Nước sông Tô lịch "vừa trong vừa mát": Chuyện xưa và chuyện nay
Mấy ngày nay tôi trong trạng thái vui lâng lâng rất khó giải thích cho ai hiểu. Mà cũng chẳng cần phải giải thích, chỉ tự mình thấy vui là đủ. Đó là nhờ những quyết sách hồi sinh dòng sông Tô Lịch khiến tôi và nhiều người yêu Hà Nội vui sướng, sau bao nhiêu năm chờ đợi.
Có rất nhiều điều tôi muốn kể cùng bạn bè bốn phương về con sông Tô Lịch. Trong sự vận động của địa chất thiên nhiên, chuyện một dòng sông cổ bị bồi lấp và biến mất không phải là hiếm, nhưng câu chuyện về sông Tô Lịch lại gây xúc động mạnh với người Hà Nội. Có lẽ vì sông Tô Lịch gắn liền với truyền thuyết về vùng đất nhiều đời là kinh đô của đất nước và nay là Thủ đô của quốc gia, gắn với môi trường sống hàng ngày hiện nay của người dân.
Theo sử liệu, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra thành Đại La không phải đi theo sông Hồng, mà theo sông Đáy lên phía bắc, đến mạn Phủ Lý chuyển sang sông Nhuệ rồi ngược sông Nhuệ rẽ vào sông Tô Lịch.
Khi thuyền vua quan đến ngã ba sông Tô Lịch và sông Thiên Phù, chỗ chợ Bưởi bây giờ, dân làng Bái bên bờ sông mang lễ vật ra chào đón, vua đẹp lòng bèn ban cho làng thêm chữ Ân, là làng Bái Ân sau này. Hiện vẫn còn di tích đình làng Bái Ân ở gần đó.
Thuyền rồng vua dừng trên ngã ba sông Tô Lịch, cũng là góc phía tây của thành Đại La. Đứng nhìn về tòa thành to lớn, có đám mây ngũ sắc hình rồng bay lên, vua đã cảm khái đặt tên cho tòa thành là Thăng Long, tức là rồng bay lên.
Trên một trong những tấm bản đồ Hà Nội cổ nhất còn tới nay, theo "Hồng Đức bản đồ sách" 1490, thì sông Tô Lịch là một nhánh của sông Hồng, bắt nguồn từ chỗ cửa vào sông Hồng gọi là Hà Khẩu - chỗ phố Chợ Gạo ngày nay, gần chân cầu Chương Dương, rồi dẫn nước sông Hồng chảy sang phía tây, làm thành hào nước phía đông và phía bắc thành Thăng Long, đến Trích Sài thì có nhánh nối thông với Hồ Tây, cửa nối với hồ gọi là Hồ Khẩu, nay vẫn còn đình làng Hồ Khẩu.
Sau đó sông Tô Lịch chạy đến Bưởi thì gặp sông Thiên Phù, vốn cũng là nhánh của sông Hồng, từ mạn Nhật Tân đổ xuống. Chỗ hai sông gặp nhau này chính là góc phía tây của thành Thăng Long, rồi từ đây sông Tô Lịch quặt lại, chảy xuôi xuống phía nam để gặp sông Nhuệ rồi theo sông Đáy ra biển.
Theo diễn biến thời gian, sông Hồng đổi dòng sang phía tả ngạn, cửa sông Thiên Phù bị lấp, sông Thiên Phù bị bồi lấp mất dấu tích vào thời chúa Trịnh. Sông Tô Lịch từ đó chỉ nhận nước từ sông Hồng ở phía Chợ Gạo.
Trong lịch sử, sông Tô Lịch là tuyến đường thủy giao thương quan trọng cho thuyền bè các nơi vào cập bến Cầu Đông và vào tận trong Hoàng Thành. Con sông này còn dẫn nước sông Hồng cho Hồ Tây. Vùng Hồ Tây rộng lớn đóng vai trò hồ điều tiết lũ lụt của kinh thành. Khi nước sông Hồng lên to, nước theo sông Tô Lịch tràn vào Hồ Tây và thoát một phần theo hướng sông Nhuệ, sông Đáy.
Khi lũ xuống, nước trong Hồ Tây lại chảy ngược ra sông Hồng.
Nhìn vào những bản đồ Hà Nội sớm nhất do người Pháp vẽ năm 1873, 1889, 1891, có thể thấy rõ dòng sông Tô Lịch lấy nước từ sông Hồng. Ngày 23/7/1893, hội đồng thành phố Hà Nội họp và đi đến quyết định phá bỏ 4 bức tường thành Hà Nội. Sau đó, Toàn quyền Đông Dương Lanessan (1891 - 1894) đại diện cho chính phủ Pháp ký hợp đồng phá dỡ tường thành với đại diện nhà thầu là Auguste Bazin. Tường thành bị phá dỡ, các hào nước quanh thành bị lấp thành các tuyến phố (gồm các phố Đường Thành, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ ngày nay).
Lấp hào nước cũng là lấp sông Tô Lịch, đoạn từ cửa sông nối với sông Hồng chảy qua khu vực phố cổ cũng bị lấp, lòng sông giờ đã thành lòng phố và chỉ còn một vài địa danh liên quan đến dòng sông xưa như phố Chợ Gạo, phố Cầu Đông, Cống Chéo, Hàng Lược.
Mất nguồn nước sông Hồng, sông Tô Lịch giờ chỉ còn làm nhiệm vụ thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt cho một vùng nội thành Hà Nội nhỏ bé, nên dòng chảy chậm dần, lòng sông bị bồi lấp.
Trên thực tế sau mấy chục năm, sông Tô Lịch đã thành "dòng sông chết", lòng sông trở thành dải đất trũng trồng rau màu, dòng chảy nhiều đoạn chỉ còn vài mét bề ngang, dân làng bắc vài đoạn cầu tre đơn giản để đi lại tưới rau.
Đến cuối những năm 1970, nếu chính quyền thành phố không ra tay "cứu" thì sông Tô Lịch đã bị bồi lấp hoàn toàn. Lúc đó, thành phố Hà Nội đã khơi đào lại lòng sông Tô Lịch đoạn bắt đầu từ Chợ Bưởi cho tới tận đoạn hạ lưu Làng Lủ, Thanh Trì. Công cuộc cải tạo sông Tô Lịch kéo dài trong nhiều năm, nhiều thế hệ thanh niên Hà Nội đã đi đào sông Tô Lịch. Ai cũng mơ một ngày dòng sông Tô hồi sinh như trong câu ca:
"Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Cho thuyền anh ghé sát thuyền em"
Sau khi đào xong sông Tô Lịch, lòng sông đã rộng như xưa, nhưng không có nước. Khi không có nước chảy tự nhiên thì dù có to rộng bao nhiêu, sông Tô Lịch cũng chỉ còn là một cái cống nước thải lộ thiên mà thôi, không thể nào trở lại như dòng sông thủa xưa.
Vì vậy, vấn đề mấu chốt nhất của việc hồi sinh dòng sông Tô Lịch chính là hồi sinh lại nguồn nước tự nhiên cho dòng sông. Theo tôi, phương án lấy nước từ sông Hồng qua cống Chèm về sông Tô Lịch là không thuận tự nhiên, vì cống Chèm là lấy nước cho sông Nhuệ. Phương án tự nhiên nhất là trả lại cửa lấy nước vốn có của sông Tô Lịch chỗ phố Chợ Gạo thì khó thực hiện, vì đã thành phố xá bao năm nay rồi.
Vừa qua thành phố Hà Nội đã có động thái quyết liệt, dự kiến xây dựng ống riêng tách biệt lấy nước sông Hồng đi vào Hồ Tây rồi cấp nước cho sông Tô Lịch. Có nước sông Hồng, sông Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên, thì chắc chắn dòng sông sẽ hồi sinh. Và thật tình cờ, hướng đi của hệ thống ống nước để cấp nước cho sông Tô Lịch mà Hà Nội định xây dựng hầu như trùng với dòng sông cổ Thiên Phù xưa kia. Nghĩa là kế hoạch mà Hà Nội định làm gần như trùng với điều kiện lấy nước xưa kia của sông Tô Lịch.
Điều cuối cùng tôi muốn nói là nhân dịp này chúng ta nên khôi phục lại một đoạn sông cổ Tô Lịch mà bao lâu nay chính người Hà Nội cũng lãng quên. Đó là người Pháp khi trước lấp sông Tô Lịch xây phố, đặt cống ngầm ra đến hết vườn Bách Thảo, chỗ trường Chu Văn An bây giờ. Từ điểm này ra đến chợ Bưởi vẫn là dòng sông Tô Lịch cũ, người Pháp không hề san lấp. Đoạn sông Tô chỗ này vẫn mang nguyên dáng dấp cổ xưa vừa là sông, vừa là hào nước phòng thủ của La Thành. Nay ta thấy phía trên của mặt thành cũ, mà vẫn hay gọi là "đê" La Thành, đã làm thành đoạn phố Hoàng Hoa Thám, còn phía dưới chân "đê" có con kênh nước nhỏ chảy bao quanh, vẫn bị gọi nhầm là mương nước thải phố Thụy Khuê, thì xin thưa đấy chính là sông Tô Lịch cổ xưa.
Vì thế nhân dịp chúng ta đang quyết liệt giải cứu sông Tô Lịch, xin đừng quên một đoạn sông cổ còn khá nguyên vẹn chảy trong lòng Hà Nội cũng đang chờ giải cứu.
Có lẽ đây gần như là cơ hội cuối cùng để giải cứu đoạn sông này, vì chỉ thời gian ngắn nữa thôi sẽ bị lấn chiếm hoàn toàn.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!