Tâm điểm
Bích Diệp

Có nên nâng đặt cọc để bịt kẽ hở, chiêu trò trong đấu giá tài sản?

Từ tháng 7/2017 đến 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, trong đó trên 90% là tài sản công, chủ yếu là quyền sử dụng đất. Như vậy, có khoảng 37.000 cuộc đấu giá mỗi năm.

Chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng. Giả sử các cuộc đấu giá thành công, người trúng đấu giá thực hiện theo cam kết thì nguồn lực mang lại cho ngân sách Nhà nước và xã hội là rất lớn.

Thực tế đã cho thấy tồn tại những phiên đấu giá mà người mua đưa ra mức giá cao vọt so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công (quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ).

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản mới đây, cho biết có phiên đấu giá mà người tham gia bỏ giá trả cao hơn giá khởi điểm tới 204 lần, có phiên giá khởi điểm 24 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên tới 1.684 tỷ đồng.

Theo đánh giá của vị đại biểu, những phiên đấu giá bỏ giá "trên trời" như vậy là "có biểu hiện bất thường" và cho rằng, luật chưa quy định đấu giá viên hoặc người có tài sản đấu giá được quyền dừng hoặc yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp tương tự.

Có nên nâng đặt cọc để bịt kẽ hở, chiêu trò trong đấu giá tài sản? - 1

Một khu đất đấu giá ở Đông Anh, Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).

Về mặt lý thuyết, trong hoạt động đấu giá tài sản công, tài sản thi hành án dân sự thì tài sản mang ra đấu giá được trả giá càng cao càng tốt, càng huy động được nhiều nguồn lực cho Nhà nước. Nói gì thì nói, đấu giá công khai vẫn sẽ tốt hơn so với việc bán không qua đấu giá.

Vấn đề là từ một số vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian qua đã làm dấy lên lo ngại tính chất "bất thường" trong hoạt động đấu giá, bị lợi dụng để thực hiện những ý đồ đi ngược tinh thần công khai, minh bạch. Các vụ việc như Tân Hoàng Minh đấu giá đất ở Thủ Thiêm gây rúng động thị trường năm 2022, vụ đấu giá cát ở An Giang và Hà Nội vừa qua, vụ đấu giá lô xe máy xử phạt vi phạm hành chính ở Hà Tĩnh… trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế xử phạt người tham gia đấu giá bỏ cọc, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường và đặc biệt cần có biện pháp hạn chế "quân xanh, quân đỏ".

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải nâng mức tiền đặt cọc - ý kiến này người viết cũng đã được tiếp cận từ nhiều độc giả và giới chuyên gia mỗi khi đề cập đến vấn đề tiêu cực trong hoạt động đấu giá. Theo đó, với mức đặt cọc quá thấp sẽ dễ dẫn đến trường hợp người tham gia hét giá cao, đẩy giá tùy tiện rồi chấp nhận bỏ cọc.

Thực tế tại nhiều địa phương khi diễn ra đấu giá, đặc biệt là đấu giá đất, có tình trạng môi giới tham gia đấu giá nhằm đẩy giá đất. Trước thời gian phải nộp tiền, các môi giới sử dụng thông tin phiên đấu giá để mua đi bán lại, sang tay các mảnh đất trong khu vực với giá cao, lợi ích thu được lớn hơn so với mức tiền cọc bỏ ra.

Về vấn đề này lại có nhận định rằng, những trường hợp như đất Thủ Thiêm hay ở các mỏ cát ở An Giang, Hà Nội vừa qua chỉ là thiểu số, không mang tính đại diện. Do vậy, không nên chỉ vì "một người ốm mà bắt cả làng uống thuốc", vì một vài sự việc nhỏ lẻ mà điều chỉnh quy định để áp dụng đại trà, vì vài vụ đấu giá "bất thường" mà sửa quy định luật, ảnh hưởng đến thị trường chung.

Vậy câu hỏi là có nên tăng mức đặt cọc hay không? Nếu nâng thì mức bao nhiêu là hợp lý?

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, để hạn chế tình trạng bỏ cọc, cần nâng mức đặt cọc từ 5-10% giá trị tài sản lên tối thiểu 20%. Song, nếu nâng tiền đặt cọc thì sẽ hạn chế, thu hẹp đối tượng người tham gia đấu giá, do vậy, lại có ý kiến rằng, cần có một điều luật quy định về xử phạt hợp đồng khi đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tài sản đấu giá, bằng 30-50% giá tại hợp đồng.

Có ý kiến đề nghị tăng số tiền đặt trước để hạn chế các đối tượng "xấu" tham gia làm nhiễu loạn phiên đấu giá. Tuy nhiên, theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao, sẽ có ít người đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá, nhất là đối với những tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Cũng có chuyên gia nhìn nhận, chỉ nên yêu cầu mức đặt cọc vừa đủ để trả chi phí tổ chức đấu giá không thành công và không nên coi đây là công cụ "trừng phạt" người tham gia đấu giá.

Thậm chí một số người cho rằng, khi nhà đầu tư "hét giá" cao rồi bỏ cọc, thậm chí Nhà nước còn lãi vì mức cọc của nhà đầu tư thậm chí còn lớn hơn cả giá khởi điểm đưa ra ban đầu. Hoặc có ý kiến rằng, tiền đặt trước có thể thấp nhưng đặt cọc thì phải cao.

Điều đáng tiếc là tại các phiên họp vừa qua, các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp số liệu cụ thể có bao nhiêu phiên đấu giá "bất thường", xảy ra bỏ cọc trong số hàng chục nghìn phiên đấu giá đã được thống kê. Nếu có tỷ lệ cụ thể, thiết nghĩ việc xây dựng chính sách sẽ sát thực tế hơn và có sức thuyết phục hơn với công chúng.

Dù còn ý kiến khác nhau nhưng chúng ta thống nhất rằng, việc đấu giá tài sản là cần thiết và một khi đã đưa ra yêu cầu đặt cọc thì đồng thời cũng đã chấp nhận xảy ra khả năng bỏ cọc. Bỏ cọc không hoàn toàn xấu, vấn đề là phải xác định nguyên nhân vì sao nhà đầu tư bỏ cọc, vì không thu xếp được tài chính hay vì nguyên nhân nào khác?

Ngoài vấn đề bỏ cọc, còn nhiều vấn đề phải làm để chống tiêu cực trong hoạt động đấu giá, như thông đồng để "dìm giá" nguy cơ gây thất thoát tài sản Nhà nước; thời gian từ khi trúng đấu giá đất đến khi hủy quyết định trúng đấu giá do người trúng đấu giá không nộp đủ tiền là khá dài.

Còn nhớ loạt vấn đề nổi cộm mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu ra trong một báo cáo hồi 2022 về tình trạng một số địa phương xuất hiện hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ", để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra, và tình trạng "xã hội đen" đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ. Hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để "dìm giá" (vụ đấu giá đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020; tại huyện Đông Anh, Hà Nội năm 2021…).

Thiết nghĩ, tinh thần đấu giá là sự cạnh tranh sòng phẳng, công khai, minh bạch. Các điều chỉnh trong quy định luật pháp cần trên cơ sở bám sát thực tiễn, có đánh giá tác động một cách đầy đủ, kỹ lưỡng. Trước khi đặt ra những yêu cầu với người tham gia, nên chăng phải "làm sạch" các vấn đề trong khâu tổ chức bao gồm tiêu chuẩn, chế tài với đấu giá viên, đơn vị thẩm định tài sản, đơn vị tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường đấu giá theo hình thức trực tuyến.

Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp rằng, "pháp luật quy định càng chặt càng tốt"!

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!