Tâm điểm
Lương Văn Trung

Chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn

Một mùa thi nữa sắp đến với các thông tin nóng về tuyển sinh, nhất là các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10 và vào đại học), rồi cuộc chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn.

Tôi là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn từ năm lớp 4 và sau đó vào trường chuyên cấp tỉnh. Đến cấp 3 thì chỉ học lớp chọn của trường thường do không đỗ trường chuyên. Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ với nỗi ám ảnh là mình chưa thi đỗ tốt nghiệp cấp 3 hay đại học. Tỉnh giấc toát mồ hôi nhưng tôi thấy nhẹ người vì đó chỉ là mơ. "Gánh nặng" sách vở có vẻ đến giờ vẫn còn đè nặng thế hệ con tôi.

Mới đây, con gái tôi năm nay lớp 5 bảo với mẹ: "Trường của con giao quá nhiều bài tập. Em con lớp 3 bây giờ phải học nhiều nội dung mà con vừa học hồi đầu lớp 5. Mẹ cho chúng con sang bên ở với dì (nước ngoài) để đi học. Bên đó con thấy các anh chị chơi nhiều hơn học".

Con trai tôi học trường công từ mẫu giáo đến lớp 9 (tiếng Anh học thêm ở trung tâm). Nó chưa bao giờ là học sinh giỏi, chưa bao giờ là học sinh trường chuyên. Tôi cũng chưa bao giờ yêu cầu con mình thi vào trường chuyên, phải có kết quả đứng đầu lớp (chỉ cần đủ điểm lên lớp), và cũng không buộc con học thêm, không kiểm tra bài về nhà.

Chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn - 1

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM (Ảnh: Nguyễn Quang)

Lên cấp 3, con trai tôi sang học ở New Zealand với những môn "rất nhẹ nhàng và êm ái" như thông tin con gửi về cho bố mẹ biết và chúng tôi tự tìm hiểu. Thế mà không hiểu sao con vẫn được học bổng của 2 trường Đại học hàng đầu ở New Zealand và 3 trường hàng đầu ở Úc. Trong đó, một trường luôn đứng thứ nhất hoặc nhì ở Úc cấp học bổng toàn phần (miễn học phí toàn phần) 3 năm học với số tiền rất lớn.

Tất nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tôi không cho rằng phương pháp của gia đình tôi với các con là đúng với mọi nhà. Nhưng tôi hy vọng trường hợp của con tôi không hẳn là cá biệt: Không bắt ép con học hành quá mức! Không bằng mọi giá chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn!

Nói như vậy không có nghĩa tôi phủ nhận sự cần thiết và ý nghĩa của hệ thống trường chuyên. Trong phạm vi bài viết này tôi không tranh luận về vấn đề đó. Xin nhấn mạnh lại là tôi muốn bàn đến câu chuyện gắn với mỗi gia đình chứ không phải về hệ thống trường chuyên. Đó là mỗi gia đình nên xác định con đường học tập như thế nào để phù hợp với con em mình và để không áp lực quá mức.

Theo tôi, ai cũng muốn con mình học giỏi và đứng top đầu lớp để sung sướng, tự hào và có thể để… khoe. Khi con học giỏi, dường như chúng ta yên tâm hơn về tương lai của cháu, ít nhất là tương lai gần khi chuyển lên các cấp học cao hơn. Nhưng chúng ta có tự hỏi là để đạt được thành tích đó, con mình phải hy sinh những gì không? Chắc chắn là có sự hy sinh quyền được chơi, được ăn, được ngủ và được hồn nhiên.

Rồi ta có thể nói, sự hy sinh đó là cần thiết và xứng đáng cho thành công sau này. Điều này có thực sự đúng khi những kiến thức mà con mình học (theo kiểu nhồi nhét hay luyện "gà nòi") sẽ không còn được sử dụng trong quá trình học đại học hay làm việc sau này. Hay nói cách khác, có những kiến thức mà các em không cần thiết phải học thuộc lòng ở tuổi học sinh, không cần biết kể cả sau này đi làm và thực tế là có thể hỏi Google hay Chat GPT trong nháy mắt. Tôi không thấy hổ thẹn vì bây giờ tôi không nhớ 7 hằng đẳng thức đáng nhớ, giải phương trình bậc 2 hay cân bằng một phản ứng hóa học sơ đẳng nhất.

Chúng ta chưa thống kê có bao nhiêu học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên của Việt Nam về sau đi theo ngành khoa học của môn học đó (Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý…). Nhưng tôi chứng kiến gần như tất cả bạn cùng trường chuyên của tôi không tiếp tục nghiên cứu các môn học chuyên đó ở bậc đại học.

Bây giờ hãy xem sức khỏe thần kinh của người lao động Việt Nam: Chúng ta có thể tham gia chạy marathon với "Tây" rất hoành tráng. Ngồi nhậu lai rai thì vô địch. Nhưng nếu ngồi tập trung làm việc thì có lẽ người Việt Nam thua họ xa.

Nhiều năm đi làm ở các môi trường công sở khác nhau, tôi quan sát người lao động Việt Nam cứ làm cỡ một tiếng là phải đứng dậy đi vào đi ra, pha trò… (không phải do nhu cầu vận động). Theo tôi, điều này phần nào xuất phát từ nguyên nhân là học sinh Việt Nam thi rất giỏi, nhưng khi vào đại học và sau này đi làm thì khả năng tập trung nghiên cứu đã giảm sút (do bộ não đã phải gánh gồng quá nhiều từ mẫu giáo, cũng như nhiều người ở nông thôn trưởng thành trong thời kỳ khó khăn đều có vấn đề về cột sống và khớp do lao động nặng nhọc từ nhỏ).

Học giỏi là kết quả của việc được học cái gì và được đánh giá thế nào, trong khi nội dung học đó chưa chắc đã cần thiết hay đủ để làm một người giỏi làm việc sau này. Đó là lý do tại sao có nhiều lời kêu gọi cần thay đổi chương trình và cách dạy học. Tôi cũng thấy rằng nhiều người bạn giỏi và thành công hơn tôi khi đi làm lại là những người học "kém" hơn tôi ở trường phổ thông.

Bởi vậy, chúng ta hãy cân nhắc xem liệu "học giỏi" theo tiêu chí đánh giá của nhà trường hiện nay có phải là sự đảm bảo chắc chắn cho "nghiên cứu giỏi" hay "làm giỏi" sau này không? Có lẽ chúng ta cũng nên nhớ rằng, bộ não cũng có giới hạn về sức khỏe của nó ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Bởi vậy, bắt một bộ não non nớt phải "học giỏi" chưa hẳn đã giúp cho con người có bộ não đó trở thành người giỏi trong tương lai.

Tóm lại, mỗi người có một quan điểm nhưng theo tôi, các bậc phụ huynh đừng nên hành hạ trẻ con bằng những lý do tưởng như tốt đẹp là phải vào trường chuyên, lớp chọn bằng mọi giá.

Tác giả: Ông Lương Văn Trung là luật sư thành viên sáng lập của Công ty Luật Lexcomm Vietnam LLC, thường trú tại TPHCM. Ông Trung có hơn 23 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài, chứng khoán và giao dịch vốn, tài trợ dự án, đầu tư tư nhân, thương mại và doanh nghiệp, 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm soát tuân thủ hoạt động chung của doanh nghiệp và đầu tư.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!