Tâm điểm
Lang Minh

Băn khoăn về thuật toán quy đổi điểm xét tuyển đại học

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Thông tư 06/2025 về sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học, trang mạng xã hội của nhóm phụ huynh có con chuẩn bị dự kỳ thi sắp tới xôn xao về yêu cầu quy đổi tương đương điểm của tất cả các loại hình xét tuyển về điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo đó, toàn bộ điểm từ các phương thức thi hoàn toàn khác nhau sẽ được quy về chung một thang điểm - lấy điểm thi tốt nghiệp THPT là thang đối chiếu cuối cùng.

Băn khoăn về thuật toán quy đổi điểm xét tuyển đại học - 1

Ví dụ minh họa quy đổi điểm học bạ sang cùng một thang với điểm THPT:

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc quy đổi phải minh bạch và dễ tra cứu. Đáp ứng yêu cầu này, một số trường (như Đại học Sư phạm Hà Nội) đã bước đầu đưa ra phương án minh họa chuyển đổi bằng cách tạo một đồ thị trực tuyến, trong đó học sinh nhập điểm thi đánh giá SPT (kỳ thi đánh giá năng lực riêng của trường) thành điểm tương đương với thi tốt nghiệp THPT.

Đồng thời, hàng loạt trường đã đưa điểm quy đổi tương đương giữa kỳ thi IELTS với điểm ngoại ngữ của thi tốt nghiệp THPT (ví dụ như điểm IELTS là 8.0 sẽ tương đương với điểm 10 môn ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT).

Như vậy, về lý thuyết, các yêu cầu của Thông tư 06/2025 về quy đổi điểm của các phương thức về cùng một thang điểm với thi tốt nghiệp THPT đã được đáp ứng, học sinh hoàn toàn có thể tự động tra cứu và nhận kết quả mà không cần lo lắng về nguyên lý, công thức đằng sau.

Tuy vậy, để thực sự đánh giá một chính sách dựa vào thuật toán tự động (công thức do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra) cần dựa vào 3 tiêu chí: dữ liệu đầu vào, triển khai phép toán, hiệu lực của kết quả.

Từ phân tích của mình, tôi xin nêu một số băn khoăn sau. Trước hết, về dữ liệu đầu vào, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ để có công thức tính điểm là dữ liệu (tối thiểu) điểm tuyển sinh của hai năm trước đó. Vậy các trường có công khai toàn bộ dữ liệu đó cho công chúng tham khảo và kiểm chứng công thức không? Kể cả công khai, liệu công chúng có đủ khả năng để chuyển dữ liệu thành công thức hay không?

Việc ra quyết định tự động dựa vào dữ liệu nhưng người thụ hưởng quyết định lại không có quyền hạn để truy cập dữ liệu, và nhiều khả năng gặp khó khăn trong việc xử lý dữ liệu nếu có, là vấn đề cần làm rõ.

Thêm nữa, vì sao một kỳ thi dựa trên năng lực của học sinh hiện tại lại được quyết định bởi dữ liệu của 2 năm học trước? Nội dung học tập, xu hướng đăng ký ngành nghề, cơ cấu dân số của người thi,… thay đổi theo từng năm nhưng cơ chế tính điểm lại dựa vào quá khứ?

Tiếp đó là triển khai phép toán giữa các thành tố. Để triển khai được phép toán, các thành tố phải cùng một đơn vị đo. Tuy vậy, mỗi phương thức xét tuyển lại được thiết kế trên các đơn vị tiêu chuẩn tuyệt đối khác nhau. Chẳng hạn với môn ngoại ngữ, hệ thống bài kiểm tra IELTS thiết kế để đánh giá trình độ tiếng Anh học thuật dành cho du học sinh các trường đại học sử dụng tiếng Anh trên cả bốn kỹ năng đọc - nghe - nói - viết.  Trong khi đó môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT lại dựa trên chuẩn giáo dục phổ thông quốc gia Việt Nam, và chỉ có dạng viết. Cơ sở nào để hai điểm tương đương về trình độ với nhau?

Quy đổi sẽ dẫn đến thiệt thòi cho ai: thí sinh thi IELTS hay thí sinh thi tốt nghiệp THPT? Hai thí sinh có thật sự cùng trình độ tiếng Anh để chuẩn bị vào một chuyên ngành yêu cầu sử dụng nhiều tiếng Anh như du lịch hay thương mại quốc tế không?

Tương tự, kỳ thi đánh giá năng lực được thiết kế với các chuẩn đầu ra tương thích với các ngành đặc thù của từng trường; mà kỳ thi tốt nghiệp THPT lại để đáp ứng chương trình phổ thông toàn quốc. Phép chuyển đổi này (chuyển đổi điểm của kỳ thi đánh giá năng lực về điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT) liệu có đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh đặc thù của nhà trường và nhu cầu đánh giá năng lực thí sinh?

Ngoài ra, tôi còn những câu hỏi sau:

Học sinh có thể nhận ra năng lực của mình qua điểm số đã chuyển đổi không?

Học sinh lớp sau có thể lượng sức thi vào ngành/trường nào không khi dữ liệu đầu vào bị đổi theo từng năm?

Phụ huynh có thể theo dõi các phổ điểm để định hướng cho con, khi thực tế là rất nhiều phụ huynh bị hạn chế về công nghệ thông tin hay đọc hiểu dữ liệu lớn?

Nhìn ra thế giới, nhận thấy phép chuyển đổi giữa các kiểu xét tuyển là bất khả thi về mặt đánh giá trình độ (mục đích cao nhất của kỳ thi), các quốc gia trên thế giới sử dụng hai phương pháp cơ bản để tránh bất cập này:

- Tập trung sử dụng kết quả của 1 kỳ thi quan trọng nhất (chiếm trọng số rất lớn), các hình thức còn lại chỉ đem lại điểm cộng (trọng số nhỏ) hoặc tăng tính cạnh tranh cho hồ sơ hoặc đáp ứng ngành đặc thù như mỹ thuật (Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc);

- Tập trung 1 kỳ thi để tạo ra điểm sàn đầu vào, sau đó các trường tự quyết phương thức với những thí sinh qua được điểm sàn (Pháp);

- Xét đa tiêu chí và cho phép các trường tự quyết trọng số với từng tiêu chí (Mỹ, Việt Nam trước thông tư 06/2025).

Tựu trung, phương thức quy đổi điểm tương đương trong Thông tư 06/2025 có những hạt nhân hợp lý nhất định về quản trị và công nghệ nhưng đồng thời cũng để lại nhiều băn khoăn về mặt thiết kế thuật toán, về khả năng tiếp nhận chính sách của một bộ phận người dân.

Chỉ còn thời gian ngắn nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, lúc này phụ huynh và học sinh cần vững tâm trước kỳ thi quan trọng này, nghĩa là cũng cần được giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của mình.

Tác giả: Lang Minh (Nguyễn Minh) là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh Fcũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức...

Lang Minh ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ XXI: tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy). Về định hướng nghiên cứu, Lang Minh tập trung vào phân ngành Nhân học phê phán (Critical Anthropology), hướng tới việc phê phán các mối quan hệ bất bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!