DMagazine

Facebook loay hoay tìm đường sống

(Dân trí) - Facebook đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như những bất ổn của nền kinh tế, sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ TikTok và định hướng phát triển metaverse đầy mông lung.

Chuỗi tăng trưởng doanh thu liên tục kéo dài một thập kỷ của Facebook đã kết thúc. Trong khi đó, nền tảng này đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như những bất ổn của nền kinh tế, sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ TikTok và định hướng phát triển metaverse đầy mông lung.

Facebook loay hoay tìm đường sống - 1

Trong quý đầu tiên của năm 2022, lợi nhuận của Meta đạt 7,5 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng 7% lên mức 27,9 tỷ USD. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khi công ty niêm yết cổ phiếu cách đây một thập kỷ.

Facebook loay hoay tìm đường sống - 3

Vào quý II/2022, các báo cáo chỉ ra rằng doanh thu của Facebook đã lần đầu tiên sụt giảm với mức giảm 1%, xuống 28,8 tỷ USD. Lợi nhuận tổng thể của công ty mẹ Meta cũng giảm 36%, xuống còn 6,7 tỷ USD.

Đến quý III/2022, doanh thu của công ty tiếp tục giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt mức 27,7 tỷ USD. Đồng thời, David Wehner - Giám đốc tài chính của Meta, cho biết rằng giá trung bình cho mỗi quảng cáo trên các nền tảng của Meta đã giảm 18% trong quý.

Theo The Verge, hoạt động kinh doanh của Meta đang gặp rất nhiều khó khăn. Vào tháng 4/2021, Apple đã giới thiệu tính năng App Tracking Transparency, buộc các nhà phát triển ứng dụng phải xin phép người dùng trước khi có thể theo dõi họ trên các ứng dụng và trang web khác. 

Tính năng này đã khiến Facebook và các nhà quảng cáo gặp khó khăn trong việc hiển thị thông tin đến đối tượng mục tiêu. Trong khi đó, phần lớn giá trị của Facebook đối với các nhà quảng cáo là khả năng nhắm mục tiêu và theo dõi người dùng trên nhiều trang web của bên thứ ba.

Điều này đã khiến cho Meta mất hơn 10 tỷ USD doanh thu quảng cáo chỉ trong năm 2021. Bên cạnh đó, những biến động của nền kinh tế cũng khiến cho các nhà quảng cáo hạn chế chi tiêu.

"Người dùng bắt đầu cảm thấy chán Facebook. Họ đang tìm đến những nền tảng khác hoặc ít tương tác hơn trên Facebook. Khi tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều, các nhà quảng cáo sẽ bắt đầu chú ý đến nó", Debra Aho Williamson, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Insider Intelligence, cho biết.

Việc sụt giảm doanh thu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nội bộ của công ty. Vào tháng 7, Mark Zuckerberg - Giám đốc điều hành của Meta nói rằng công ty sẽ "giảm dần tốc độ tăng trưởng số lượng nhân viên" và "nhiều nhóm sẽ thu hẹp lại để có thêm nguồn lực cho các lĩnh vực ưu tiên khác".

Facebook loay hoay tìm đường sống - 5

Đến cuối tháng 9, Zuckerberg đã công bố kế hoạch tổ chức lại bộ máy và cắt giảm lượng lớn nhân sự trong nội bộ công ty. Trang SCMP nhận định động thái này là dấu hiệu cho thấy sự kết thúc kỷ nguyên phát triển nhanh chóng của Meta.

Đây là lần đầu tiên Meta cắt giảm lượng lớn ngân sách, kể từ khi Facebook thành lập vào năm 2004. Zuckerberg cũng cho biết quy mô của Meta sẽ nhỏ hơn vào năm 2023. 

"Tôi hy vọng nền kinh tế sẽ ổn định hơn vào lúc này. Tuy nhiên, từ những gì mà chúng tôi nhận thấy, có vẻ như điều đó chưa thể xảy ra. Vì vậy, chúng tôi muốn lập kế hoạch một cách thận trọng", Zuckerberg nói.

Tính đến hiện tại, cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 60% trong năm nay. Động thái cắt giảm chi phí và đóng băng tuyển dụng cho thấy sự tăng trưởng về doanh thu quảng cáo của Meta đang chậm lại, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Facebook loay hoay tìm đường sống - 7

Trong phần lớn lịch sử của Facebook, các giám đốc cấp cao tại công ty đã thực hiện chiến thuật bắt chước thành công của người khác. Và điều tương tự cũng đang diễn ra. Theo đó, công ty đã chỉnh sửa để thay đổi cách người dùng tương tác với ứng dụng Facebook, khiến nó trở nên giống với một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ.

Facebook loay hoay tìm đường sống - 9

Cụ thể, khi mở ứng dụng Facebook, trang chủ sẽ hiển thị nhiều hơn các bài đăng từ những người và trang chưa được kết nối với người dùng. Những nội dung này sẽ gắn nhãn "được đề xuất cho bạn".

Danh mục này được thúc đẩy bởi những gì thuật toán của Facebook cho rằng người dùng có thể sẽ muốn xem. Công nghệ trí tuệ nhân tạo của Facebook sẽ phân tích dựa trên rất nhiều thông tin cá nhân và lịch sử duyệt web của người dùng.

Trang Nytimes nhận định rằng ứng dụng Facebook đang có cách hoạt động giống như TikTok. Sự thay đổi này là một phần trong nỗ lực của Meta nhằm thúc đẩy người dùng sử dụng các ứng dụng xã hội của công ty, bao gồm cả Instagram.

Trong những tháng gần đây, Mark Zuckerberg đã quảng bá các sản phẩm video của công ty trên Instagram và Facebook. Zuckerberg cho biết việc công ty chèn nhiều nội dung được đề xuất đã khiến người dùng sử dụng ứng dụng thường xuyên hơn.

Với việc tập trung vào các nội dung khám phá, TikTok đã trở thành một hiện tượng trên toàn cầu. Được thành lập cách đây chưa đầy một thập kỷ, TikTok đã có thêm hàng trăm triệu người dùng chỉ trong vài năm. Theo một số ước tính, giới trẻ dành hơn 90 phút mỗi ngày để xem TikTok, vượt qua cả YouTube về thời gian người dùng dành cho ứng dụng này.

Điều này đã gây áp lực rất lớn lên các ứng dụng mạng xã hội của Meta. Các giám đốc cấp cao của Meta đang ngày càng lo ngại về tỷ lệ người dùng trẻ tuổi chuyển sang TikTok và các ứng dụng truyền thông xã hội khác. Zuckerberg nói rằng công ty đang đối mặt với "mức độ cạnh tranh chưa từng có" từ đối thủ TikTok.

Facebook loay hoay tìm đường sống - 11

Trong một cuộc phỏng vấn vào giữa tháng 10, Mark Zuckerberg thừa nhận ông đã "bỏ lỡ" một cách mới mà người dùng tương tác với nội dung trên các dịch vụ mạng xã hội. Vị CEO giải thích rằng người dùng đang ngày càng muốn sử dụng "feeds" (nguồn cấp dữ liệu) của họ để khám phá những nội dung hấp dẫn, thay vì cập nhật các bài đăng được chia sẻ bởi bạn bè.

"Mọi người vẫn tương tác với những nội dung mà bạn bè của họ chia sẻ trong nguồn cấp dữ liệu, nhưng xu hướng chung của mạng xã hội đã chuyển dần sang việc khám phá nội dung mới. Bạn sẽ tìm thấy những điều thú vị, sau đó gửi cho bạn bè của mình trong tin nhắn và tương tác với họ ở đó", ông chủ của Facebook nhận định.

Bất chấp những nỗ lực "học hỏi" đối thủ từ phía Meta, nhiều chuyên gia lại cho biết không gì có thể đảm bảo rằng chiến lược này sẽ luôn thành công. Trao đổi với Business Insider, một chuyên gia nhận định rằng Meta đang phải đối mặt với "khủng hoảng tuổi trung niên". 

Hiện nay, Facebook vẫn là trang mạng xã hội lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây đã chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng người dùng của nền tảng này đang chậm lại. Vị trí của công ty đang bị đe dọa bởi TikTok và nhiều ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến khác dành cho giới trẻ.

Trước đây, khi Zuckerberg và các đồng nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh, họ đã áp dụng nguyên tắc "Nếu bạn không thể đánh bại họ, hãy tham gia cùng họ". Chính vì thế, công ty thường xuyên sao chép các tính năng phổ biến của đối thủ.

"Với bất cứ đối thủ cạnh tranh nào, Meta chỉ cần sao chép các tính năng và cuối cùng đẩy họ vào quên lãng", Dan Ives, một nhà phân tích tại Wedbush, cho biết.

Facebook loay hoay tìm đường sống - 13

Trên thực tế, TikTok không phải là ứng dụng truyền thông xã hội duy nhất mà Instagram "học hỏi". Cách đây không lâu, nền tảng này cũng giới thiệu tính năng camera kép, giống như một bản sao của ứng dụng truyền thông xã hội BeReal. Ngoài ra, Meta còn đang thử nghiệm một ứng dụng độc lập có tên Super, được lấy cảm ứng từ Twitch - nền tảng phát trực tiếp do Amazon sở hữu.

"Ngay cả khi Meta có thể thành công sao chép TikTok, không có gì đảm bảo rằng công ty sẽ thắng thế so với các đối thủ", Laura Needham, một nhà phân tích tại Needham, nhận định.

Facebook loay hoay tìm đường sống - 15

Cuối tháng 10/2021, Mark Zuckerberg đã thực hiện một thay đổi quan trọng khi đổi tên công ty từ Facebook thành Meta. Động thái này thể hiện tham vọng và định hướng phát triển mới về metaverse - nơi hàng triệu người dùng sẽ làm việc, giao lưu và chơi các trò chơi trong thế giới ảo.

Từ đó, Meta đã chi hàng tỷ USD và phân công hàng nghìn nhân viên nhằm hiện thực hóa ý tưởng này. Tuy nhiên, những thay đổi trên lại diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng người dùng bị đình trệ và doanh số bán quảng cáo sụt giảm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển trong dài hạn của công ty.

Facebook loay hoay tìm đường sống - 17

Theo Business Insider, từ cuối năm ngoái đến nay, Meta đã chi hơn 15 tỷ USD cho Reality Labs - bộ phận chịu trách nhiệm phát triển metaverse. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa công bố thông tin chính xác những khoản tiền được chi. Thông tin này khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại rằng những khoản tiền trên đang không được sử dụng đúng mục đích.

"Vấn đề là số tiền được chi ra chưa có sự minh bạch. Điều đó là một thảm họa với các nhà đầu tư", Dan Ives, một nhà phân tích công nghệ tại Wedbush Securities, nhận định. 

Ives cho biết thêm rằng metaverse là một vụ đánh cược mạo hiểm của Mark Zuckerberg. Hiện tại, công ty đang đặt cược tiền vào tương lai trong khi họ vẫn gặp phải những khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.

Mark Zgutowicz - một nhà phân tích tại Benchmark, ước tính rằng ít nhất 60% thiệt hại từ Reality Labs là do chi phí nghiên cứu và phát triển khổng lồ dành cho việc xây dựng một thế giới hoàn toàn mới. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Meta có lý do chính đáng để tự xây dựng mọi thứ.

"Thật khó để họ có thể ra ngoài và mua lại các công ty phần mềm độc đáo khác, bởi họ bị ràng buộc với hàng loạt gánh nặng pháp lý. Điều đó khiến họ phải tự xây dựng một cái gì đó. Minh bạch là điều cần thiết, dù là khi nào và bằng cách nào", Zgutowicz nói.

Theo nhà phân tích Leo Gebbie của CCS Insight, Meta hiện đang dẫn đầu trong không gian metaverse non trẻ. Dựa trên một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Gebbie, Meta là công ty mà hầu hết mọi người đều liên tưởng đến khi nói về metaverse. Điều đó cho thấy tầm quan trọng không thể phủ nhận của công ty trong lĩnh vực này.

Facebook loay hoay tìm đường sống - 19

Tuy nhiên, metaverse sẽ còn nhiều năm nữa mới trở thành xu hướng và có khả năng tạo ra lợi nhuận cho công ty. Trong thời gian đó, Meta vẫn phải đối mặt và giải quyết hàng loạt thách thức ở thế giới thực.

Theo The Verge, câu hỏi lớn nhất được đặt ra đối với metaverse là khi nào nó sẽ có tác động tích cực hơn đến hoạt động kinh doanh của Facebook và không phải là một khoản chi lớn như hiện nay. Tuy nhiên, Zuckerberg đã nói rằng đó sẽ là một chặng đường dài. 

"Sự phát triển của Reality Labs sẽ lâu hơn rất nhiều so với các phần mềm truyền thống mà chúng tôi từng xây dựng. Dù vậy, nó đang đặt nền móng cho những gì mà chúng tôi mong đợi sẽ là một năm 2030 đầy thú vị", Zuckerberg nói.

Facebook loay hoay tìm đường sống - 21

Trang Business Insider nhận định rằng nỗ lực đầu tư vào metaverse của Mark Zuckerberg là một vụ đánh cược đầy rủi ro. Thậm chí, định hướng tập trung phát triển metaverse của Zuckerberg cũng vấp phải sự hoài nghi của không ít nhân viên Meta. 

Facebook loay hoay tìm đường sống - 23

Trong một cuộc thăm dò hồi tháng 5 với 1.000 nhân viên Meta được thực hiện bởi Blind - mạng xã hội nghề nghiệp ẩn danh, chỉ 58% nói rằng họ hiểu chiến lược metaverse của công ty. 

Các nhân viên cũng phàn nàn về doanh thu và sự xáo trộn nhân viên thường xuyên khi các ưu tiên của Zuckerberg thay đổi. Bên trong Meta, một số công nhân hiện còn gọi các dự án metaverse là M.M.H, một từ viết tắt của "Make Mark Happy" (tạm dịch: làm cho Mark vui vẻ).

Theo The Verge, mạng xã hội VR Horizon Worlds - metaverse của Meta, cũng đang gặp rất nhiều vấn đề về chất lượng. Thậm chí, ngay cả đội ngũ phát triển cũng không sử dụng nó nhiều. Trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên, Vishal Shah - Phó chủ tịch phụ trách metaverse của Meta, cho biết nhóm sẽ cần phải tiếp tục tập trung vào chất lượng trong thời gian tới, nhằm khắc phục các vấn đề về hiệu suất trước khi mở cửa cho nhiều người dùng sử dụng hơn. 

Vị phó chủ tịch cũng tiết lộ rằng một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của Horizon Worlds cho đến nay là những người xây dựng nền tảng này bên trong Meta dường như không sử dụng nó nhiều.

"Đối với nhiều người trong số chúng ta, chúng ta đã không dành nhiều thời gian cho Horizon Worlds. Tại sao vậy? Tại sao chúng ta không yêu sản phẩm mà chúng ta đã dày công chế tạo? Nếu chúng ta không yêu thích nó, làm sao có thể mong đợi người dùng của chúng ta yêu thích nó?", Shah viết cho các nhân viên.

Chưa dừng lại ở đó, vị phó chủ tịch còn cho biết một kế hoạch đang được thực hiện để "yêu cầu các nhà quản lý phải chịu trách nhiệm" về việc nhóm của họ sử dụng Horizon Worlds ít nhất một lần một tuần.

Bất chấp hàng loạt nỗ lực từ Zuckerberg và ban điều hành công ty, nguồn tin từ Wall Street Journal tiết lộ Horizon Worlds - vũ trụ ảo của Meta, lại cho thấy sự yếu kém trong khả năng thu hút người dùng. Ban đầu, Meta đặt mục tiêu đạt 500.000 người dùng hoạt động hàng tháng trong Horizon Worlds vào cuối năm. Tuy nhiên, các báo cáo chỉ ra rằng con số này đến nay chưa đạt được 200.000 người dùng.

Facebook loay hoay tìm đường sống - 25

Chưa dừng lại ở đó, một số tài liệu còn cho biết hầu hết người dùng đã không quay trở lại sử dụng ứng dụng này sau tháng đầu tiên. Số lượng người dùng cũng liên tục giảm dần từ đầu năm đến nay.

Khi mối quan tâm của Zuckerberg đối với lĩnh vực này ngày càng gia tăng, các nhà đầu tư của Meta lại càng không thoải mái với mức chi tiêu đó, nhất là khi khoản tiền này còn phải chi trong nhiều năm nữa. 

Gần đây nhất, trong bức thư ngỏ gửi cho Meta và CEO Mark Zuckerberg, Brad Gerstner - Chủ tịch kiêm CEO của quỹ đầu tư Altimeter Capital, nói rằng Meta đang có quá nhiều nhân viên và phát triển quá chậm.

Quỹ đầu tư này đã đề xuất một kế hoạch để công ty có thể phát triển nhanh hơn, bao gồm việc cắt giảm 20% chi phí nhân viên và hạn chế các khoản đầu tư đắt đỏ của công ty vào metaverse - giới hạn không quá 5 tỷ USD mỗi năm.

"Meta cần tái tạo niềm tin với các nhà đầu tư, nhân viên và cộng đồng công nghệ để thu hút, truyền cảm hứng và giữ chân những người giỏi nhất trên thế giới. Tóm lại, Meta cần phải tập trung hơn vào trọng tâm phát triển", Gerstner viết trong thư. 

Theo CNBC, bức thư là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà đầu tư của Meta đang bắt đầu bày tỏ sự dè dặt về kết quả hoạt động gần đây của công ty. 

"Nhiều người dùng thậm chí vẫn còn bối rối bởi không hiểu metaverse có nghĩa là gì. Nếu công ty chỉ đầu tư 1-2 tỷ USD vào dự án này, sự nhầm lẫn đó có thể sẽ không phải là vấn đề. Khoản đầu tư ước tính hơn 100 tỷ USD vào một tương lai không xác định là siêu lớn và đáng sợ, ngay cả theo tiêu chuẩn của Thung lũng Silicon", Gerstner viết.

Nội dung: Thế Anh

Thiết kế: Tuấn Huy