Đấu giá mỏ cát: Bình thường và bất thường
Vụ việc đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội khiến nhiều người sững sờ về giá trúng đấu giá. Mức giá mà các cá nhân, tổ chức chốt cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm.
Cụ thể, mỏ Châu Sơn với trữ lượng cát được cấp quyền khai thác 703.536m³ qua 89 vòng đấu được chốt xấp xỉ 397 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.
Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát) có trữ lượng cát 508.603m³, giá đấu trúng sau 53 vòng đấu là 408 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm.
Mỏ Tây Đằng - Minh Châu có trữ lượng cát khai thác 4.899.000m³, kết quả sau 21 vòng đấu, giá đấu trúng gần 884 tỷ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.
Thời gian diễn ra phiên đấu kéo dài xuyên đêm từ 9h ngày 5/11 đến khoảng 6h ngày 6/11, tổng số tiền được chốt lên tới 1.689 tỷ đồng, là những con số rất ấn tượng từ phiên đấu giá này.
Luật khoáng sản 2010 quy định việc cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện thông qua một trong hai hình thức, đấu giá hoặc không đấu giá; trong đó, đấu giá quyền khai thác khoáng sản được coi là bước đột phá về công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, thống kê từ dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện đạo luật này của Bộ Tài nguyên và Môi trường (dự thảo báo cáo) cho hay tính đến ngày 30/6/2021, cấp Trung ương mới chỉ ban hành 9 quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 16 khu vực khoáng sản, trong đó, đã tổ chức đấu giá thành công 6 khu vực.
Ở cấp địa phương, 39/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 868 khu vực khoáng sản; tổ chức đấu giá thành công 394 khu vực khoáng sản.
Kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản nêu trên được cho là "chưa tương xứng với tiềm năng", theo dự thảo báo cáo.
Nhiều nguyên nhân được đưa ra như: Chính sách về đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn hạn chế, bất cập; chưa thật sự hấp dẫn và chưa thu hút sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cá nhân; chưa đồng bộ trong các chính sách liên quan đất đai, môi trường, tính tiền cấp quyền khai thác.v.v…
Thực tế nêu trên đặt ra yêu cầu sửa đổi quy định để khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nhưng một thực tế khác liên quan đến việc đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội, không chỉ đặt ra yêu cầu sửa đổi quy định để tổ chức nhiều hơn các cuộc đấu giá mà còn đòi hỏi phải hạn chế được tác động tiêu cực (nếu có) từ hoạt động này.
Trong công điện ban hành ngày 11/11, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường công khai, minh bạch, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, đề cập đến kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn Hà Nội (Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu) cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, công điện nêu "có yếu tố bất thường, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường vật liệu xây dựng".
Như vậy, từ công điện của Thủ tướng, có thể thấy rằng trong khi tìm cách tháo gỡ các vướng mắc để phát huy mặt tích cực của công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thì các cơ quan quản lý cần chú ý đến "yếu tố bất thường" của hoạt động này; không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm…
Một trong những yêu cầu được người đứng đầu Chính phủ đưa ra là "ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi".
Còn nhớ vào cuối năm 2022 và đầu năm nay, tại Quảng Ngãi có trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát với mức giá bỏ ra gấp hàng chục lần giá khởi điểm rồi… bỏ chạy. Ví dụ, mỏ cát Xuân Đình (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành) giá khởi điểm 570 triệu đồng, và giá trúng là 16 tỷ đồng, tăng gấp 28 lần; mỏ cát Ngân Giang (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) giá khởi điểm 839 triệu đồng, giá trúng đấu giá là 44,3 tỷ đồng...
Lý do mà phía doanh nghiệp đưa ra là đánh giá trữ lượng khai thác quá ít so với dự báo hoặc tài chính không đảm bảo. Dù là với lý do gì thì đây cũng là những tiền lệ xấu cho hoạt động đấu giá mỏ. Chế tài đối với các doanh nghiệp nói trên là không được trả lại tiền cọc và cấm tham gia đấu giá mỏ trong thời gian một năm.
Có ý kiến cho rằng, để ngăn chặn những tình huống trên cần tăng chế tài phạt để có tính răn đe, theo đó, nâng mức đặt cọc và cấm tham gia các hoạt động đấu giá trong thời gian dài hơn. Mặt khác, cũng cần tính toán mức giá khởi điểm một cách hợp lý, sát với thị trường.
Thậm chí, khi góp ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Đấu giá tài sản năm 2016, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản. Cụ thể, quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản có thể quy định khoản tiền phạt vi phạm bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả.
Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn được cho là sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.
Thiết nghĩ hai mặt "bình thường" và "yếu tố bất thường" của hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản đều đang cần sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!