Tâm điểm
Đinh Văn Minh

Bước chuyển lớn hệ thống thanh tra, khắc phục tình trạng "thanh tra hóa"

Ngày 28/3, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký kết luận số 134 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra, ngoài một số lĩnh vực đặc thù duy trì tổ chức thanh tra như cũ (Quốc phòng, Công an, Ngân hàng Nhà nước, Cơ yếu, An toàn bức xạ và hạt nhân, Hàng hải, Hàng không, Chứng khoán Nhà nước) thì về cơ bản tổ chức thanh tra sắp tới sẽ được tổ chức theo 2 cấp ở Trung ương (Thanh tra Chính phủ) và địa phương (thanh tra tỉnh). Ngoài ra cũng chấm dứt việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho một số cơ quan theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành. Có thể nói đây là một sự thay đổi rất lớn, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động thanh tra đã kéo dài từ nhiều năm nay.

Sau khi tổ chức lại, bộ máy cơ quan thanh tra sẽ tinh gọn hơn rất nhiều, nhưng không vì thế mà bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thiết nghĩ đây là yêu cầu mà hệ thống thanh tra cũng như đơn vị liên quan cần quán triệt, và cần có sự thay đổi từ nhận thức đến hành động để hoạt động thanh tra, kiểm tra thực sự là công cụ quan trọng để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước.

Bước chuyển lớn hệ thống thanh tra, khắc phục tình trạng thanh tra hóa - 1

Trụ sở Thanh tra Chính phủ (Ảnh minh họa: Thế Kha).

Trước hết là nhìn nhận lại tính chất của các hoạt động thanh tra, kiểm tra để duy trì một cách hợp lý và có hiệu quả trong toàn bộ hệ thống. Có thể khẳng định rằng, "sắp xếp" hay "tinh gọn" không làm mất đi các hoạt động cần thiết cho công tác quản lý, mà để hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lặp gây lãng phí nguồn lực, ngân sách nhà nước và gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Trong nhiều năm sự lẫn lộn giữa thanh tra và kiểm tra của cơ quan quản lý, thêm vào đó là xu hướng giao "chức năng thanh tra chuyên ngành" tràn lan đã gây ra tình trạng "thanh tra hóa". Để thuận lợi trong hoạt động của mình cũng như có thêm quyền hạn, chủ yếu là quyền xử lý vi phạm hành chính, rất nhiều hoạt động của cơ quan quản lý thực chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên đã được "khoác áo" thanh tra. Minh chứng rõ ràng nhất là báo cáo hàng năm của hầu hết cơ quan quản lý đã không thể phân biệt giữa hoạt động và kết quả của thanh tra với kiểm tra chuyên ngành. Điều này sẽ được khắc phục triệt để theo tinh thần chỉ đạo mới. Cùng với việc rút gọn đầu mối các cơ quan thanh tra, Kết luận 134 nhấn mạnh trách nhiệm tổ chức và thực hiện kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan quản lý. Như vậy nhiều hoạt động "thanh tra chuyên ngành" trước kia không hề bị mất đi mà vẫn tiếp tục duy trì với đúng tên gọi và bản chất của nó. Việc không tồn tại cơ quan thanh tra của Bộ, của Sở vì thế không hề ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý khi các cơ quan quản lý tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "cần phân biệt công việc kiểm tra là công việc thường xuyên của những người phụ trách. Công việc thanh tra với tính cách đứng trên mà xem xét công việc của một bộ phận" và "Thường vì cơ quan, địa phương, bộ phận hay công việc nào có chỗ không đúng, chỗ sai lầm mà cần thanh tra".

Như vậy kiểm tra là hoạt động thường xuyên, có mục đích làm cho công việc được thực hiện tốt hơn. Kiểm tra là hoạt động không thể thiếu trong một chu trình quản lý, để xem công việc được thực hiện như thế nào, để đôn đốc, nhắc nhở hoặc hướng dẫn cho mọi người thực hiện cho đúng, cho tốt. Kiểm tra cũng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những điều bất cập để điều chỉnh cho phù hợp, thấy được cái khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trường hợp có vi phạm rõ ràng thì tiến hành xử lý ngay để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Nếu vụ việc phức tạp hoặc vi phạm lớn, người kiểm tra không đủ thẩm quyền hay điều kiện để làm rõ và xử lý thì có thể đề nghị tiến hành thanh tra. Đây là tinh thần được ghi nhận tại Điều 6 của Luật Thanh tra 2022.

Trong khi đó thanh tra thường chỉ được tiến hành khi có yêu cầu mang tính chất đột xuất, đặc biệt, chủ yếu là khi xảy ra các vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc qua kiểm tra thấy cần phải thanh tra. Có thể khái quát tinh thần chủ đạo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra sắp tới là kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm và chỉ tiến hành khi cần thiết. Trước đây các cấp có thẩm quyền đã đưa ra định hướng cần tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, hạn chế thanh tra theo kế hoạch và chỉ tiến hành thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Hoạt động kiểm tra giúp phòng ngừa hay chấn chỉnh việc làm sai, cảnh báo các nguy cơ có thể xảy ra và trong phần lớn các trường hợp có tác dụng nhắc nhở, đôn đốc. Hoạt động kiểm tra được tổ chức linh hoạt và đa dạng tùy theo mục đích cụ thể. Vì thế trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành đã có quy định, các cơ quan quản lý có thể ban hành các quy trình kiểm tra khác nhau phù hợp với tính chất và đặc điểm trong lĩnh vực quản lý của mình.

Trong khi đó thường thì hoạt động thanh tra, do tính chất đặc biệt của nó là hướng vào việc phát hiện, làm rõ và xử lý các vi phạm pháp luật nên được tổ chức tiến hành theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ được quy định trong Luật Thanh tra (đạo luật này sẽ được sửa đổi và thông qua trong kỳ họp Quốc hội gần nhất).

Những vướng mắc khi tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm tra, chẳng hạn như chức danh có thẩm quyền xử phạt hay các quyền hạn cần thiết để bảo đảm hiệu lực của hoạt động kiểm tra chuyên ngành cũng đã được cân nhắc tính toán và điều chỉnh cho phù hợp trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) và ban hành cùng thời điểm với Luật Thanh tra (sửa đổi) trong thời gian tới.   

Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 34 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!