Bộ Chính trị đồng ý kết thúc hoạt động của thanh tra bộ, sở, huyện

Hoài Thu

(Dân trí) - Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương, kết thúc hoạt động của thanh tra bộ, sở, huyện.

Nội dung này được đề cập trong Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Kết luận vừa được Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành ngày 28/3.

Báo cáo tiếp thu, giải trình Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và việc hợp nhất Trường Cán bộ thanh tra với Viện Chiến lược khoa học thanh tra, đã nhận được sự đồng tình.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương.

Bộ Chính trị đồng ý kết thúc hoạt động của thanh tra bộ, sở, huyện - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Đảng ủy Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo hôm 17/3 (Ảnh: Hồng Phong).

Ở Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý kết thúc hoạt động của Thanh tra các bộ để sắp xếp, tổ chức lại thành các cục thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo lĩnh vực thuộc Thanh tra Chính phủ.

Riêng Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tiếp tục được duy trì tổ chức và hoạt động.

Theo kết luận của Bộ Chính trị, Cục Bổ trợ tư pháp, Kho bạc Nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước, Cục Thống kê, kết thúc hoạt động của cơ quan thanh tra; không thành lập cơ quan thanh tra Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên.

Các cục trên thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng nêu rõ chủ trương không tổ chức thanh tra chuyên ngành mà thực hiện kiểm tra chuyên ngành và chức năng khác theo quy định của pháp luật.

Ở địa phương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định kết thúc hoạt động của thanh tra huyện, thanh tra sở và tổ chức lại thành các tổ chức thuộc thanh tra tỉnh.

Đảng bộ Thanh tra tỉnh là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy UBND tỉnh, thành phố.

Sau khi sắp xếp, các cơ quan không còn tổ chức thanh tra thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý Nhà nước, theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Người đứng đầu có trách nhiệm giao đơn vị trực thuộc tham mưu thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ và các tỉnh ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra.

Cùng với đó, cần rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức, bố trí lực lượng, cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết, lộ trình triển khai thực hiện đồng bộ với việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm liên tục, không gián đoạn, không bỏ sót nhiệm vụ.

Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ cũng được giao phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện các luật, quy định liên quan bảo đảm chức năng xử phạt vi phạm hành chính được quy định, thực  hiện hiệu lực, hiệu quả.