Tâm điểm
Phan Dương Hiệu

AI: Đừng để chiều gió cuốn đi!

Tuần này Hội nghị thượng đỉnh hành động trí tuệ nhân tạo (AI) được tổ chức tại Paris, quy tụ nhiều nhà lãnh đạo thế giới và chuyên gia công nghệ hàng đầu để vạch ra lộ trình phát triển AI toàn cầu.

Hai ngày chính thức của Hội nghị diễn ra tại Grand Palais - nơi từng tổ chức triển lãm công nghệ toàn cầu năm 1900. Liệu đây sẽ là nơi định hình cho tương lai AI?

Trong khuôn khổ Hội nghị, ông Guillaume Poupard - Nguyên  Giám đốc Cơ quan An ninh hệ thống thông tin quốc gia Pháp, dẫn dắt cuộc thảo luận về "Quyền riêng tư, an ninh mạng & tính toàn vẹn thông tin: Tận dụng AI để bảo vệ các nền dân chủ".

Ông Guillaume Poupard là người đứng đầu ANSSI (Ban Cơ Yếu Pháp) 8 năm từ 2014-2022. ANSSI ở Pháp có ảnh hưởng mạnh lên các chính sách quốc gia, kiểu như Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) ở Mỹ, nhưng hoạt động "mở" hơn và có chính sách để các thành viên xuất bản nghiên cứu khoa học.

AI: Đừng để chiều gió cuốn đi! - 1

Quyền riêng tư có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong thời đại trí tuệ nhân tạo (Ảnh minh họa: DALL-E)

Hồi 2002-2003, tôi từng cùng ông Guillaume Poupard đứng lớp phụ giảng về Tin học ở trường Bách Khoa Paris, sau đó năm 2005 khi tôi bảo vệ tiến sỹ, ông là một thành viên trong hội đồng bảo vệ luận án của tôi. Qua tiếp xúc, tôi thấy ông là người có tư tưởng rất tiến bộ, và trong Hội nghị thượng đỉnh AI lần này, với tư cách là một người dẫn dắt, ông tiếp tục thể hiện tư tưởng tiến bộ và nhìn xa.

Cuộc thảo luận được dẫn dắt bởi ông Guillaume Poupard đã nêu bật tính quan trọng của quyền riêng tư (Privacy) và an ninh mạng (Cybersecurity) trong việc làm sao đưa AI hướng tới củng cố các giá trị dân chủ chứ không phải là ngược lại.  

Cũng như ông Guillaume Poupard, tôi nghĩ mấu chốt vấn đề chính là ở quyền riêng tư. Bảo vệ được quyền riêng tư, chúng ta sẽ khống chế được AI. Những suy nghĩ đó đã hình thành rõ nét trong tôi từ rất lâu. 

Không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu khắp mọi nơi, nhiều người khi nghe "quyền riêng tư" đều gần như phản ứng theo cùng một chiều gió: Ôi giời ơi, Privacy quan trọng gì, tôi có gì xấu để mà cần giữ bí mật, bảo vệ lắm ích gì, càng hạn chế thì chỉ càng để cho Trung Quốc vượt xa thôi.

Liệu bảo vệ quyền riêng tư có thực sẽ làm chúng ta chậm đi? Suy nghĩ này là có lý, nhưng nếu đặt trong một khung thời gian đủ dài thì chúng ta có thể bác bỏ lập luận đó. Điều phải thừa nhận là khi khai thác không có hạn chế, không cần an toàn, kết quả sẽ đến rất nhanh. Chúng ta khai thác tài nguyên núi rừng, biển cả bừa bãi thì bước đầu hiệu quả rất cao. Nhưng khi nhìn xa hơn, liệu cách khai thác này có hợp lý? Khai thác không an toàn, tận thu, không bảo vệ thì rồi sẽ ô nhiễm và kiệt quệ.

Muốn lâu dài cần những tiêu chuẩn an toàn và khoa học, những phương pháp tuy hiệu quả tức thời không cao, song sẽ bền vững theo thời gian.

Tiếp cận theo hướng như vậy, tôi cho rằng bảo vệ quyền riêng tư là một bước đi cần thiết nếu nhìn về lâu dài, chính sự tôn trọng quyền riêng tư sẽ tạo ra lợi thế trong cạnh tranh. Trong hàng ngàn giải pháp đã và sẽ có, giải pháp nào bảo vệ tốt quyền riêng tư sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh, đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững chứ không phải là cản trở tốc độ phát triển.

Chúng ta dùng ChatGPT, DeepSeek .v.v. thấy ấn tượng, nhưng trong các công ty có dữ liệu cần bảo mật ở mức cao thì các công cụ này sẽ bị cấm, vì nó có thể lấy đi dữ liệu quan trọng. Nếu chúng ta bình tĩnh và làm được một công cụ thật tốt, với quyền riêng tư theo thiết kế (privacy-by-design), mã nguồn mở và chứng minh việc không lưu trữ, khai thác dữ liệu cá nhân, chỉ khai thác dữ liệu ở dạng an toàn (mã hóa, do vậy không mang tính cá thể, nhưng đủ cho máy học), sản phẩm đó sẽ chiếm lĩnh thị trường.

Một số công ty, ví dụ Apple, đã có những bước đi ban đầu theo hướng này nhưng còn cần kiểm chứng thêm. Dù sao, các công cụ tốt nhất đang ở phía trước, và nếu đi đúng hướng thì chúng ta còn có nhiều hy vọng trong cuộc chơi AI lành mạnh.

Nhưng đây vẫn chưa là chuyện tối quan trọng. Hãy nhìn chuyện lớn hơn: tương lai con người.

Sớm thôi, việc nắm thế chủ động giữa con người và AI phụ thuộc vào vai trò: Ai sẽ ra quyết định tốt hơn. AI sẽ phát triển vượt bậc là điều hiển nhiên. Nhưng nếu chúng ta vẫn giữ được vị thế ra quyết định tốt hơn nó, chúng ta còn kiểm soát được nó.

Nếu cùng có một lượng thông tin như nhau, AI sẽ ra quyết định tốt hơn con người, và AI sẽ quyết định tương lai của con người. Do vậy, cơ hội duy nhất để con người nắm thế chủ động phải là: con người giữ được nhiều thông tin hơn AI.

Muốn giữ được nhiều thông tin hơn, điều tất yếu phải là: hãy giữ thông tin của từng cá thể và hãy tạo ra cơ chế cho phép thực hiện điều đó. Nếu chúng ta mất hết thông tin cho AI, bị dụ dỗ với vài lợi ích nhãn tiền mà đến cả dữ liệu gen của từng cá thể cũng đưa cho nó khai thác, chúng ta sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào AI!

Điều đó có nghĩa là: phải giữ quyền riêng tư, quyền không bị ai làm phiền, quyền không cho AI dữ liệu cá nhân.

AI khi chỉ có dữ liệu chung chung, nó có thể là công cụ giúp con người quyết định tốt hơn, là trợ lý của ta. Nhưng khi AI có toàn bộ dữ liệu của riêng ta, nó sẽ trở thành chủ của ta, vì: nó quyết định mọi thứ tốt hơn ta và ta sẽ phải phụ thuộc vào nó, dẫn tới ai không để AI quyết định thay sẽ bị tụt hậu.

Khi là chủ của ta, nó sẽ quyết định tương lai của ta theo cách tối ưu cho nó, chứ không phải tối ưu cho ta. Và tối ưu cho sự phát triển của nó? Rất có thể một bước trong thuật toán tối ưu đó của nó là phải xóa sổ loài người.

Chính bởi vậy, từ 3 năm trước, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi đã từng nói "bảo vệ quyền riêng tư để giữ tự do", khi hầu hết tất cả coi đó là chuyện không quan trọng. Và đến bây giờ, tại Hội nghị thượng đỉnh về AI nêu trên, quyền riêng tư đã được nhìn nhận là một chìa khóa cơ bản để có thể khống chế AI, và từ đó dùng nó để bảo vệ dân chủ.

Khi chúng ta chạy theo cổ vũ các công nghệ AI hiện đại mà không có cơ chế bảo vệ dữ liệu riêng tư và không hiểu đầy đủ về nguy cơ của những công cụ này, AI có thể sẽ làm thế giới trở nên độc tài hơn, bao gồm cả vấn đề "độc tài công nghệ" - chủ nhân của công nghệ có thể trở thành độc tài điều khiển thế giới.

Mong rằng tất cả chúng ta hãy tỉnh táo, trong cơn cuồng phong của AI, hãy nhìn xa hơn: Nếu chúng ta giữ được "dây cương" của sự chủ động, chúng ta sẽ điều khiển được AI. Nếu chúng ta buông cương, phó thác mọi thứ cho AI, chúng ta sẽ bị cuốn theo chiều gió, bay rất nhanh ở thời điểm ban đầu, nhưng sẽ tan vào hư vô.

Và chúng ta hãy xác định, nắm được vững cương hay không chính là ở việc có bảo vệ được quyền riêng tư hay không. Đó sẽ là điểm khác biệt giữa con người và AI, và chỉ có giữ được sự khác biệt này chúng ta mới giữ được quyền điều khiển AI!

Thời gian gần đây, châu Âu tạo cảm giác đi chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực AI, nhưng theo tôi đó có thể là những bước đi đúng hướng. Cuộc chơi AI mới chỉ bắt đầu, chậm bước ban đầu không có nghĩa sẽ tụt hậu. Chậm để suy nghĩ về tương lai và định hình con đường lâu dài không bao giờ là muộn. Với Việt Nam, chúng ta cũng nên tham gia vào việc định hình con đường lâu dài này.

Nếu chúng ta bị cuốn vào cuộc chơi được xếp đặt trước, tất cả những gì nhận được sẽ là bị cuốn theo chiều gió.

Giai đoạn hiện nay chỉ là bước khởi đầu cho sự định hình một thế giới mới, với những thay đổi mạnh mẽ sẽ diễn ra vào những năm 2030-2050. Vậy nên đừng để mình sớm bị cuốn đi. Chúng ta còn vài năm để định hình con đường và cùng thế giới bình tĩnh chọn đúng hướng.

Tác giả: Giáo sư Phan Dương Hiệu hiện công tác tại Viện Bách khoa Paris (Institut Polytechnique de Paris) và là trưởng nhóm An ninh mạng - Mật mã tại trường Viễn thông Paris (Télécom Paris). Ông nhận bằng Tiến sĩ năm 2005 và Tiến sĩ khoa học năm 2014 về Mật mã tại trường Đại học hàng đầu nước Pháp Ecole Normale Supérieure (ENS).

Năm 36 tuổi, ông là Giáo sư tại Viện nghiên cứu XLIM, ĐH Limoges, Pháp. Từ năm 2013, GS Phan Dương Hiệu là thành viên của Ủy ban điều hành hội nghị mật mã Asiacrypt. Các nghiên cứu của GS Phan Dương Hiệu tập trung vào mật mã, đặc biệt là mã hóa công khai, chữ ký số, mã hóa phát sóng, mã hóa chức năng, hệ thống mật mã phân cấp và gần đây là mật mã giúp tăng tính dân chủ.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!