DNews

FBI gây tranh cãi vì xâm nhập vào điện thoại nghi phạm ám sát ông Trump

T.Thủy

(Dân trí) - FBI đã xâm nhập thành công vào smartphone của nghi phạm ám sát ông Trump để thu thập dữ liệu. Điều này sẽ giúp khai thác thêm thông tin cho quá trình điều tra, nhưng cũng đã gây ra nhiều tranh cãi.

FBI gây tranh cãi vì xâm nhập vào điện thoại nghi phạm ám sát ông Trump

FBI bẻ khóa thành công smartphone của nghi phạm ám sát ông Donald Trump

Cục điều tra Liên bang (FBI) cho biết đã bẻ khóa và xâm nhập thành công vào smartphone của Thomas Matthew Crooks, nghi phạm nổ súng ám sát ông Trump hôm 13/7 vừa qua.

"Các chuyên gia kỹ thuật của FBI đã thành công trong việc truy cập vào điện thoại của Thomas Matthew Crooks và họ sẽ tiếp tục phân tích các thiết bị điện tử khác của tên này", đại diện FBI cho biết trong một thông cáo đưa ra.

FBI gây tranh cãi vì xâm nhập vào điện thoại nghi phạm ám sát ông Trump - 1

Các mật vụ che chắn cho ông Trump sau khi ông bị ám sát hụt (Ảnh: Reuters).

FBI không nêu rõ thương hiệu smartphone mà Crooks đã sử dụng, cũng như không chỉ ra cách thức mà các chuyên gia của FBI có thể bẻ khóa và xâm nhập thành công vào smartphone. Tuy nhiên, điều này cho thấy FBI chỉ mất 48 giờ để bẻ khóa thành công một chiếc smartphone, đây được xem là một kỳ tích ấn tượng và không dễ thực hiện.

Trước đó, hôm 13/7, Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, đã nổ súng nhằm vào ông Trump khi ông đang có buổi vận động tranh cử tại quận Butler, bang Pennsylvania.

FBI gây tranh cãi vì xâm nhập vào điện thoại nghi phạm ám sát ông Trump - 2

Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, nghi phạm ám sát ông Trump (Ảnh: Telegraph).

Phát súng của Crooks đã đưa viên đạn xuyên qua tai ông Trump, khiến ông này bị thương. Một người đàn ông đã bị thiệt mạng và 2 người bị thương nặng sau những phát đạn của Crooks.

Cảnh sát và lực lượng đặc vụ đã lập tức nổ súng tiêu diệt Crooks. Smartphone của tên này sau đó được chuyển đến trung tâm nghiên cứu của FBI tại bang Virginia để thực hiện quá trình bẻ khóa nhằm thu thập thông tin.

FBI cho biết họ vẫn chưa xác định được động cơ trong vụ nổ súng của Crooks và cuộc điều tra vẫn đang trong giai đoạn đầu. Những dữ liệu được thu thập từ bên trong smartphone của Crooks sẽ được sử dụng để phục vụ cho công tác điều tra. Ngoài ra, FBI cũng sẽ xâm nhập vào các thiết bị điện tử khác của Crooks như máy tính cá nhân, máy tính bảng… để tìm hiểu xem tên này có đồng phạm nào khác hay không.

Ngoài ra, FBI cho biết họ cũng sẽ dựa vào hàng ngàn hình ảnh, video được người dùng mạng xã hội chia sẻ vào thời điểm xảy ra vụ nổ súng để tìm kiếm các chi tiết quan trọng phục vụ cho quá trình điều tra.

Khoảnh khắc ông Trump bị bắn khi đang vận động tranh cử (Video: Twitter).

Video nghi phạm ám sát ông Trump bị mật vụ bắn hạ được chia sẻ lên mạng xã hội (Video: TMZ).

FBI bẻ khóa smartphone để lấy dữ liệu bằng cách nào?

Việc các chuyên gia công nghệ của FBI có thể bẻ khóa thành công smartphone của Crooks chỉ trong một thời gian ngắn được xem là kỳ tích, nhất là khi các hãng công nghệ đang ngày càng áp dụng nhiều cách khác nhau để bảo vệ cho dữ liệu của người dùng trên smartphone, tránh bị người khác xâm nhập và lấy cắp.

Trước đó, FBI đã từng nhiều lần yêu cầu Apple hỗ trợ mình bẻ khóa và xâm nhập vào iPhone của các nghi phạm khủng bố để phục vụ cho công tác điều tra. Tuy nhiên, phía Apple đã từ chối yêu cầu của FBI với lý do iPhone được bảo vệ rất nghiêm ngặt và ngay cả Apple cũng không thể xâm nhập và lấy dữ liệu bên trong iPhone nếu không có mật khẩu mở khóa thiết bị.

Sau khi bị Apple từ chối hỗ trợ mở khóa iPhone của các nghi phạm khủng bố, FBI đã tự phát triển những công cụ để tự mình có thể mở khóa và xâm nhập vào tất cả các smartphone, không chỉ iPhone mà cả smartphone chạy Android, để có thể thu thập dữ liệu bên trong.

FBI gây tranh cãi vì xâm nhập vào điện thoại nghi phạm ám sát ông Trump - 3

Cellebrite, thiết bị giúp cảnh sát Mỹ có thể xâm nhập vào nhiều loại smartphone khác nhau (Ảnh: Apple Insider).

Theo Cooper Quintin, một nhà nghiên cứu bảo mật và chuyên gia công nghệ cao cấp của Electronic Frontier Foundation, các cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ có một số công cụ để trích xuất dữ liệu từ smartphone mà không cần mở khóa thiết bị.

"Hầu như mọi sở cảnh sát trên toàn nước Mỹ đều có một thiết bị mang tên gọi Cellebrite. Đây là thiết bị được chế tạo để trích xuất dữ liệu từ điện thoại và cũng có khả năng mở khóa thiết bị không cần mật khẩu", Cooper Quintin cho biết.

Cellebrite là một hãng công nghệ có trụ sở tại Israel, là một trong những đối tác cung cấp các công cụ hack, bẻ khóa và xâm nhập vào smartphone cho các cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ. Tuy nhiên, FBI được cho là đã tự phát triển những công cụ bẻ khóa smartphone của riêng mình.

Trước đó, FBI đã từng phải mất nhiều tháng để có thể xâm nhập vào iPhone của những nghi phạm khủng bố nhằm thu thập các thông tin bên trong thiết bị. Tuy nhiên, với trường hợp của Crooks, FBI chỉ mất 2 ngày để làm điều tương tự, cho thấy công cụ bẻ khóa smartphone của FBI đã được nâng cấp và hoạt động hiệu quả hơn đáng kể.

Chưa rõ FBI đã sử dụng Cellebrite hay một công cụ nào khác của riêng mình để bẻ khóa chiếc smartphone của Crooks một cách nhanh chóng như vậy.

Những tranh cãi về công cụ bẻ khóa smartphone của FBI

Apple và Google đã nhiều lần từ chối yêu cầu của FBI trong việc hỗ trợ bẻ khóa smartphone của các nghi phạm khủng bố, xả súng… Các hãng công nghệ đưa ra lý do ngay chính bản thân họ cũng không thể bẻ khóa các nền tảng do chính mình phát triển, do những nền tảng này được xây dựng để bảo vệ tối đa dữ liệu và sự riêng tư của người dùng.

Không chỉ từ chối yêu cầu hỗ trợ của FBI, Apple và Google thậm chí còn tăng cường các tính năng bảo mật trên nền tảng iOS và Android, khiến các nỗ lực xâm nhập và lấy cắp dữ liệu bên trong smartphone trở nên khó khăn hơn.

Dù vậy, FBI vẫn có thể qua mặt các giải pháp bảo mật của Apple và Google để bẻ khóa, xâm nhập thành công vào smartphone của các nghi phạm để thu thập dữ liệu. Động thái của FBI đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng người dùng, về việc FBI có đang xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của người dân Mỹ hay không?

"Họ có thể mở khóa thiết bị của các nghi phạm khủng bố, nghĩa là họ cũng có thể xâm nhập vào điện thoại của bạn hay của tôi bất cứ lúc nào. Tôi tự hỏi rằng liệu xã hội này có cái gọi là sự riêng tư hay không?", một người dùng mạng xã hội X, trước đây là Twitter, bình luận.

FBI gây tranh cãi vì xâm nhập vào điện thoại nghi phạm ám sát ông Trump - 4

Nhiều người Mỹ lo ngại rằng FBI có thể lạm quyền và xâm nhập vào smartphone của họ để lấy cắp dữ liệu trái phép (Ảnh minh họa: Getty).

Nhiều người lo ngại rằng FBI có thể lạm dụng quyền hạn của mình để xâm nhập vào smartphone của những người dân thông thường, một hành động xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của họ.

Tuy nhiên, nhiều người dùng cũng đã lên tiếng ủng hộ FBI khi cho rằng cơ quan này chỉ đang tìm cách để bảo vệ sự an toàn cho người dân và ngăn chặn hành động của những kẻ khủng bố.

"FBI chỉ đang tìm cách bảo vệ chúng ta khỏi những kẻ nguy hiểm. Nếu bạn không làm gì sai trái, tại sao bạn lại lo sợ rằng một ngày nào đó FBI sẽ xâm nhập vào smartphone của bạn?", một người dùng X khác bình luận.