Bỏ hay giữ đếm giây đèn tín hiệu giao thông
Tôi thường xuyên lái xe qua ngã tư Hàng Xanh tại thành phố Thủ Đức, TPHCM. Đây là một ngã tư lớn, có nhiều hướng di chuyển, các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên xung đột nhau. Dòng xung đột càng trở nên nghiêm trọng khi các phương tiện giao thông lớn như xe khách hay xe container vào giao lộ.
Mặc dù có đèn xanh đèn đỏ, có đảo giao thông nằm giữa và có cả cầu vượt để giảm bớt xung đột, nhưng ngã tư này vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc, thậm chí kẹt cứng nhiều giờ liền.
Để cải thiện tình hình ùn tắc, lực lượng CSGT đã thường trực ở đây và phối hợp với các lực lượng khác điều tiết, phân luồng giao thông. Tôi quan sát thấy một biện pháp từng được sử dụng ở khu vực này là thay vì để đèn xanh, đèn đỏ chuyển theo chế độ tự động, thì cơ quan quản lý giao thông bố trí một người làm nhiệm vụ quan sát, điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp với diễn biến thực tế.
Hiểu nôm na là người này sẽ bật hoặc tắt đèn xanh, đèn đỏ tùy theo lượng xe lưu thông của từng hướng. Khi sử dụng phương pháp này thì đếm giây ở đèn tín hiệu giao thông trở nên không cần thiết, thậm chí có thể gây hiểu nhầm với tài xế, vì thực tế đèn xanh hay đèn đỏ có thể kéo dài hơn hay rút ngắn đi tùy vào điều khiển của người quan sát chứ không phải theo thời gian được cài đặt tự động.
Vừa qua, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) đã mở rộng thí điểm bỏ đếm giây đèn tín hiệu giao thông tại giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu, TP Thủ Đức, sau gần 3 năm thí điểm tại các giao lộ khác: Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8.
Theo đó, chốt đèn tín hiệu tại khu vực trên sẽ hiển thị màu xanh, đỏ hoặc vàng mà không có số giây đếm lùi về 0 như bình thường. Tùy thời điểm và lượng xe qua nút giao, thời gian đèn sẽ được điều chỉnh linh hoạt. Việc này nhằm tránh nguy cơ tai nạn, các trường hợp cố vượt đèn hoặc phanh gấp nguy hiểm.
Như vậy, một trong những mục đích của việc bỏ đếm giây đèn tín hiệu giao thông là để hướng đến một cách điều khiển thông minh hơn, điều chỉnh thời gian của dòng phương tiện theo tình hình thực tế tại các giao lộ chứ không cứng nhắc theo bộ đếm giây cài đặt sẵn.
Cơ quan quản lý tổ chức quan sát và điều khiển giao thông qua camera, đèn giao thông có thể chuyển xanh hay đỏ không theo thời gian cố định mà do trung tâm điều khiển từ xa để phù hợp với tình hình giao thông thực tế, tránh ùn ứ kẹt xe, cũng có nghĩa là không cần thiết bố trí người đứng quan sát trực tiếp ở ngoài đường.
Có thể thấy ý tưởng và đề xuất nêu trên có mục đích góp phần cải thiện tình hình giao thông tại một số giao lộ, và dần thay đổi thói quen tận dụng vài giây để vượt đèn đỏ của người tham gia giao thông. Việc chỉ dừng lại ở mức "thí điểm" cũng cho thấy sự thận trọng của cơ quan quản lý. Tuy nhiên vừa qua vẫn còn ý kiến trái chiều về đề xuất này và nhiều cử tri TPHCM còn băn khoăn về việc bỏ đếm giây đèn tín hiệu giao thông.
Các ý kiến băn khoăn cho rằng đồng hồ đếm ngược trên đèn tín hiệu giúp người tham gia giao thông biết còn bao nhiêu thời gian để quyết định đi tiếp hay dừng lại. Điều này đồng nghĩa đèn đếm ngược có chức năng cảnh báo, báo hiệu khoảng thời gian còn lại để người lái xe chủ động xử lý tình huống phù hợp. Nếu bỏ đếm ngược ở đèn xanh hay đèn đỏ sẽ xảy ra tình huống đột ngột chuyển đèn tín hiệu sang xanh, thắng gấp khi chuyển sang đỏ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Tất cả các lập luận nêu trên, cả từ cơ quan quản lý cũng như những người dân còn băn khoăn, đều có lý dựa trên góc nhìn của bên đưa ra ý kiến. Một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã nói rằng "Việc thí điểm có nhiều mặt tích cực nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình. Sở tiếp tục theo dõi để có tính toán thêm, có khả năng chỉ bỏ bớt bộ đếm ngược ở đèn đỏ. Như vậy người dân đang dừng chờ đèn đỏ khi thấy tín hiệu xanh thì mới chạy, tránh tình trạng chưa qua đèn xanh nhưng thấy chỉ còn vài giây thì tranh thủ chạy qua".
Về phía cơ quan quản lý thì dĩ nhiên phải căn cứ vào đặc điểm dân cư, thói quen tham gia giao thông của người dân để đưa ra quyết định tối ưu. Nghĩa là việc lựa chọn bỏ hay giữ lại đồng hồ đếm ngược trên đèn tín hiệu giao thông phải căn cứ tình hình thực tế. Bỏ thì tốt hơn hay không bỏ thì tốt hơn là vấn đề có thể chứng minh được trong quá trình thí điểm, dựa trên bằng chứng thực nghiệm cụ thể trước và sau khi thí điểm.
Khi chúng ta bàn về một vấn đề nào đó không chỉ dựa trên mục tiêu định tính mà có dữ liệu để chứng minh, có sự định lượng rõ ràng thì dễ nhận được sự đồng thuận từ xã hội.
Dựa trên số liệu cụ thể được công khai rộng rãi, cơ quan quản lý sẽ có lựa chọn phù hợp nhất và thuyết phục nhất.
Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!