Chuyện bật đèn xe và cưới cả cô gái trả lại… lúm đồng tiền!
(Dân trí) - Gần đây, dư luận lại tiếp tục xôn xao xung quanh một qui định cũ, đã từng được nêu ra cách đây 5 năm (12.2015), đó là phải bật đèn tất cả các loại xe khi tham gia giao thông.
Cụ thể, theo báo Dân trí, Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, trong đó, tại khoản 3 điều 27 dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) quy định:
Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. Vào ban đêm hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn chiếu xa hoặc chiếu gần, đèn chiếu hậu hoặc đèn định vị theo thiết kế của nhà sản xuất”.
Qui định này một lần nữa gặp phải những phản ứng trái chiều trên báo chí và dư luận.
Một phía cho rằng quy định này không phù hợp với Việt Nam vì Việt Nam là đất nước nhiệt đới, nhiệt độ luôn ở mức cao vào mùa hè nên việc bật đèn xe máy vào ban ngày là không cần thiết. Việc bật đèn cũng không giảm thiểu được tai nạn giao thông mà còn gây tác dụng ngược như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt. Nó chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều...
Một phía cho rằng việc bật đèn tiêu tốn nhiên liệu không đáng kể, mức độ ô nhiễm cũng không ảnh hưởng nhiều, giá thành đèn chiếu sáng không cao… Song, tỉ lệ tai nạn giao thông giảm rõ rệt (từ 10-20%). Hiện, trên thế giới chỉ có 3 quốc gia là Việt Nam, Campuchia và Myanma là chưa có qui định này. Đặc biệt, Việt Nam tham gia ký Công ước Viên 1968.
Về quan điểm cá nhân, tôi cũng cho rằng với Việt Nam là không phù hợp. Thế nhưng khổ nỗi, dù có thể không giảm tỉ lệ tai nạn giao thông, gây ô nhiễm, tốn kém… thì việc ban hành qui định này là bắt buộc chỉ với một lý do, Việt Nam đã tham gia ký Công ước Viên. Trong đó, theo Bộ GTVT, các điều khoản tại Công ước về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo và tín hiệu đường bộ đều có qui định này.
Nếu không thực hiện, thì chúng ta phải hủy tham gia công ước.
Có ý kiến cho rằng chúng ta vẫn tham gia Công ước nhưng không thực hiện điều khoản này.
Đây là ý kiến không ổn bởi thứ nhất, với thế giới không có kiểu “nói một đằng, làm một nẻo”.
Thứ hai, người phương Tây có câu ngạn ngữ vui, đại để “vì một lúm đồng tiền, phải cưới cả một cô gái”. Không thể cưới một cô gái mà “trả lại” lúm đồng tiền cũng như không thể mua một cái ô tô nhưng trả lại cái đèn hay bộ lốp.
Theo các bạn, liệu có một giải pháp nào hay hơn, hoàn hảo hơn cho việc này không?
Bùi Hoàng Tám