"Cuộc cách mạng" VNeID
Dịp vừa rồi, như nhiều địa phương khác, khu vực nơi tôi ở cũng tích cực vận động người dân cài đặt định danh điện tử trên điện thoại cá nhân (VNeID). Loa đài rộn ràng từ sáng sớm tinh mơ đến tối muộn. Có những ngày, tận 9h tối cán bộ khối, xóm vẫn đến gõ cửa từng nhà nhắc nhở lên trụ sở công an phường và nhà văn hóa để cài đặt định danh mức 2. Cùng với sự tận tụy của cán bộ cấp cơ sở, nhiều người dân cũng nhiệt tình hưởng ứng.
Tài khoản định danh điện tử hay ví giấy tờ điện tử được hiểu là phương thức quản lý thông tin thẻ căn cước của công dân hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng. Theo đó, tài khoản định danh mức 1 dành cho công dân đăng ký online trên ứng dụng VNeID. Mức 2 khi công dân đăng ký trực tiếp tại cơ quan công an hoặc đăng ký khi đi làm căn cước công dân gắn chip.
Với tài khoản mức độ 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản gồm: Phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng). Còn với tài khoản mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả tiện ích mà ứng dụng VNeID cung cấp gồm: Tích hợp các loại giấy tờ (CCCD, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế), thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền)...
Nôm na là với việc cài đặt định danh điện tử, công dân đi bất cứ đâu cũng chỉ cần mang theo một chiếc điện thoại kết nối mạng và hoàn toàn không cần đến giấy tờ tùy thân truyền thống.
Thay vì mỗi lần ra ngoài trong ví bao giờ cũng dày cộp nào CCCD, giấy phép lái xe, đăng ký xe, BHYT, chưa kể các thẻ nghề nghiệp, thẻ ngân hàng… thì nay chiếc ví sẽ mỏng hơn, nhẹ nhàng hơn. Điều này mang lại sự nhanh chóng, tiện lợi khi xuất trình giấy tờ cũng như giảm được mối lo muôn thuở: mất hoặc quên mang giấy tờ. Với một người thường xuyên đãng trí như tôi thì đây quả là một "cuộc cách mạng", bởi, hễ cứ rơi mất ví thì xót tiền chỉ một phần còn hoang mang với việc đi làm lại giấy tờ gấp bội phần như thế.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (C06) cũng khẳng định, công dân được chấp nhận sử dụng CCCD gắn chip tích hợp trong ứng dụng VNeID thay CCCD vật lý khi làm thủ tục máy bay.
Đáng chú ý, tiện ích liên thông trong đăng ký khai sinh, khai tử đã bắt đầu được triển khai. Theo quy trình hiện hành, sau khi sinh nở, người nhà được bệnh viện cấp một tờ chứng sinh, sau đó, người dân phải đi sang cơ quan công an để làm lưu trú hộ khẩu, rồi tới bộ phận tư pháp, bảo hiểm... trải qua rất nhiều bước. Tuy nhiên, với định danh điện tử thì khi người mẹ sinh con, bệnh viện làm xong chứng sinh sẽ tự động kết nối với công an, hộ tịch, bảo hiểm. Trong vài ngày, người mẹ đã có đầy đủ giấy tờ.
Như vậy, có thể hình dung rằng, một khi các tiện ích trong VNeID dần hoàn chỉnh và liên thông, người dân sẽ không phải tất tả ngược xuôi để lo thủ tục, qua nhiều khâu xác minh hay phải gặp gỡ trực tiếp cán bộ công chức dẫn đến có những cách hiểu và yêu cầu khác nhau… Mọi dữ liệu của công dân có sẵn trong hệ thống và công chức, viên chức sẽ căn cứ vào đó, có nghĩa vụ phải hoàn thành. Như vậy, rủi ro đạo đức công vụ, sự phiền hà cũng sẽ giảm đáng kể, dần loại bỏ cơ chế "xin - cho" để chuyển thành nền "hành chính phục vụ". Mặt khác, ứng dụng VNeID cũng giúp rút gọn và giảm tải được khối lượng công việc cho cán bộ công chức, viên chức. Đây chính là lợi ích dễ thấy nhất khi xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Vậy nhưng, trong quá trình sử dụng VNeID, bước đầu khó tránh khỏi phát sinh vướng mắc. Có những vướng mắc xuất phát từ người dân như điện thoại không tương thích với ứng dụng, hệ thống mạng, đường truyền yếu, việc đăng nhập trong khoảng thời gian 19-21h bị chậm. Với những người cao tuổi, việc cài đặt và sử dụng ứng dụng còn nhiều hạn chế.
Cũng có những địa phương, người dân phản ánh khó tích hợp bằng lái xe vào VNeID… VNeID là ứng dụng đa tiện ích, sẽ không thể hoàn thiện nếu chỉ dựa vào một mình sự nỗ lực của cơ quan công an mà thiếu sự phối hợp của các đơn vị, thiếu sự nhiệt tình vào cuộc của các đơn vị hữu quan.
Ngoài ra, có những vướng mắc xuất phát từ sự lúng túng của cán bộ triển khai. Chẳng hạn, ít tuần trước khi đi cài đặt định danh điện tử bước 2, một cán bộ đã từ chối do CCCD của tôi được làm tại một phường khác (nơi ở cũ của gia đình tôi). Sau đó một hôm, tôi lại được gọi tới trụ sở công an phường một lần nữa và được cài đặt thành công, tuy nhiên kèm theo đó, một cán bộ khác yêu cầu tôi cần làm lại CCCD. Vậy câu hỏi là, đã có VNeID thì vì sao vẫn cần phải làm đi làm lại CCCD vật lý?
Liệu rằng, sự chậm trễ có phải do ở đâu đó vẫn còn một số cán bộ chỉ làm VNeID theo chỉ tiêu được giao chứ chưa thực sự hiểu hết, nắm hết được ý nghĩa và sứ mệnh của ứng dụng để truyền đạt và thuyết phục người dân.
Báo chí cũng phản ánh tại một số địa phương xảy ra tình trạng người dân không được hỏi ý kiến đã được đăng ký tài khoản, cài đặt ứng dụng tài khoản ngân hàng số. Việc này rõ ràng là không nên, không được phép, thể hiện sự thiếu tôn trọng người dân của phía ngân hàng khi phối hợp với địa phương để hỗ trợ cài đặt định danh điện tử. Tình huống này càng tối kỵ trong bối cảnh nhiều công dân vẫn còn nghi ngại về tính bảo mật hay ngại sự thay đổi.
Dù vậy, đường dẫu dài vạn dặm cũng cần phải bắt đầu bằng một bước chân. Không phải vì những vướng mắc, khó khăn ban đầu mà chùn bước để làm lỡ một chủ trương đúng đắn và mang lại lợi ích to lớn cả trong công tác quản lý nhà nước cũng như với người dân.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng C06 khẳng định rằng, tất cả các đường dây nóng, bộ phận tiếp nhận đều hoạt động 24/24h, và bày tỏ mong muốn người dân, các cơ quan báo chí cung cấp thông tin cho Cục khi gặp vướng mắc, khó khăn. Với sự cầu thị và sự kiên trì của cơ quan chức năng, tôi hi vọng VNeID sẽ sớm hoàn thiện và gắn liền đời sống xã hội số của công dân.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!