Tâm điểm
Tri Thức

Cần người dân góp ý để bịt "kẽ hở" dẫn đến lãng phí, tham ô

Lãng phí, tham ô, tham nhũng, tiêu cực,… xuất phát từ đâu? Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự hình thành thứ "giặc nội xâm" này, dần dà trở thành quốc nạn nhức nhối, tàn phá, làm suy yếu cơ thể đất nước. Từ lâu, Bác Hồ đã chỉ ra rằng, một phần là do việc thiếu đi ý kiến góp ý phê bình của nhân dân, của "những người lao động bình thường, những chiến sĩ trong quân đội, những cán bộ, nhân viên giữ chức vụ "không quan trọng lắm"...".

Ngày 11/2/1960, Bác Hồ, với bút danh C.K, viết bài báo "Không để một kẽ hở" đăng trên Báo Nhân Dân, số 2155, đề cập đến việc cần thiết phải có sự đóng góp ý kiến của đông đảo nhân dân để ngăn ngừa, chống lại sự lãng phí, tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Mở đầu, Bác thông báo rằng: "Mỗi tháng, báo Nhân Dân nhận được hàng nghìn thư của bạn đọc từ các nơi gửi đến. Hầu hết là thư góp ý kiến về công việc chung, thư hỏi việc riêng chỉ là số ít. Thật là một điều mới mẻ và tốt đẹp. Đáng chú ý nhất là loại thư phê bình những việc lãng phí của công và góp ý kiến về cách tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, tiền vốn của Nhà nước. Người viết những thư ấy là ai? Phần đông là những người lao động bình thường, những chiến sĩ trong quân đội, những cán bộ, nhân viên giữ chức vụ "không quan trọng lắm"...".  

Những người bình thường, những cán bộ giữ chức vụ "không quan trọng lắm" ấy họ viết những nội dung liên quan đến vấn đề gì, đến ai? Bác chỉ rõ là: "Có người đi đường, thấy thóc rơi, gỗ mục mà không yên tâm. Có người cầm hộp diêm, nhìn tấm biển, thấy có chỗ còn tiết kiệm được hơn nữa, nên mới lên tiếng. Rõ ràng là không phải vì lợi ích riêng mà họ nói. Có lần, một bạn đọc mua một gói thuốc lá loại rẻ tiền, về mở ra thấy bên trong toàn là thuốc loại đắt. Chẳng những không vui mừng mà còn băn khoăn, thắc mắc về sự lãng phí của nhà máy thuốc lá, bạn đó liền viết thư cho báo Đảng và gửi kèm theo cả bao thuốc lá còn nguyên cả 20 điếu". Có thể nói rằng, rất nhiều người dân "không phải vì lợi ích riêng" đã lên tiếng về những vấn đề mắt thấy và xót xa tiếc của, với tinh thần trách nhiệm đã lên tiếng để có thể "tiết kiệm được hơn nữa", có thể ngăn chặn sự lãng phí tiếp tục diễn ra.

Cần người dân góp ý để bịt kẽ hở dẫn đến lãng phí, tham ô - 1

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra quyết liệt, đạt nhiều kết quả toàn diện trong những năm gần đây (Tranh minh họa: Ngọc Diệp).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Trong nhân dân ta, đã có những người quan tâm đến việc giữ gìn của cải chung như vậy, thật là một điều đáng quý. Họ đáng làm gương cho một số người được Nhà nước giao cho trông nom hoặc sử dụng của cải chung mà chưa làm tròn trách nhiệm". Rồi Bác nhận định: "Nhưng nhìn chung, thì trên mặt trận này, vòng vây của chúng ta chưa xiết chặt lắm! Vì vậy của cải dành dụm của chúng ta không những rơi vãi một phần vào cái hố lãng phí, mà còn bị bọn tham ô đục khoét mất một phần khác".

Và Bác viết tiếp: "Xtalin đã có lần ví bọn tham ô như những con lợn sục vào vườn rau của Nhà nước và ngoạm lấy ngoạm để một cách trơ trẽn. Đó là thứ cặn bã còn rớt lại của xã hội cũ - cái xã hội thối nát, trong đó bọn ăn cắp, bọn sống bám... lại được coi là những kẻ "khôn ngoan nhất đời". Làm thế nào để trừ cho hết những thứ ấy và không để một khe hở nào cho của cải dành dụm của chúng ta lọt ra ngoài? Bắt giam hết bọn ăn cắp ấy ư? Trừng phạt chúng thật nặng ư? Việc đó không phải chúng ta không làm. Nhưng điều quan trọng nhất - như Xtalin đã nói - vẫn là phải "gây chung quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức". Phải không còn một ai vỗ vai, gượng nhẹ với chúng nữa! Có như vậy, mới ngăn chặn được những hành động ăn cắp của công và mới bảo vệ được tích lũy của chúng ta".

Có thể tóm lược ngắn gọn rằng, ý rõ ràng, quyết liệt của Bác là cần thiết phải có tiếng nói góp ý phê bình của nhân dân, tạo "không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức", để "ngăn chặn được những hành động ăn cắp của công", "bảo vệ được tích lũy của chúng ta". Từ năm 1960, khi Bác viết về tình trạng đáng lên án nêu trên đã 63 năm trôi qua, nhưng xem chừng vấn nạn này không những không chấm dứt, mà còn có biểu hiện nghiêm trọng, tinh vi hơn. Thực tế đó diễn ra đã lâu, gây phương hại đa diện, nhiều chiều đến công việc chung, đến sự đoàn kết, phát triển của tập thể.

Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ trạng nhức nhối ấy, trong đó 3 nhiệm kỳ liên tiếp (khóa XI, XII, XIII), tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đều ban hành Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng.

Mở đầu là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", tập trung vào 3 vấn đề cấp bách nhất, bao gồm việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ thực trạng: "Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau..." và "đoàn kết xuôi chiều" là một trong những biểu hiện của sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII), công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã có nhiều bước đột phá quan trọng, chuyển biến tích cực, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; nhưng Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) vẫn thẳng thắn cho rằng: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm... Việc khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hòa vi quý",… cần được thực hiện một cách nghiêm túc.

Thời gian gần đây, khi công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra quyết liệt, đạt nhiều kết quả đáng mừng, gia tăng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đã bị kỷ luật một cách kịp thời, thích đáng. Và khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều "quan tham" đã vướng vòng lao lý vì vi phạm pháp luật liên quan đến công tác chống dịch.

Những việc xử lý thích đáng, "đúng người, đúng tội" đó là điều không ai mong muốn, nhưng là việc chẳng đặng đừng, như có bệnh thì phải thăm khám, điều trị dứt điểm, dù có phải "chặt cành", thậm chí nhiều cành đi nữa, để "cứu cây". Nhưng không thể đổ lỗi cho việc xử lý nghiêm quốc nạn tham nhũng, tiêu cực mà có những sự chùn chân, né tránh, đùn đẩy, chối bỏ trách nhiệm. Không thể không tiếp tục công cuộc "chặt cành cứu cây", trị dứt tận gốc những mầm bệnh có nguy cơ phát tác.

Trong nhiều giải pháp để "chặt cành cứu cây", "trị bệnh cứu người" ấy, có một điều xin được nhắc lại, như Bác Hồ dẫn lại lời của Xtalin, đó là "gây chung quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức", có như thế "mới ngăn chặn được những hành động ăn cắp của công và mới bảo vệ được tích lũy của chúng ta".

Nhưng việc cất những tiếng nói trung thực, phản biện, phê bình, lên án, tố cáo tham nhũng, tiêu cực có phải luôn dễ dàng? Liệu có tình trạng thờ ơ, bàng quan, thậm chí vô cảm không? Xin thưa là có! Những công chuyện thường ngày, hay trong không ít cuộc họp, những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm dần ít đi. Điều này có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Chủ quan là vì cảm thấy những ý kiến của mình không có giá trị, không được tiếp thu, nhiều lần như vậy thành ra vô cảm, thậm chí bị lãnh đạo không ưa, trù dập...

Cũng không thể không để ý đến việc có những trường hợp góp ý, phê bình, tố cáo đúng sự thật nhưng bị trù dập, bị chèn ép, xử lý kỷ luật bằng các hình thức khác nhau. Và khi họ "kêu cứu" các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì lại rơi vào im lặng đáng sợ. Rồi không ít trường hợp "chờ được vạ má đã sưng", "đấu tranh, tránh đâu"… Người ngay thẳng, vì tập thể bị trù dập, không được bảo vệ là những "tấm gương tày liếp" đối với người khác, nảy sinh tâm lý e ngại, sợ sệt, thủ thế, cầu an, cầu toàn cho bản thân. Họ có lỗi không? Họ có sợ trách nhiệm không? Họ có nhạt phai ý chí chiến đấu không? Rõ ràng là có!

Không có một số liệu thống kê định lượng, cụ thể, rõ ràng nào cả. Cũng không có công nghệ nào đo đếm được nghĩ suy, toan tính của con người cả, dù là cá nhân cụ thể đi nữa, nên không thể có sự chính xác, tuyệt đối. Nhưng hiện tượng với những biểu hiện cụ thể thì có. Họ an phận thủ thường. Tại sao lại như vậy? Khách quan là vì có những lãnh đạo không thích nghe lời thẳng thắn, những góp ý mang tính chất "hạ thấp", "xem thường" trình độ, khả năng quản lý của lãnh đạo. Nhất là khi những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc…

Bên cạnh đó, là sự gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, thiếu tinh thần nêu gương, tự soi, tự sửa, "tự tung tự tác" nên bỏ qua tất cả những tư vấn, góp ý, phê bình của cấp dưới. Thôi thì "mũ ni che tai", "an phận thủ thường", bỏ qua cho lành, cho an toàn mà lo toan "miếng cơm, manh áo", mưu sinh cho gia đình… Nếu không, sẽ lại "chết oan" vì tính xông pha, dấn thân, tâm huyết, trách nhiệm.

Vậy, làm thế nào để những người dân bình thường, những người giữ chức vụ  "không quan trọng lắm", đại ý là những người "thấp cổ bé họng", không vì lợi ích cá nhân, góp ý chỉ để tập thể, đất nước tốt lên chính trực tỏ bày ý kiến, phản ánh những gì vô lý, bất thường, "chướng tai gai mắt", vi phạm pháp luật?

Điều quan trọng nhất là cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo vệ người dám nêu chính kiến, người dám mạnh dạn đương đầu với bè lũ "giặc nội xâm" ngày càng âm mưu, thâm độc, xảo quyệt, thẳng tay trừng trị những người không cùng "lợi ích" đục khoét, vơ vét, tận thu… Đồng thời, các cơ quan chức năng cần công tâm giải quyết những kiến nghị, ý kiến của những người "thấp cổ bé họng", những người bình thường nhưng có tiếng nói vì lợi ích tập thể, của số đông… Có như thế, mới có thể tạo ra môi trường lành mạnh, an toàn cho những tiếng nói phản biện, vì sự nghiệp chung cất lên, mới tạo thành làn sóng, gây sức ép đáng kể, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng, chống tham ô, lãng phí!

Tác giả: TS Nguyễn Tri Thức là Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản. Ông Thức cũng là giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học; giảng viên kiêm chức của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!