HLV Troussier và gánh nặng kỳ vọng
HLV Philippe Troussier đã chính thức ký hợp đồng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam vào ngày 27/2. Riêng việc ký hợp đồng 4 năm đã gợi mở rất nhiều điều. Thông lệ từ trước đến nay, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) rất ít khi ký hợp đồng dài hạn với các HLV, tạo nên tư duy làm việc kiểu thời vụ và tạo ra áp lực rất lớn với một vị HLV: Anh thành công sẽ được kéo dài hợp đồng, còn không thành công thì bị loại ngay.
Việc chúng ta có 5 năm đầy thành công với ông Park và bây giờ là hợp đồng dài hơi với ông Troussier cho thấy mong muốn gắn bó lâu dài với một vị HLV, và HLV đó được kỳ vọng sẽ mở ra một thời kỳ mới cho bóng đá Việt Nam. Đương nhiên, kỳ vọng của người hâm mộ trên cơ sở thành công tiếp nối thành công, thậm chí là hy vọng HLV sau sẽ làm tốt hơn so với vị HLV trước.
Sự kỳ vọng đó hẳn nhiên là rất logic!
Câu hỏi đặt ra là: Một người có trình độ cao, uy tín lớn như vậy, đã từng làm việc với nhiều nền bóng đá đang phát triển, liệu bây giờ khi trở lại với vị trí cầm quân sẽ thể hiện ra sao? Bởi dẫu sao, việc hoạch định chiến lược, đào tạo bóng đá trẻ rất khác với việc chính thức cầm quân một đội bóng quốc gia.
Câu hỏi thứ hai là, nếu như trong một vài năm đầu của hợp đồng, ông Troussier không đạt được thành công như kỳ vọng thì phản ứng của người hâm mộ sẽ ra sao? Sẽ chỉ trích, sẽ đòi ông từ chức hay vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào ông ấy?
Nhìn lại người tiền nhiệm, ông Park Hang Seo cũng đã phải đối diện với nhiều câu hỏi, nhiều hoài nghi như vậy. Có khác là, ông Park lúc mới đến Việt Nam để đảm nhiệm cương vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia thời bấy giờ, người hâm mộ gần như chưa biết ông Park Hang Seo là ai. May mắn của ông Park là đã nắm ngay một thế hệ cầu thủ giỏi. Ông thành công ngay lập tức với đội tuyển U23, chính vì vậy, ông Park đã nhanh chóng giành được sự yêu mến của đông đảo người hâm mộ, đã chinh phục được tình cảm của khán giả từ rất sớm. Vậy, với ông Troussier, đặt giả thiết nếu như ông Troussier không thành công bước đầu thì sao? Áp lực với tân HLV trưởng đội tuyển quốc gia rõ ràng là rất lớn!
Đương nhiên, tôi cũng tin rằng, một khi ông Troussier đã đồng ý với đề nghị từ VFF thì có nghĩa là ông đã chấp nhận thách thức, sẵn sàng đương đầu với các rủi ro, chấp nhận cuộc chơi lớn với bóng đá Việt Nam.
Khán giả đã quen với chiến thắng. Họ đã có 5 năm hạnh phúc, vậy nên họ sẽ khó mà chấp nhận những nốt trầm, những khoảng lặng. Và cũng sẽ thật khó chấp nhận nếu lứa cầu thủ sau không bằng lứa cầu thủ trước.
Bởi vậy nên, ông Troussier nhận lời làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia là cả một sự dũng cảm. Tất nhiên mối hợp tác này có cơ sở. Ông Troussier đã có sự gắn bó với bóng đá trẻ Việt Nam trong khá nhiều năm và thậm chí ông cũng đã viết đề án để đưa bóng đá Việt Nam đến với World Cup 2026. Có thể nói, ông tự tin với sự hiểu biết của bản thân về bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, bóng đá luôn ẩn chứa nhiều biến số bất ngờ, không đơn giản là phép toán 1+1=2. Rất nhiều yếu tố khác nhau tạo ra thành công, thất bại của một đội bóng.
Trên thực tế, chúng ta từng chứng kiến một số đội tuyển lớn trên thế giới, như Đội tuyển Tây Ban Nha, giai đoạn 2008-2012, họ vô đối trên toàn thế giới nhưng sau đó, ở World Cup 2014 lại bị loại ngay ở vòng bảng. Ngay như Đội tuyển Brazil, trong suốt 20 năm qua chưa lần nào quay trở lại được vị trí vô địch thế giới. Bản thân các ngôi sao cũng có những thăng trầm, những đỉnh cao và vực sâu sự nghiệp.
Chính ông Troussier cũng đã phát biểu tại buổi nhậm chức: "Sẽ có khoảnh khắc vui, buồn, bởi bóng đá là như vậy. Tuy nhiên chúng tôi sẽ mạnh mẽ vượt qua tất cả, đoàn kết, cùng chung chí hướng chinh phục. Tôi mong muốn kết nối tất cả mọi người thông qua bóng đá, bởi đây là năng lượng tích cực".
Bóng đá là trò chơi tập thể, một đội tuyển là tập hợp của các cá nhân. Một HLV giỏi có một bản CV (lý lịch) hoành tráng chưa chắc đã tạo nên thành công cho một đội bóng, chưa hẳn đã mang lại những chiến thắng như sự kỳ vọng của người hâm mộ.
Sự thành công của bóng đá Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào HLV Troussier mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa. Chẳng hạn như lứa cầu thủ hiện tại có đủ khả năng để đem lại thành công hay không?
Câu hỏi với ông Park trước đây, nay cũng được đặt ra cho ông Troussier vậy. Ban đầu luôn có sự hoài nghi, kể cả khi ông Troussier đang có một bản CV đẹp hơn nhiều so với thời điểm ông Park mới đến Việt Nam.
Lứa cầu thủ hiện tại không phải là không giỏi, nhưng người hâm mộ đủ nhận ra ta chưa có đủ những gương mặt trẻ tỏa sáng giống như lứa 2018 với Quang Hải, Công Phượng chẳng hạn. Cho nên để ông Troussier thành công ngay lập tức thì rất khó. Bởi vậy, cần kiên nhẫn!
Việc ký hợp đồng 4 năm cho thấy VFF đặt niềm tin với ông Troussier ngay cả trong trường hợp ông thất bại ban đầu. Có nghĩa là ngay cả trong một, hai năm đầu ông chưa thành công thì vẫn được đặt niềm tin. VFF tin tưởng vào khả năng của ông Troussier. Bản hợp đồng này cho thấy VFF kiên nhẫn đối với vị HLV này.
Cá nhân tôi không muốn đặt quá nhiều kỳ vọng vào một HLV mới sau khi vị HLV trước đó đã gặt hái thành công rất lớn. Việc kỳ vọng quá nhiều sẽ tạo nên những áp lực trong khi ông Troussier những năm qua mới chỉ gắn bó với bóng đá trẻ, đã lâu chưa cầm quân một đội tuyển quốc gia nào. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mình cũng cần cho bản thân cơ hội để kiên nhẫn với ông Troussier.
Trong năm 2023, trọng tâm là SEA Games, đây sẽ là một "bài test" để hiểu rõ hơn triết lý của ông Troussier và chiến lược xây dựng đội tuyển Việt Nam trong tương lai của ông. Sau SEA Games diễn ra vào tháng 5 là vòng loại U23 châu Á, vòng loại World Cup 2026 diễn ra vào cuối năm nay, rồi tiếp theo là Asian Cup 2024.
Tôi chúc ông Troussier trên cương vị HLV trưởng Đội tuyển quốc gia Việt Nam sẽ gặt hái thành công!
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc là bình luận viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt với bóng đá Ý. Anh còn là một phóng viên thời sự quốc tế, tác giả của nhiều đầu sách được đông đảo bạn đọc yêu thích.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!