Tâm điểm
Hữu Bình

Chuyện đằng sau các ngoại binh của bóng đá Việt Nam

Màn ra mắt tuyệt vời của Nguyễn Xuân Son với màu áo đội tuyển Việt Nam trong chiến thắng 5-0 trước Myanmar ở ASEAN Cup đã tạo nên hiệu ứng thật sự tích cực, thậm chí có thể giúp nhiều khán giả hâm mộ quan tâm trở lại với đội tuyển. 

Dịp này bóng đá Việt Nam cũng đang chuẩn bị sơ kết 25 năm "lên chuyên nghiệp". Vậy thì sau 1/4 thế kỷ, có thể nói gì về vai trò của các ngoại binh đối với nền bóng đá nước nhà?

Ngoại binh là xu thế tất yếu

Giải bóng đá vô địch quốc gia lần đầu tiên diễn ra vào năm 1980, trong suốt quá trình ấy giải mang các tên gọi như: A1 toàn quốc; các đội mạnh toàn quốc… Tất cả các đội bóng dự giải khi ấy đều được bao cấp hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước, thông qua ngân sách của các địa phương hoặc các ngành. 

Sau tròn 20 năm, tới mùa giải 2000-2001 lần đầu tiên giải mang tên "Giải bóng đá vô địch quốc gia chuyên nghiệp", chính thức đánh dấu một bước ngoặt mới.

Chuyện đằng sau các ngoại binh của bóng đá Việt Nam - 1

Xuân Son khẳng định bản thân đã là người Việt Nam (Ảnh: Mạnh Quân).

Từ đây, các câu lạc bộ (CLB) được phép sử dụng cầu thủ ngoại để giúp chất lượng chuyên môn cao hơn, hấp dẫn hơn trong mắt khán giả, bên cạnh đó là sự hiện diện của các huấn luyện viên ngoại. Trong xu thế toàn cầu hóa thì sự giao thoa giữa các nền bóng đá, cụ thể hơn là sự tham gia của ngoại binh từ khắp các châu lục trên thế giới ở một giải bóng đá quốc gia nào đó là điều rất bình thường. Bóng đá Anh mạnh như thế, giải Ngoại hạng Anh lừng lẫy thế, mà một số đội - như Chelsea từng có lúc ra sân với đội hình gồm 11 cầu thủ không mang quốc tịch Anh cơ mà…

Trở lại với bối cảnh "Giải bóng đá vô địch quốc gia chuyên nghiệp" ở Việt Nam. Hai chữ "chuyên nghiệp" nói thì dễ, nhưng để làm cho đúng nghĩa lại khó vô cùng. Bởi sức ì bao nhiêu năm của cơ chế bao cấp, bởi những sự chậm trễ trong chuyển đổi từ tổ chức tới cơ chế hoạt động của các CLB. Và ngay cả cơ quan điều hành giải là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN) cũng vẫn tiếp tục… vừa làm, vừa sửa cả về quy chế quản lý, tới hệ thống các quy định liên quan.

Trong 2 mùa đầu tiên (2000-2001 và 2001-2002), giải vô địch bóng đá quốc gia Việt Nam lên chuyên nghiệp, tất cả CLB đều tiếp tục trông đợi chủ yếu từ nguồn ngân sách, cộng thêm tiền hỗ trợ từ LĐBĐVN (khoảng 100.000 USD/đội) để có thể thuê được một số cầu thủ nước ngoài đến thi đấu. Khoản tiền ấy đến từ việc LĐBĐVN chuyển nhượng thương quyền của giải cho công ty tiếp thị Strata khai thác tên giải và bảng quảng cáo (tổng giá trị là 2 triệu USD/mùa) trên các sân thi đấu.

Như vậy, bóng đá Việt Nam tạm chuyển từ dạng bao cấp này sang bao cấp khác, và phải đến năm 2003, khi các CLB được tự chủ khai thác thương quyền quảng cáo, thì mọi thứ mới được triển khai theo "lộ trình chuyên nghiệp"…

Cũng trong giai đoạn đầu ấy, một số CLB như Thể Công, Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Công an TPHCM, Cảng Sài Gòn, Đường sắt Việt Nam… bị giải thể, phải chuyển giao cho các doanh nghiệp, hoặc chỉ tồn tại lay lắt (khi bị các cơ quan chủ quản cắt giảm ngân sách hoạt động)… 

Một vài đội địa phương chọn giải pháp chuyển giao hẳn từ quản lý nhà nước sang tư nhân như Hoàng Anh Gia Lai, Gạch Đồng Tâm Long An - những doanh nghiệp muốn dùng bóng đá để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Nhờ nguồn tài chính của doanh nghiệp tư nhân, CLB không những thu hút nhiều cầu thủ nội "ngôi sao" mà còn thuê được các cầu thủ ngoại giỏi.

Hoàng Anh Gia Lai đã ký hợp đồng với nhiều cầu thủ ngôi sao của tuyển Thái Lan như Kiatisuk, Tawan, Nirut, Dusit, Sakda  - những cầu thủ am hiểu bóng đá Việt, gần gũi văn hóa Việt Nam và đương nhiên có chất lượng cao hơn mặt bằng trình độ cầu thủ Việt Nam. Trong khi ấy Gạch Đồng Tâm Long An thì mời về một số ngoại binh Brazil với những Fabio Santos, Carlos Rodrigues, Antonio Carlos… dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Henrique Calisto cũng chơi rất ấn tượng.

Vậy nên, trong 4 mùa liền, "Gỗ" (biệt danh của HAGL) và "Gạch" đã thay nhau thống trị Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam (V.League). Hoàng Anh Gia Lai vô địch năm 2003, 2004; còn Gạch Đồng Tâm Long An vô địch năm 2005, 2006.

Sau đó, tới lượt Becamex Bình Dương vô địch khi thu hút nhiều nội binh giỏi, cùng với sức mạnh của ngoại binh gồm Philani, Amaobi, Toledo và nhất là ngôi sao Kesley Alves (sau này nhập quốc tịch Việt Nam đổi tên thành Huỳnh Kesley).

Ở chiều ngược lại, một vài CLB thiếu các mối quan hệ để tuyển chọn cầu thủ ngoại giỏi đã vừa mất tiền, vừa mất thời gian thử việc đối với không ít ngoại binh chất lượng kém (thường gọi là "Tây ba lô" sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội). Như Sông Lam Nghệ An trong 2 mùa đầu từng có một số ngoại binh giỏi như Enock Kyembe hay Lulenti, nhưng sau đó liên tục thuê phải "Tây ba lô", đến nỗi gặp không ít lận đận. Hay Đồng Tháp và Khánh Hòa đã gặp các scandal thậm chí cả kiện cáo về hợp đồng với các ngoại binh, rồi cũng lần lượt rớt hạng…

Hai mặt của vấn đề

Các nhà vô địch V.League gần đây như SHB Đà Nẵng, Hà Nội FC (tên gọi trước đây là Hà Nội T&T), Thể Công Viettel hay mới nhất là Thép Xanh Nam Định đều nhờ một phần vào sự hiện diện của những ngoại binh giỏi. Trường hợp của Rafaelson - người đang khoác áo đội tuyển Việt Nam với tên gọi Nguyễn Xuân Son là một ví dụ. Mới mùa trước, Son lập kỷ lục trong lịch sử V.League khi ghi được tới 31 bàn thắng, vượt xa kỷ lục của ngoại binh nhập tịch khác là Đỗ Merlo (SHB Đà Nẵng).

Các ngoại binh ấy đã giúp gia tăng sức mạnh của nhiều đội bóng, không chỉ với vai trò cá nhân mà cả "giá trị gia tăng" khi truyền cảm hứng cho các đồng đội, giúp các cầu thủ Việt Nam học hỏi nhiều về chuyên môn, tính chuyên nghiệp. Trên một chừng mực nào đó, họ cũng là thước đo giúp giới chức bóng đá Việt Nam hiểu rõ hơn khoảng cách so với các nền bóng đá khác trên thế giới. 

Nhìn lại, có thể nói việc các ngoại binh Thái Lan đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai và Bình Định giúp cầu thủ Việt Nam quen hơn với cách chơi bóng của họ, nắm bắt rõ hơn điểm mạnh - yếu của họ, để rồi tới năm 2008, đội tuyển Việt Nam đã lần đầu vượt qua Thái Lan tại đấu trường Đông Nam Á.

Ngược lại, mặt trái của vấn đề chính là việc đa số CLB chú trọng sử dụng cầu thủ ngoại cho các vị trí trung phong (khỏe, nhanh, to cao, chơi càn lướt và đánh đầu tốt) và trung vệ (cao to, đọc vị trí và tình huống nhanh, ít phạm sai lầm sơ đẳng), nên từng có một thời gian khiến cơ hội chơi bóng của các tiền đạo ở vị trí trung phong của bóng đá Việt Nam bị hạn chế. Hệ lụy của việc này vẫn còn đó, khi đội tuyển Việt Nam khan hiếm mẫu cầu thủ đá mũi nhọn kiểu Lê Huỳnh Đức hay Nguyễn Anh Đức trước đây; hiếm cả những trung vệ chơi toàn năng như Hữu Thắng hay Huy Hoàng.

Thực trạng khác là một số CLB gặp khó khăn khi không tạo được môi trường tốt để kết dính cầu thủ ngoại với cầu thủ nội, và đương nhiên sự hiện diện của ngoại binh không giúp đội bóng đạt hiệu quả chuyên môn như mong muốn dù CLB phải bỏ ra nhiều chi phí.

Theo thống kê, trong số gần 1.000 lượt cầu thủ ngoại từng thi đấu tại V.League, có 29 người được nhập quốc tịch Việt Nam. Một số CLB đã cố gắng thực hiện điều này để "lách luật" - đưa thêm ngoại binh vào thi đấu. 

Ảnh hưởng của các ngoại binh trên sân cỏ nội là rất lớn trong gần 1/4 thế kỷ qua, kể từ khi V.League ra đời. Và đằng sau câu chuyện về ngoại binh, hẳn vẫn còn đó không ít điều đáng để các nhà chuyên môn cũng như giới mộ điệu bóng đá nước nhà cùng suy ngẫm.

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình là Phó giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!