Tâm điểm
Bích Diệp

Cần thiết mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp

Trong những năm qua, số lượng người tham gia và quy mô Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã gia tăng nhanh chóng. Theo đó, số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách liên quan cũng ngày càng tăng, dịch vụ hỗ trợ ngày càng đa dạng, linh hoạt.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội cho hay, nếu năm 2010 mới chỉ có khoảng 7,2 triệu người tham gia BHTN thì đến hết năm 2019 - trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, cả nước đã có khoảng 13,4 triệu người tham gia BHTN, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động toàn quốc.

Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đặt ra mục tiêu giai đoạn đến năm 2025, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Nghị quyết 28 cũng nêu định hướng nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động…

Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước trong từng thời kỳ, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có tờ trình gửi Chính phủ, đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Theo đó, một trong 4 nhóm vấn đề được đề xuất là hoàn thiện chính sách BHTN hướng tới trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một tháng trở lên.

Bộ cũng đề xuất bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động; người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Cùng với đó, Bộ đề xuất sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Theo nhiều chuyên gia, những đề xuất trên là cần thiết hướng đến mục đích vừa thu hút thêm số lao động được tham gia BHTN, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, đồng thời tránh tình trạng lạm dụng quỹ. 

Những đề xuất mới cho chính sách hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ đòi hỏi lao động có trách nhiệm hơn với công việc và với bản thân, biết dung hòa lợi ích cá nhân - lợi ích tập thể, tránh nghỉ việc tùy hứng và theo đó chuyên nghiệp hơn với công việc của mình.

Khi người lao động và bên sử dụng lao động nhận thức được ý nghĩa, vai trò tham gia BHTN, tình trạng sử dụng lao động chui, lao động vãng lai sẽ được hạn chế. Chiều ngược lại các cơ quan, doanh nghiệp cũng chủ động với phương án nhân sự nhờ quá trình giảm thiểu tình trạng vô kỷ luật, bột phát của lao động.

Trong những năm qua, bên cạnh các kết quả đã đạt được, chính sách BHTN tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như Bộ LĐ-TB&XH đã nêu ra. Đó là chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; các chế độ còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp. Quy định điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ; chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề…

Với thực tế nêu trên, có thể khẳng định hoàn thiện chính sách BHTN là đề xuất cần thiết và kịp thời.

Thất nghiệp là hiện tượng khách quan và được biểu hiện như một đặc trưng vốn có của nền kinh tế thị trường. Thất nghiệp gia tăng làm cho tình hình kinh tế - xã hội bất ổn, các tệ nạn xã hội và tội phạm gia tăng, làm băng hoại các giá trị đạo đức, văn hóa của gia đình và xã hội. Vì vậy, BHTN là chính sách nhân văn không chỉ ở ý nghĩa đảm bảo an sinh xã hội mà còn hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.

Khi được hoàn thiện trong thời gian tới, tin chắc rằng BHTN sẽ là công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!