Cơ chế nào giúp loại bỏ công chức có “tâm lý an toàn, chây ì”
Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, vừa gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; bao gồm cả việc sàng lọc công chức, loại bỏ tâm lý an toàn, chây ì khi vào nhà nước.
Lâu nay, chế định biên chế suốt đời là cẩm nang định hướng hành động của rất nhiều người, một khi vào được cơ quan nhà nước, trở thành công chức là yên tâm, chắc ăn rồi, khỏi phải lo lắng gì nữa. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu của tâm lý an toàn, chây ì ở một bộ phận công chức.
Những năm qua, đã có khá nhiều giải pháp được đề xuất nhằm hạn chế rồi đi đến chấm dứt triệt để tình trạng nêu trên. Và hiện nay, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính đề ra nhiều mục tiêu chiến lược để đưa đất nước phát triển, trong đó có việc gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh…

Làm tốt các quy định hiện có sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi căn bản bước đầu trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (Ảnh minh họa do AI tạo)
Dĩ nhiên khi nói tới tinh gọn bộ máy thì sẽ có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vì nhiều lý do phải rời khỏi khu vực công. Ai đi, ai ở, làm thế nào để giữ chân và thu hút thêm người tài vào khu vực nhà nước đang là những chủ đề được quan tâm hàng đầu thời gian qua. Nói rộng ra, câu chuyện tinh giản biên chế, loại bỏ tâm lý an toàn, chây ì khi vào nhà nước cũng thuộc vào câu chuyện ai đi, ai ở, làm thế nào để có được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất và năng lực.
Và nếu bàn cần có cơ chế nào để thực hiện được điều đó thì thực ra chúng ta đã có khá nhiều.
Ngay từ đầu vào công vụ, chúng ta đã có nhiều quy định nhằm bảo đảm tuyển được người có chất lượng vào nhà nước. Đó là tiêu chuẩn công chức ứng với các ngạch nhân viên, cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và các ngạch tương đương khác. Bất cứ ai không đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn thì không thể được tuyển dụng.
Kế đến là quy định về vị trí việc làm và tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm qua thi cạnh tranh, công khai.
Đặc biệt là các quy định về đánh giá, kỷ luật công chức với ý nghĩa như những công cụ hữu hiệu giúp loại bỏ được những công chức không còn đáp ứng công việc.
Nói một cách khái quát thì đã có khá nhiều quy định, nhiều cơ chế, chính sách ở mảng này. Đơn cử cần quy định về thu hút, trọng dụng tài năng thì sau Nghị định số 140 năm 2017 là Nghị định số 179 năm 2024, hay là Nghị định số 73 năm 2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nói như vậy để khẳng định một điều cho dù quy định pháp luật còn có điểm này, điểm kia chưa hẳn là phù hợp, nhưng nhìn tổng thể là không thiếu cơ chế để quản lý hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; không thiếu cơ chế để loại bỏ công chức không đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất, năng lực, loại bỏ tâm lý an toàn, chây ì của một bộ phận công chức khi đã vào nhà nước.
Điều mà nơi này, nơi khác trong thực tế đang thiếu chính là cơ chế làm thực, tức là không làm nửa vời, không làm hình thức. Vì sao như vậy? Vì mọi thứ có quy định cả, nhưng kết quả thực hiện không như mong muốn.
Hãy xem câu chuyện thi công chức ở nước ta. Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 lần đầu tiên quy định muốn trở thành công chức thì phải qua thi. Như vậy là đến nay, ta đã có ít nhất 25 năm thi công chức và với ngần ấy năm thì công chức vào bộ máy trước năm 1998 theo cơ chế xét tuyển cũng đã nghỉ hưu phần lớn, và do đó trong bộ máy phải là số đông qua thi trở thành công chức.
Chúng ta vẫn thường nói rằng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm và một bộ phận công chức không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Vậy thì nguyên nhân dẫn đến tồn tại một bộ phận như vậy là gì? Có nhiều nguyên nhân, trong đó không thể nói đến thực tế là có những nơi thi công chức không thực chất, thậm chí không loại trừ có tiêu cực.
Suy nghĩ vấn đề này, sự tiếc nuối là rất lớn, bởi nếu chúng ta làm tốt thi công chức thì giờ đây chất lượng của một số công chức hẳn là không kém đến như vậy.
Tương tự như vậy là câu chuyện đánh giá công chức. Chế định đánh giá công chức mở ra khả năng đưa công chức ra khỏi cơ quan, khi có 2 năm liên tiếp công chức qua đánh giá bị xếp ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. Trên thực tế việc này rất hiếm xảy ra, bởi ở nhiều nơi việc đánh giá công chức không khách quan, mang nặng dấu ấn của quan niệm dĩ hòa vi quý. Người chịu trách nhiệm và có thẩm quyền đánh giá công chức dưới quyền thường không muốn tạo ra mâu thuẫn, xung đột trong bộ phận mình phụ trách. Đấy là còn chưa kể tâm lý e ngại, nếu đánh giá đúng thì khi lấy phiếu tín nhiệm cho bản thân có thể lại được rất ít phiếu.
Trong nhiều năm, cả nước chỉ có chưa tới 1% cán bộ, công chức, viên chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Tỷ lệ này nói lên điều gì? Có lẽ tự mỗi người trong chúng ta có câu trả lời.
Đến đây, có thể thấy cơ chế nhằm loại những công chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, nhằm khắc phục tư duy “biên chế suốt đời”… không phải là không có, mà điều quan trọng chúng ta cần quan tâm là tạo ra một cơ chế làm thực, làm đúng những điều đã được quy định.
Việc chúng ta tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các luật và nghị định hiện có, cũng như ban hành văn bản mới, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là cần thiết, đơn cử như đề xuất nội dung công chức không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm thuộc diện bị tinh giản.
Nhưng điều quan trọng cần lưu ý vẫn là hãy làm tốt, làm thực việc triển khai các quy định hiện nay. Nếu không như vậy thì khi có quy định mới “1 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị ra khỏi bộ máy”, rất có thể câu chuyện đánh giá kết quả làm việc với một bộ phận công chức, lại tiếp tục bị thực hiện không thực như trước.
Làm tốt các quy định hiện có chắc chắn sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi căn bản bước đầu trong quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước.
Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!