng.

Người Hàn Quốc tổng kết 3 điểm mấu chốt trong việc cải tạo suối Cheonggyecheon. Thứ nhất là quy hoạch đô thị và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Dòng suối này chỉ dài gần 6km, nhưng để hồi sinh nó thì không chỉ làm sạch dòng suối là xong mà phải tái thiết khu vực đô thị có diện tích khá lớn xung quanh, phá bỏ đường cao tốc phía trên dòng suối, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tạo quỹ đất sạch để đầu tư phát triển…

Chính quyền thủ đô Seoul đã cho di dời nhiều công trình cũ để có mặt bằng phát triển không gian công cộng hai bên dòng suối như nhà văn hóa, bảo tàng, trung tâm thương mại… Phần lớn diện tích quy hoạch được đấu giá để tạo nguồn thu, tái đầu tư vào dự án cải tạo Cheonggyecheon.

Thứ hai là xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom 100% nước thải, loại bỏ triệt để tình trạng nước thải sinh hoạt và sản xuất kinh doanh xả thải trực tiếp vào dòng suối.

Thứ ba, triển khai dự án bổ sung nước cho suối Cheonggyecheon, tương tự như dự án bổ cập nước sông Tô Lịch mà Hà Nội đang làm.

Vì Cheonggyecheon vốn là một thủy lộ đã bị san lấp từ lâu, không có nguồn nước mới, nên cần phải bơm vào 120.000 tấn nước mỗi ngày. Ngoài việc đầu tư trạm bơm để bổ sung 120.000 tấn nước/ngày từ sông Hàn vào dòng suối này, chính quyền thủ đô Seoul còn đầu tư thu gom 22.000 tấn nước/ngày từ hệ thống nước ngầm tại các ga tàu điện ngầm nằm gần Cheonggyecheon.

Người Hàn Quốc cũng triển khai các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo Cheonggyecheon an toàn trong mùa lũ với các bờ kè kiên cố, có khả năng chịu được trận lũ lớn nhất với tần suất 200 năm một lần.

Với sông Tô Lịch hiện nay, mặc dù đã có hệ thống đường ống mới xây dựng để thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước Yên Xá, tuy nhiên hàng ngày dòng sông vẫn phải hứng nước thải chưa qua xử lý từ 81 cửa xả. Do vậy thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành toàn bộ hệ thống cống thu gom, đảm bảo không còn các miệng cống xả thải nước bẩn vào sông Tô Lịch.

Về việc bổ cập nguồn nước thường xuyên cho sông Tô Lịch, ngoài nguồn nước từ sông Hồng, thành phố cần tính toán đến hệ thống đường sắt đô thị ở các quận trung tâm (gồm 10 tuyến metro đang và sẽ thi công) với lượng nước ngầm rất lớn cần được tiêu thoát hàng ngày. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy cần xem xét quy hoạch, tận dụng nguồn nước ngầm này với hệ thống cống tiêu thoát đồng bộ, vừa có thể tiêu thoát đảm bảo vận hành hệ thống metro ngầm an toàn, đồng thời có thể tận dụng để tạo nguồn nước sạch bổ sung cho sông Tô Lịch.

Mong rằng dòng nước đen Tô Lịch sẽ sớm trở thành dòng sông xanh, tươi đẹp, là điểm đến mà người Hà Nội có thể tự hào với du khách trong và ngoài nước.

Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!