1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kẽ hở trong đấu giá tài sản: Đấu giá hộ, dựa hoàn toàn tiền ngân hàng...

Trần Kháng

(Dân trí) - Nhiều vấn đề được coi là kẽ hở trong đấu giá tài sản được các đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có việc đấu giá hộ do không đủ tiền, dựa hoàn toàn vào ngân hàng bảo lãnh, kẽ hở cho thông đồng...

Kẽ hở từ quy định về thời hạn nộp tiền đặt trước

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho biết, trong Luật Đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5 Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá. 

Kẽ hở trong đấu giá tài sản: Đấu giá hộ, dựa hoàn toàn tiền ngân hàng... - 1

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam (Ảnh: Quochoi.vn).

Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay "đấu giá hộ" do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp "dựa hoàn toàn" vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc; hay trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trệ… Đây là vấn đề rất nghiêm trọng đã xảy ra phổ biến, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất.

Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, theo ông Khải, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính "vốn thực có" của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá (15 ngày trước ngày đấu giá) cho đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước (một ngày trước ngày đấu giá) là một khoảng thời gian tương đối dài, hơn chục ngày.

Theo bà Ngân, quy định trên có thể dẫn đến việc người tham gia đấu giá thông đồng, thỏa thuận với nhau. Khi nộp hồ sơ thì có thể rất đông người nộp hồ sơ, "tạo cơn sốt thị trường ảo", tuy nhiên khi nộp tiền đặt trước thì lại chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước để mua tài sản gây nên tình trạng hồ sơ "ảo" khó kiểm soát, "dìm giá".

Kẽ hở trong đấu giá tài sản: Đấu giá hộ, dựa hoàn toàn tiền ngân hàng... - 2

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: Quochoi.vn).

Đặc biệt, việc quy định nộp tiền đặt trước chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá một ngày làm việc là thời gian quá sát, gấp. Điều này sẽ gây khó khăn cho tổ chức đấu giá cũng như đơn vị có tài sản và các đơn vị liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ cho cuộc đấu giá đối với tài sản đông người đăng ký tham gia đấu giá.

Để thống nhất trong quy định, thuận lợi và dễ áp dụng trên thực tiễn, tránh việc mỗi trường hợp, mỗi loại tài sản lại quy định khác nhau, gây khó hiểu và khó áp dụng; đồng thời để hạn chế việc thông đồng, tình trạng "hồ sơ ảo", bà Ngân đề nghị nghiên cứu, không chia quá nhiều trường hợp như dự thảo mà quy định theo hướng: Tất cả các trường hợp đấu giá, không phụ thuộc loại tài sản, cứ nộp hồ sơ là nộp tiền đặt trước, trường hợp khi thẩm định, xét duyệt không đủ điều kiện thì sẽ được trả lại tiền đặt trước.

Bà Ngân đề nghị, thời hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước quy định khoảng thời gian hợp lý, thống nhất với nhau. Đối với Thông báo thì thông báo cả người đủ và người không đủ điều kiện tham gia đấu giá, lý do không đủ điều kiện để những người đã nộp hồ sơ tham gia đấu giá đều nắm được, đảm bảo công khai, khách quan.

Tăng tiền đặt cọc lên ít nhất 20% 

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đồng tình với việc tăng số tiền đặt cọc lên tối thiểu 20%. 

Bà Nga cho rằng, để hoạt động đấu giá tài sản đạt hiệu quả tốt nhất, theo đại biểu tăng số tiền đặt cọc lên con số lớn để tránh tình trạng đối tượng cò tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất.

"Tôi cũng rất nhất trí với các đại biểu phát biểu trước tôi, hiện nay dự thảo luật đang quy định số tiền là 5-10% giá trị tài sản, tuy nhiên tôi đề nghị tăng số này lên tối thiểu là 20% như nhiều đại biểu trước đề nghị. Bởi vì con số tối đa thì giao quyền cho các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình để xác định nhưng không thấp hơn 20%. Như vậy những người có nhu cầu thực sự sẽ tham gia, còn các đối tượng cò sẽ bị hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn", bà Nga nêu. 

Đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) có thể nâng giá trị tiền đặt cọc lên trên 20% giá khởi điểm để đảm bảo cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá và trước khi bỏ giá để đảm bảo cho hoạt động đấu giá lành mạnh, có hiệu quả làm ổn định tình hình kinh tế xã hội. 

Kẽ hở trong đấu giá tài sản: Đấu giá hộ, dựa hoàn toàn tiền ngân hàng... - 3

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Quochoi.vn).

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, nếu nâng tiền đặt cọc thì sẽ hạn chế, thu hẹp đối tượng người tham gia đấu giá. "Theo tôi cần có một điều luật quy định về xử phạt hợp đồng khi đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tài sản đấu giá, bằng 30-50% giá tại hợp đồng", ông Hiếu nêu quan điểm.

Còn theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn ĐBQH tỉnh Long An) đề nghị giữ quy định như hiện hành về mức tiền đặt trước, mức tiền đặt trước 5-20% đối với tài sản đặc thù, tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định.

Theo bà Dung, quy định trên là phù hợp tạo điều kiện thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá. Nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá.

"Dù thực tế có một số đối tượng tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc", bà Dung cho biết thêm. 

Từ thực tế trên, đại biểu đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm