Biệt thự trái phép giữa cánh đồng
Thời gian gần đây một số tỉnh, thành miền Tây rộ lên chuyện xử lý các công trình xây dựng trái phép. Theo phản ánh trên báo Dân trí, đó là biệt thự mọc trên đất nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau; nhà hàng cả nghìn mét vuông trên đất lúa ở Cần Thơ; hay thậm chí là khu phố mới với hàng chục căn hộ trên đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản tại Vĩnh Long; 79 căn biệt thự lấn khu bảo tồn biển Phú Quốc…
Điểm chung của những sự việc này là các công trình xây cất trong thời gian dài, công khai giữa ban ngày ban mặt, đến khi hoàn thành hoặc thậm chí là đi vào hoạt động thời gian dài thì chính quyền mới vào cuộc xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ.
Câu hỏi đặt ra: Các cơ quan chức năng địa phương ở đâu trong suốt quá trình các công trình trái phép đó được xây dựng?
Xin đơn cử sự việc ở Cà Mau. Ông Hồ An Tập (40 tuổi, ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau) - chủ căn biệt thự xây trái phép - cho hay do ông nghĩ đất thuộc vùng nông thôn không phải xin phép và không rành Luật Đất đai nên "sơ ý" xây căn nhà này.
"Khi xây dựng căn nhà lên thấy không ai nói gì nên tôi xây thôi. Tôi không biết mình sai nên mới đăng hình ảnh căn nhà lên Facebook cá nhân vì thấy mình xây được căn nhà thế này nên vui chứ không có mục đích gì. Nếu tôi biết xây nhà này sai phép thì tôi đã không đăng lên mạng", ông Tập giãi bày.
Một sự việc khác ở Vĩnh Long. Doanh nghiệp đã xây dựng cả khu phố hoành tráng trên đất nông nghiệp lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản với diện tích vi phạm hơn 4.279m2. Khu phố này nằm ngay giữa trung tâm thành phố Vĩnh Long, tuy nhiên việc xây dựng không được chấn chỉnh, ngăn chặn hoặc hướng dẫn cụ thể ngay từ đầu, đến khi công trình đã thành hình hài và rao bán thì chính quyền mới ra quyết định xử phạt hành chính.
Dẫn ra ở đây các sự việc trên hoàn toàn không phải để bênh vực hay biện hộ cho cái sai của chủ đầu tư các công trình. Ai sai người đó chịu theo đúng quy định pháp luật, dĩ nhiên rồi. Nhưng người dân có lỗi, còn các cơ quan quản lý và cán bộ liên quan thì sao? Nếu việc xây cất trái phép đó được xử lý kiên quyết ngay từ đầu thì chắc đã không dẫn đến cơ sự như hiện nay, cơ quan chức năng gặp khó trong xử lý, còn người dân thì lâm vào hoàn cảnh dù tháo dỡ hay hoàn tất giấy tờ đều không dễ dàng.
Với công trình mà chính quyền yêu cầu tháo dỡ thì sự lãng phí nguồn lực xã hội là rất lớn. Đó là chưa kể, cùng là công trình xây dựng trái phép, liệu việc áp dụng quy định có thống nhất giữa các địa phương. Hay là nơi này "phạt cho tồn tại", còn nơi khác thì buộc tháo dỡ?
Những sự việc đó khiến tôi nhớ lại phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) vào cuối năm 2018. "Dư luận, báo chí hàng ngày nêu bao nhiêu việc sai trái. Ngay tại kỳ họp này, có đại biểu đã bức xúc nói rằng một bao cát đổ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy, mà cao ốc, biệt thự xây sai phép nhan nhản không ai thấy. Vậy cái đấy là cái gì?" - ông Sơn nói.
"Bao cát đổ trong hẻm" hay "đổi 100 USD bị phạt" là những vấn đề được ông Sơn và các đại biểu khác nêu ra và cho rằng nhỏ như vậy còn phát hiện, thế nhưng, những cao ốc, biệt thự xây trái phép lại "không ai thấy" trong thời gian dài.
Nếu bạn Google với từ khóa "Biệt thự xây dựng trái phép", hay những từ khóa tương tự sẽ có hàng triệu kết quả tìm kiếm. Kết quả này phần nào cho thấy rằng những việc như vậy xảy ra ở rất nhiều địa phương khác nhau.
Xử phạt công trình này, công trình khác lại mọc lên. Vì sao vậy? Chúng ta có bộ máy chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng được bố trí từ cấp phường, xã trở lên, nếu không xảy ra tình trạng "ngó lơ" trong công tác quản lý thì chắc chắn là một "bao cát đổ trong hẻm" cũng bị phát hiện ngay. Tôi còn nhớ, bảy năm trước, một người dân ở Quảng Nam đã bị xử phạt hành chính chỉ vì xây dựng một nhà tạm trong vườn nhà để chăn nuôi vịt.
Đã đến lúc bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với người dân thì cần có kỷ luật nghiêm khắc dành cho cán bộ và đơn vị liên quan. Ở đây chế tài mạnh sẽ giúp cảnh tỉnh những ai còn lơ là với trách nhiệm quản lý được giao, không để sự việc đi quá xa, gây bức xúc dư luận.
Tác giả: Nguyễn Đắc Thành học báo chí tại Đại học Huế; hiện anh là công tác viên của nhiều tờ báo ở Trung ương và địa phương về các đề tài bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ rừng và môi trường.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!