Nguyễn Xuân Son: Điểm 10 với một chữ "nhưng"
Ra mắt vô cùng ấn tượng tại trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ vòng bảng ASEAN CUP 2024, tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son đang trở thành "điểm nóng", thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông trong nước cũng như quốc tế, và cả sự bàn luận ngược xuôi của người hâm mộ nước nhà trên các diễn đàn khác nhau.
Quan sát Xuân Son thi đấu, những người hâm mộ trung thành với đội tuyển Việt Nam chỉ còn biết tấm tắc khen bởi sự toàn diện của cầu thủ đến từ Brazil. Nhờ thể hình tốt và thể lực sung mãn, Xuân Son có thể di chuyển liên tục, luôn tạo ra những khả năng cho đồng đội chuyền bóng và chỉ sau một, hai động tác khống chế, di chuyển là có thể trở thành mối đe dọa đối với đội bạn. Xuân Son cũng quan sát tốt, chơi tốt cả hai chân, đánh đầu tốt, đầy tinh thần đồng đội…tất cả những ưu điểm vượt trội đó khiến anh dễ dàng nhận được điểm 10 sau trận đầu tiên với đội tuyển quốc gia.
Thế nhưng, chính sự nổi bật và vai trò quá lớn của Xuân Son trong trận gặp Myanmar cũng đã lại khơi lên những tranh cãi xoay quanh vấn đề nhập tịch cầu thủ để thi đấu cho đội tuyển bóng đá quốc gia. Sự thành công bước đầu của Xuân Son trong việc giải quyết khả năng ghi bàn, và rộng hơn là cải thiện chất lượng, gia tăng sức mạnh, và nâng tầm đội tuyển bóng đá Việt Nam có nên được mở rộng hơn nữa?
Chúng ta có nên coi nhập tịch cầu thủ là một giải pháp để sớm đưa bóng đá Việt Nam thường xuyên hiện diện và đạt kết quả tốt hơn tại các sân chơi châu lục và thế giới?
Nhìn ra thế giới, từng xuất hiện nhiều bàn luận khác nhau khi một đội tuyển ở châu Âu liên tiếp đoạt các chức vô địch danh giá với đội hình có các cầu thủ gốc gác từ nhiều nước khác nhau, chủ yếu là các nước châu Phi. Thế nhưng, những bàn luận đó nhanh chóng qua đi bởi mặc dù gốc gác từ nhiều nước khác nhau, nhưng các cầu thủ nhập cư đa số sinh sống ở quốc gia châu Âu từ nhỏ, am hiểu văn hóa, thành thạo ngôn ngữ và trưởng thành nhờ môi trường bóng đá nước này nên họ thực sự là sản phẩm của nền bóng đá quốc gia châu Âu đó.
Với các quốc gia đa chủng tộc như Mỹ, thì cầu thủ nhập tịch lại trở thành điều đương nhiên, không ai để ý.
Nhìn sang khu vực Đông Á, những năm qua các cường quốc bóng đá như Nhật Bản và Hàn Quốc rất hạn chế, thậm chí không chủ trương nhập tịch cầu thủ thì một số nước trong khu vực Đông Nam Á lại coi đây là chiến lược. Một trong những nước đi đầu trong chính sách nhập tịch cầu thủ là Singapore. Tiếp đó là Thái Lan với ưu tiên là các cầu thủ gốc Thái đang sinh sống và thi đấu tại các giải bóng đá châu Âu, nhằm nâng tầm đội tuyển quốc gia.
Philippines, Indonesia, Việt Nam có thể coi là ba quốc gia nhập tịch cầu thủ muộn hơn Singapore và Thái Lan, với cùng mục đích là cải thiện chất lượng của đội tuyển bóng đá quốc gia. Đến nay cả ba nước đều đã nhập tịch các cầu thủ không cùng chủng tộc, đến từ châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi…Và thế là trong đội hình thi đấu của các đội tuyển bóng đá trong khu vực Đông Nam Á dần xuất hiện những cầu thủ cao to, với màu da và ngôn ngữ hoàn toàn khác so với các cầu thủ còn lại.
Mặc dù nhập tịch cầu thủ đã được thực hiện nhiều năm nay, nhưng thực tế chưa quốc gia nào ở Đông Nam Á đạt được thành công bền vững hay gặt hái được thành tích cấp châu lục hoặc thế giới. Sau một số trận đấu ấn tượng, thành công nhất thời thì các đội bóng trong khu vực đều lặp lại những vấn đề xưa cũ, vẫn loay hoay tìm cách giải bài toán cải thiện trình độ của đội tuyển quốc gia.
Thực tế nêu trên cũng gợi ra rằng, mặc dù nhập tịch cầu thủ là một xu hướng đang diễn ra, nhưng chúng ta cần có sự tiếp cận phù hợp với từng trường hợp có thể thi đấu cho đội tuyển quốc gia, thận trọng nếu xem đây là chiến lược. Bởi lẽ, bóng đá không chỉ là môn thể thao vua, mà hơn thế, còn là một nghệ thuật có thể khơi gợi, kiến tạo, và thổi bùng cảm xúc mạnh mẽ cho số lượng rất lớn những người hâm mộ. Cũng vì thế, bất cứ một điều gì gây lăn tăn, tranh cãi giữa các khán giả đều có thể ảnh hưởng đến giá trị của sự thành công cũng như các luồng cảm xúc trong xã hội.
Cũng có nghĩa, chúng ta không nên từ sự thành công hoàn hảo của Xuân Son trong trận đầu ra mắt đội tuyển bóng đá quốc gia mà vội vàng lạm dụng việc nhập tịch cầu thủ.
Nếu nhập tịch cầu thủ là một xu hướng khó tránh khỏi, và có thể dễ dàng được chấp nhận với các câu lạc bộ, thì chúng ta cần cân nhắc thấu đáo về số lượng cầu thủ nhập tịch thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Trong thời gian trước mắt, sự thẩm định kỹ càng và chọn lọc khắt khe để bổ sung những nhân tố thực sự chất lượng, tạo cú hích cho các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia là cần thiết. Thế nhưng, hẳn cũng sẽ có rất nhiều người hâm mộ bóng đá nước nhà cảm thấy lăn tăn khi những thành công của đội tuyển lại cho thấy dấu ấn quá sâu đậm của những cầu thủ chỉ mới trở thành công dân Việt Nam trong thời gian ngắn.
Những vấn đề nêu trên giúp chúng ta nhận thức rằng, về lâu dài, chất lượng và trình độ của đội tuyển bóng đá quốc gia sẽ phụ thuộc vào chất lượng của con người Việt Nam cũng như quá trình đào tạo, thi đấu của các cầu thủ trong nước. Để nâng tầm bóng đá trong nước, một định hướng giải pháp có thể giúp chúng ta thành công bền vững nhất vẫn là tăng mức đầu tư và hiện đại hóa công tác tuyển chọn và đào tạo cầu thủ Việt Nam.
Trong tiến trình đó, các câu lạc bộ có thể tìm kiếm và mời gọi những tiềm năng bóng đá trẻ từ các nước đến học tập và thi đấu tại Việt Nam. Nhờ đó, mặc dù có gốc gác quốc gia khác nhau nhưng quá trình sinh sống và trưởng thành tại Việt Nam sẽ giúp họ thực sự trở thành người Việt Nam. Khi đó, việc nhập tịch với họ sẽ không còn gây ra những bàn tán, hay ảnh hưởng đến cảm xúc của người hâm mộ trước những thành công của bóng đá nước nhà.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!