Tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra
Kết luận phiên họp về đề án sắp xếp hệ thống cơ quan Thanh tra hôm 10/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc sắp xếp phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết; bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, đảm bảo mục tiêu giảm đầu mối và biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra; có kế thừa và đổi mới, cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành Thanh tra tập trung, thống nhất, tinh gọn theo 2 cấp.
Nhìn lại lịch sử ngành Thanh tra, nếu như trước kia chỉ có một loại hình thanh tra của nhà nước với tính cách là sự xem xét đánh giá của cơ quan cấp trên với cấp dưới trong việc thực hiện pháp luật và nhiệm vụ, kế hoạch được giao của các cơ quan, tổ chức thì với sự thừa nhận và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần sau Hiến pháp 1992, hoạt động thanh tra, kiểm tra trở thành công cụ bảo đảm việc chấp hành pháp luật của mọi tổ chức, cá nhân và dẫn đến việc hình thành và phát triển mạnh mẽ của các lực lượng thanh tra chuyên ngành.
Sự phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành xuất phát từ đặc điểm và yêu cầu của việc kiểm soát bên trong (thanh tra hành chính) và kiểm soát bên ngoài (thanh tra chuyên ngành). Sự phân biệt này chính thức được ghi nhận từ Luật Thanh tra 2004 nhưng về mặt nhận thức, trong quy định của pháp luật cũng như thực tiễn thi hành, vì những lý do khác nhau không được hiện thực hóa dẫn đến tổ chức hệ thống thanh tra cồng kềnh, hoạt động chồng chéo, trùng lặp, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
![Tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra - 1 Tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/tYtI8la8Qw4NuDlKv20l96JPIZo=/2023/12/20/thanhtrathekha-1703031060112.png)
Trụ sở Thanh tra Chính phủ (Ảnh minh họa: Thế Kha).
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta có cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra cấp tỉnh; Thanh tra cấp huyện; và cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm: Thanh tra cấp Bộ; Thanh tra cấp Tổng cục, Cục; Thanh tra sở.
Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ. Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.
Ngoài ra còn có cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Trong hệ thống các cơ quan thanh tra, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, còn sự lẫn lộn giữa hoạt động của cơ quan thanh tra và hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý.
Tình trạng "thanh tra hóa" khi giao chức năng thanh tra cho một số cơ quan quản lý càng làm nặng nề thêm hoạt động thanh tra, kiểm tra. Sự chồng chéo trùng lặp đó vừa gây lãng phí về thời gian, tiền bạc, con người, vừa ảnh hưởng đến đối tượng thanh tra và các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ trước đến nay không ít lần Chính phủ phải có những chỉ thị để chấn chỉnh nhưng tình trạng này chưa được giải quyết triệt để. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay chính là cơ hội tốt nhất để giải quyết triệt để tình trạng này.
Về khoa học tổ chức bộ máy, có thể hình dung ra hai phương án tổ chức hệ thống thanh tra hiện nay:
Phương án thứ nhất, không phân biệt các loại hình thanh tra mà tổ chức cơ quan thanh tra ở hai cấp, gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh (tại 63 tỉnh, thành). Chấm dứt hoạt động của thanh tra bộ, thanh tra sở và sắp xếp lại theo hướng Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức thành các đơn vị (Cục) để thực hiện thanh tra theo ngành, lĩnh vực cùng với các đơn vị thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Một số cán bộ thanh tra của các bộ sẽ được điều động về các đơn vị của Thanh tra Chính phủ phù hợp với chuyên ngành.
Tương tự như vậy ở cấp tỉnh thì thành lập cơ quan thanh tra tỉnh trực thuộc UBND tỉnh trong đó tổ chức các đơn vị thanh tra theo ngành và lĩnh vực, một số cán bộ thanh tra các sở và thanh tra huyện sẽ điều chuyển về thanh tra tỉnh vào các lĩnh vực, chuyên ngành phù hợp.
Ở các bộ không tổ chức cơ quan thanh tra mà tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, trường hợp cần thiết thì đề nghị Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với bộ, hoặc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra trực tiếp.
Phương án này có nhiều ưu điểm đáp ứng yêu cầu tinh gọn đầu mối, giảm đáng kể số lượng cơ quan thanh tra cũng như biên chế cán bộ, công chức làm công tác thanh tra. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thì cần tăng cường lực lượng có chuyên môn cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh nhất là những lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi chuyên môn cao như viễn thông, y tế…
Phương án thứ hai: Tổ chức thanh tra theo cấp hành chính và theo ngành, lĩnh vực trên cơ sở xác định hai loại thanh tra, một loại hướng vào kiểm soát bộ máy hành chính và việc thực thi công vụ của các cán bộ, công chức (thường gọi là thanh tra hành chính hay thanh tra trách nhiệm, thanh tra công vụ…) và loại thứ hai là kiểm soát xã hội (thanh tra ngành, chuyên ngành).
Vì kiểm soát bộ máy nên thanh tra hành chính cần tổ chức tập trung thống nhất (Trung ương và khu vực), mới bảo đảm sự độc lập khách quan trong hoạt động. Nhiệm vụ phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là những mảng công tác thể hiện sự kiểm soát đối với cơ quan quản lý.
Loại thứ hai là thanh tra ngành (hay chuyên ngành, lĩnh vực) thì hướng vào kiểm soát việc chấp hành pháp luật của mọi tổ chức, cá nhân, bảo đảm trật tự quản lý, là công cụ của quản lý nên gắn bó và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý - người chịu trách nhiệm cao nhất trong phạm vi trách nhiệm của mình trong một lĩnh vực hoặc địa bàn.
Với phương án này thì Thanh tra Bộ giữ nguyên như hiện nay, nhưng lực lượng thanh tra ở tỉnh sẽ được sắp xếp như sau: một bộ phận cán bộ thanh tra tỉnh sẽ được chuyển về Thanh tra khu vực (hoặc Thanh tra Chính phủ) thực hiện thanh tra hành chính, thực chất là hoạt động giám sát hành chính.
Một bộ phận cán bộ thanh tra tỉnh kết hợp với thanh tra các sở để hình thành cơ quan thanh tra thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện thanh tra theo các lĩnh vực quản lý (thanh tra chuyên ngành).
Phương án này có ưu điểm là thực hiện được các loại hình thanh tra đúng với tính chất đặc điểm của đối tượng thanh tra nhưng hạn chế là vẫn tồn tại nhiều đầu mối thanh tra (Thanh tra Chính phủ, thanh tra khu vực, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh) và vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chồng chéo, trùng lặp như hiện nay.
Tất cả các phương án nêu trên đều không cần thiết có tổ chức thanh tra huyện, thanh tra sở. Việc không tổ chức thanh tra huyện và thanh tra sở không ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý mà ở những nơi này cần đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên được thực hiện bởi chính cơ quan quản lý.
Chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc các sở ngành hoàn toàn có thể thành lập các đoàn kiểm tra, thực hiện bởi chính cán bộ, công chức của các phòng ban chuyên môn của mình để tiến hành kiểm tra để nắm bắt tình hình, chấn chỉnh, đôn đốc việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ, việc chấp hành pháp luật và tiến hành xử lý. Hoạt động kiểm tra được tổ chức và thực hiện một cách linh hoạt, mềm mại phù hợp với yêu cầu quản lý ở cấp cơ sở mà không phải tuân theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ như hoạt động thanh tra, phù hợp với định hướng phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý. Trong trường hợp cần thiết có thể đề nghị cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra.
Cùng với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, hoạt động thanh tra cũng cần được cải tiến mạnh mẽ với việc áp dụng khoa học công nghệ, cùng với việc xây dựng và sử dụng hệ thống dữ liệu quản lý liên thông, vừa là để "khử" chồng chéo, trùng lặp vừa để rút ngắn thời gian giảm bớt phiền hà cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan vừa bảo đảm sự minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngay trong chính hoạt động thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.
Như đầu bài viết đã nêu, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã họp bàn về đề án sắp xếp hệ thống cơ quan Thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ và cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án để trình Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, cùng với đó chuẩn bị trình Quốc hội sau khi Bộ Chính trị đã cho ý kiến.
Tin tưởng rằng việc sắp xếp hệ thống cơ quan Thanh tra thời gian tới sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả của tổ chức, đảm bảo yêu cầu công tác trong thời kỳ mới.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 34 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!