Tâm điểm
Hồ Quốc Tuấn

"Chi bạc tỷ đi du học, về nhận lương vài triệu đồng"?

Vô tình trong mấy ngày gần đây, tôi đọc được một bài viết trên truyền thông, bàn về câu chuyện chi bạc tỷ du học, nhưng đi học về thì nhận lương tháng chỉ vài triệu đồng. Không ngạc nhiên khi bài viết này đã thu hút nhiều bình luận rôm rả, với góc nhìn khác nhau.

Có một bình luận mà tôi đồng ý, đó là nhận định rằng thực tế người du học dù về hay ở, thì người thành đạt có rất nhiều, ví dụ vừa ra trường đã có lương hơn 100.000 USD/năm hay những tấm gương các nhà khoa học trẻ đã là giáo sư, phó giáo sư ở độ tuổi chưa 40 khi về nước. Nhưng cũng không ít bạn du học xong về nước và bắt đầu với mặt bằng lương được xem là thấp, ví dụ là 7 triệu đồng/tháng như trong bài viết nêu trên.

Vậy tóm lại là nên du học hay không? Tôi nghĩ, nó phụ thuộc rất lớn vào việc "Bạn làm gì khi đi du học?" và "Bạn đi du học để làm gì?", chứ không phải đặt câu hỏi "bạn đi du học hay không".

Câu hỏi đầu tiên khởi đầu cho chuyện làm gì khi đi du học, là chuyện chọn trường, chọn ngành. Lựa chọn trường và ngành học rất quan trọng. Hiện nay, ở Anh, một số nhà tuyển dụng chỉ nhắm vào các trường lớn và tổ chức các sự kiện riêng để tuyển dụng. Ví dụ, có những chương trình thực tập được tuyển dụng thông qua các mối quan hệ tại trường, không cần nộp hồ sơ.

Chi bạc tỷ đi du học, về nhận lương vài triệu đồng? - 1

Du học trở về nước, nhiều người bị sốc với thu nhập (Ảnh minh họa: AI).

Bản thân tôi đã từng được tuyển vào thực tập ở một quỹ đầu tư ở Úc khi đang học thạc sĩ, thông qua việc người của quỹ đầu tư đến làm giảng viên khách mời. Khi đó, ông ấy đã chọn tôi và hai người bạn nữa vào thực tập ở quỹ. Sau này tôi mới biết quỹ chọn hợp tác với những trường có uy tín, quy mô lớn và ở thành phố lớn, rồi hợp tác một vài ngày dạy thực tế, qua đó "tuyển quân" luôn. Vì vậy mà nếu bạn du học mà chọn trường không quá danh tiếng, và học ngành không thuộc loại đang được săn đón, thì bạn sẽ có nhiều thách thức hơn trong việc kiếm việc làm tốt ở lại.

Điều thứ hai, quan trọng hơn nữa, đó chính là bạn làm gì trong khi đi học. Học tập nghiêm túc, xây dựng mạng lưới quan hệ và tận dụng nguồn lực của trường để phát triển cá nhân chính là ba yếu tố quan trọng giúp bạn xây dựng nền móng của mình nhiều năm sau, bất kể bạn chọn sau khi du học về hay ở lại.

Về câu chuyện học tập nghiêm túc, tôi đồng ý rằng ở đại học, việc học không phải là tất cả, nhưng bạn cần chứng minh được khả năng học tập nghiêm túc. Việc bạn được 90 điểm với một người vừa đủ điểm bằng loại ưu (ở Anh là 70 điểm) có thể không khác nhau nhiều trong mắt nhà tuyển dụng, nhưng chắc chắn 70 sẽ khác xa 50 điểm. Đạt được kết quả học tập khá hoặc giỏi thể hiện rằng bạn có khả năng làm việc gì đó một cách nghiêm túc, không bỏ dở giữa chừng, để đạt được kết quả. Một sếp cũ của tôi nói vậy, và tôi tin rằng chị ấy nói đúng.

Ngoài việc học, việc xây dựng mạng lưới quan hệ, tham gia các hoạt động phát triển cá nhân, và tận dụng các cơ hội trong trường để xây dựng một bản thành tích cá nhân đẹp là rất quan trọng. Còn phát triển bản thân, là học hỏi thêm những gì ngoài sách vở, áp dụng kiến thức đã học được một cách linh hoạt. Ví dụ, khi đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng không chỉ hỏi về kiến thức mà còn xem xét khả năng giải quyết tình huống của bạn.

Ví dụ gần đây tôi có tham gia phỏng vấn cho một quỹ đầu tư quen biết, và một câu hỏi phỏng vấn là "tôi nghĩ giá dầu sẽ lên lại 100 đôla Mỹ/thùng, cậu sẽ đầu tư gì dựa trên dự báo đó?". Không có tài liệu giảng dạy hay cuốn sách nào cho bạn câu trả lời chuẩn xác nhất, mà nó phụ thuộc vào thị trường, thời điểm, tình huống. Những thứ đó không có sẵn trong bài giảng, mà bạn phải hiểu (chứ không phải học vẹt) các nguyên tắc về đầu tư được dạy, và hiểu rõ diễn biến thị trường hàng ngày, biết đâu là các công cụ đầu tư liên quan đến giá dầu.

Trường đại học không cầm tay chỉ việc hay nhồi nhét kiến thức cho bạn, nhưng cho bạn nguồn tiếp cận với những thông tin này qua dữ liệu thị trường, thư viện và các buổi nói chuyện của khách mời bên ngoài trường. Áp dụng kiến thức thế nào là xem ngày thường bạn đọc gì, xem gì, nói chuyện với ai, và trải nghiệm của bạn. Người phỏng vấn không đi tìm câu hỏi đúng, họ đang thử xem bạn biết gì và đã biến cái học được, nghe được thành hiểu biết chuyên môn của mình như thế nào.

Đi du học không phải chiếc đũa thần để biến bạn từ người không biết, không quan tâm nó thành người biết. Một trường đại học tốt chỉ cho bạn nguồn lực để tự học, tự trau dồi, và cơ hội tiếp cận cơ hội. Còn bạn nắm bắt được không là do bạn. Nếu đi du học mà làm "xác sống" giảng đường, thì bạn đi du học hay bạn học ở Việt Nam cũng vậy thôi. Mà nếu vậy thì tốn nhiều tiền đi du học có thể là lãng phí.

Đó là nói về đi du học. Còn phải nói thêm về câu chuyện "trở về".

Khi trở về, bạn phải chuẩn bị cho mình đối mặt với hai cú sốc. Một, là môi trường làm việc khác biệt, và cách vận hành hệ thống kinh tế xã hội khác biệt giữa Việt Nam và nước ngoài. Khi về nước, bạn cần thời gian để điều chỉnh và thích nghi. Cú sốc thứ hai là kỳ vọng về lương và mức độ cạnh tranh trong nước. Bạn phải điều chỉnh kỳ vọng về lương, vì thu nhập ở Việt Nam không như ở nước ngoài, thông thường là có mức sống đắt đỏ hơn nhiều.

Ngoài ra, nếu bạn mới tốt nghiệp đại học hoặc còn rất xa lạ với môi trường trong nước, thì bạn làm sao đảm bảo bạn hơn được một người đã nhiều năm học tập và "lăn lộn" trong môi trường ở Việt Nam từ những năm đại học. Vì vậy làm sao ai trả lương cho bạn cao hơn mấy bạn học ở trường tốt ở Việt Nam được? Là một người tốt nghiệp đại học ở Việt Nam và từng đi làm trong môi trường có người học nước ngoài về từ những năm 2003-2004, tôi nhận thấy đây là một vấn đề mà nhiều bạn học nước ngoài trở về chưa chuẩn bị đối mặt.

Quay trở lại câu hỏi "Nên đi du học hay không?", với kinh nghiệm cá nhân, tôi vẫn cho rằng đi du học vẫn sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn, nhất là với những bạn mà gia đình không có sẵn điều kiện để tiếp quản sản nghiệp hay có người mở đường thuận lợi. Nhưng muốn đi học, bạn phải chọn thời điểm phù hợp.

Về mặt này rất khó nói, và là một chủ đề nằm ngoài khuôn khổ bài viết này. Rất nhiều bạn bè, phụ huynh quen có nhờ tôi tư vấn là nên cho con đi học lúc nào? (1) từ trung học, (2) từ đại học, (3) học Việt Nam, làm một thời gian rồi đi học thạc sĩ? Mỗi một lựa chọn đều phải xuất phát từ việc người đi học thích hợp với loại hình nào, và cảm thấy mình sẵn sàng ở thời điểm nào. Nói như thầy hướng dẫn tôi ở Manchester (Anh), "tùy vào tình huống".

Vấn đề cuối cùng, là đi du học đừng bao giờ nên là gánh nặng của gia đình. Như tôi nói ở trên, đi du học không đảm bảo bạn sẽ thành công, vì còn nhiều yếu tố như học ngành nào, trường nào, đi học xong ở lại hay về, .v.v Khi bạn đưa ra các lựa chọn ban đầu lúc bạn còn rất trẻ chưa có nhiều trải nghiệm, và nếu gia đình bạn cũng thiếu trải nghiệm với chuyện du học, thì đây là một lựa chọn hên xui như bao lựa chọn khác trong đời.

Bạn sẽ có thể chọn sai, và sau đó chọn lại. Bạn phải có quyền được sai và chọn lại. Mà muốn như vậy, đừng làm lựa chọn đầu tiên trở thành gánh nặng của gia đình, khiến cho cơ hội chọn lại khó khăn hơn.

Tác giả: Ông Hồ Quốc Tuấn, tiến sĩ chuyên ngành Kế toán, hiện là Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh. Trước đó ông là Kinh tế trưởng và chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty Chứng khoán Rồng Việt từ 2008 đến 2012. Ông Tuấn cũng từng công tác ở Khối Kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng Eximbank Việt Nam và là giảng viên của Đại học Kinh Tế TPHCM.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!