DMagazine

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước

(Dân trí) - "Chúng tôi đã thay đổi về tư duy lãnh đạo tập đoàn, VNPT sẽ phải làm mọi thứ rất nhanh. Nếu chúng tôi không làm nhanh sẽ không kịp và sẽ đánh mất đi cơ hội của mình", ông Tô Dũng Thái nói.

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 1

Ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT đánh giá Nghị quyết 57 đóng vai trò như bản đồ chiến lược mang tính thời đại, không chỉ xác định mục tiêu mà còn vạch rõ các giải pháp cụ thể, tạo động lực thúc đẩy tốc độ bứt phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ông cho rằng việc thực hiện các nội dung trong Nghị quyết 57 không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp trụ cột của đất nước khẳng định vị thế, trở thành những trụ cột chính trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam tiến lên tầm cao mới trên bản đồ công nghệ thế giới.

Nghị quyết 57 được các nhà quản lý và nhà khoa học đánh giá sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn đang tồn tại ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ những điểm nghẽn chính mà doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay?

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 3

- Trong vài năm gần đây, các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều nỗ lực điều chỉnh, sửa đổi các quy định quản lý khoa học công nghệ (KHCN), quy định về quản lý về đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và tháo gỡ một phần các khó khăn của doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, nhiều điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vẫn đang tồn tại. Đây là thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhà nước.

Thứ nhất: Thể chế và chính sách chưa đồng bộ, đặc biệt trong sở hữu trí tuệ, đầu tư sử dụng/bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, mua sắm công đối với bí quyết, bản quyền công nghệ… đang hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực và triển khai các dự án đổi mới sáng tạo, thử nghiệm công nghệ mới, tham gia triển khai các dự án chuyển đổi số quốc gia của doanh nghiệp.

Thứ hai: Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực mới và chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ bán dẫn, trong khi cơ chế thu hút nhân tài chưa thực sự hiệu quả.

Thứ ba: Chi phí đầu tư cho phát triển KHCN rất lớn, bao gồm chi phí nguồn nhân lực chuyên gia, nghiên cứu viên, đầu tư và vận hành các hạ tầng phòng nghiên cứu công nghệ cao, trung tâm dữ liệu và các nền tảng số… trong khi doanh thu trực tiếp, ngắn hạn từ KHCN là giới hạn đối với phần lớn doanh nghiệp/tổ chức công nghệ.

Khi nói đến đầu tư phát triển KHCN, điểm nghẽn đầu tiên chính là: "tiền đâu?". Dù VNPT có cả nghìn tỷ quỹ analysis (nghiên cứu), nhưng để sử dụng đúng theo quy định luật pháp hiện nay là chuyện không đơn giản. Không chỉ VNPT mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng như vậy.

Dù Nghị quyết nói rõ dùng quỹ để làm và cho phép chấp nhận rủi ro; nhưng là một doanh nghiệp nhà nước tiêu tiền của Nhà nước, chúng tôi phải có trách nhiệm trong việc tiêu những đồng tiền này.

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 5

Nhưng, trong nghiên cứu khoa học, trong kinh doanh không phải chúng ta kinh doanh 100 lần đều thành công hoàn toàn, có khi thất bại đến 99 lần vì đây là những thứ khó, thứ mới.

Chúng ta đã biết các startup (khởi nghiệp) chỉ có 5% thành công, vậy trước khi có Nghị quyết 57, yêu cầu của quỹ nghiên cứu là chúng ta sử dụng phải đạt được kết quả; nếu không thành công và chịu trách nhiệm chính trị, sẽ không ai dám làm.

Đây chính là điểm tháo gỡ đầu tiên của nghị quyết. 

Với quỹ analysis, chúng ta có thể thuê những nhân lực chất lượng cao, điều này trước đây rất khó; vì mức lương theo quy định của nhà nước chúng ta sẽ không giải quyết được.

Lương thấp sẽ không ai làm. Nghị quyết 57 đã giúp loại bỏ những cơ chế về nguồn nhân lực để có thể thu hút lực lượng lao động chất lượng cao. 

Tháo gỡ thứ ba là chấp nhận những rủi ro. Nghị quyết sẽ mang lại sinh khí rất mới đối với ngành khoa học công nghệ, với chuyển đổi số - vốn rất mới mẻ với đất nước mình và với cả thế giới. 

Nhiều vấn đề ở Việt Nam như chuyển đổi số mà nước ngoài không thể làm thay được. Vì dữ liệu là của Việt Nam, những giá trị lịch sử, văn hóa, địa lý, ngôn ngữ lớn cho AI phải là người Việt Nam làm ra và sử dụng. Theo thời gian sẽ dần dần phát triển và lớn mạnh. Đây là điều tuyệt vời của Nghị quyết.

Thực tế ở VNPT, chúng tôi có một trung tâm nghiên cứu, nhưng chủ yếu là làm về các đề tài và chỉ thanh toán được với những đề tài có kết quả tốt. 

Chúng tôi phải chịu trách nhiệm với số tiền mình bỏ ra, do đó VNPT không dám "bung" tới các phòng labs hay các trường đại học để nghiên cứu vì chưa đủ độ tin cậy. Chúng tôi chỉ dám làm về các lĩnh vực cho mình, do nhân lực của VNPT đảm nhiệm.

Tại VNPT, chúng tôi vừa nghiên cứu, đồng thời đưa vào sản xuất xem có hiệu quả không, nếu không sẽ rút ngay. Những điều này chúng tôi chỉ có thể làm nhỏ, không làm được những thứ lớn.

Nghị quyết 57 sẽ giúp VNPT có một lộ trình dài hơi để đạt được kết quả lớn hơn nhiều.

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 7

Một điểm tuyệt vời nữa mà Nghị quyết 57 chính là cơ chế đặt hàng từ Nhà nước.

Bình thường chúng ta phải đấu thầu. Việc đấu thầu sẽ có 2 mặt: Một là theo quy định của pháp luật, nghĩa là phải đáp ứng được các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và thứ hai: giá phải thấp.

Vậy những thứ mới như chuyển đổi số, AI chúng ta không thể biết được giá là bao nhiêu, do chưa có tiền lệ, chưa có giá sàn, không có tham chiếu. Đây là thứ cực kỳ khó với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. 

Vậy bây giờ Nhà nước đặt hàng, trách nhiệm của những doanh nghiệp khoa học công nghệ tiên phong là chúng tôi có tiền, có nhiệm vụ để làm và làm được những thứ to lớn đóng góp cho đất nước. Qua đó, doanh nghiệp lớn mạnh lên.

Chúng ta cứ nghĩ trong đầu vấn đề này làm được nhưng không có yêu cầu nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng chúng tôi đâu dám làm một thứ mà không biết sau này ứng dụng như thế nào. 

Chính vì thế, điều này đã được Nghị quyết 57 giải mã, không chỉ riêng VNPT mà nhiều doanh nghiệp Nhà nước, kể cả doanh nghiệp tư nhân cũng có thể làm; thậm chí nhiều doanh nghiệp cùng nhau làm.

Ví dụ cơn bão Yagi trong năm ngoái, hậu bão rất kinh khủng đã gây lũ lụt và để lại hậu quả nặng nề. Chúng ta cùng nhau đặt một bài toán về dự báo sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc, thậm chí sau này là khu vực Tây Nguyên… 

Nếu dự báo thành công khi áp dụng vào thực tế, rõ ràng kết quả từ những đề tài kiểu như này sẽ cực kỳ tích cực và mang lại vô cùng nhiều lợi ích. 

Xin ông cho biết việc hiện thực hóa Nghị quyết số 57 tại các doanh nghiệp nhà nước như VNPT sẽ có thuận lợi gì và thách thức gì? 

- Việc hiện thực hóa Nghị quyết số 57 tại VNPT có nhiều thuận lợi nhưng cũng đi kèm không ít thách thức.

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 9

Về thuận lợi: Với vai trò doanh nghiệp nhà nước, VNPT có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách và định hướng chiến lược rõ ràng, cùng với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và nội lực của Tập đoàn hàng đầu quốc gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và cơ sở hạ tầng vững chắc.

Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu như mạng 5G, trung tâm dữ liệu, các nền tảng công nghệ số để đồng hành cùng Chính phủ thực hiện chuyển đổi số.

Về thách thức: Đầu tiên là nhận thức của cả xã hội về câu chuyện chuyển đổi số, bằng chứng là Việt Nam đã nói câu chuyện chuyển đổi số cách đây 5-7 năm, nhưng kết quả đạt được dù tích cực nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng.

Ví dụ Đề án 06 đã làm rất tốt, nhưng trải nghiệm của từng người dân vẫn chưa mang lại lợi ích nhiều do nhiều dịch vụ công chưa hoàn chỉnh, vẫn chỉ có từng công đoạn một. Vì vậy Nghị quyết 57 sẽ yêu cầu đưa vào cấp ủy phải có một số cán bộ khoa học. 

Rõ ràng, cần phải thay đổi nhận thức từ tất cả các cấp đến tận người dân, người dân phải có tổ chuyển đổi số cộng đồng. Nhiều tỉnh ủy, thậm chí các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được việc này.

Đặc biệt, bước đầu tiên chúng ta phải có trung tâm dữ liệu và dữ liệu phải chính xác, khi đó trí tuệ nhân tạo mới hoạt động hiệu quả, nếu không sẽ dẫn đến thông tin sai lệch. 

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 11

Chúng ta phải thông về mặt tư tưởng, tư duy rồi mới triển khai. Những bước đầu tiên bao giờ cũng khó khăn nhất, kinh nghiệm VNPT cho thấy khi triển khai ở các tỉnh, tỉnh nào người đứng đầu mà hiểu vấn đề chuyển đổi số sẽ làm rất nhanh và rất hiệu quả.

Có thể thấy, người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm là người ký Nghị quyết này và nó sẽ được thực hiện đến tận các đảng viên.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý hiện tại vẫn cần được cải thiện để phù hợp hơn với tốc độ thay đổi nhanh chóng của thị trường. Chúng tôi cũng đối mặt với thách thức trong việc thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, an toàn thông tin.

VNPT cũng phải cân đối nguồn lực để đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, một lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn, rủi ro cao và thời gian dài để mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, quy trình thủ tục quản lý, nội dung hỗ trợ của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn phức tạp và hạn chế.

VNPT sẽ triển khai Nghị quyết 57 như thế nào, nhiệm vụ nào sẽ được VNPT ưu tiên, thưa ông?

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 12

- Chưa bao giờ có Nghị quyết về lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số mạnh mẽ và chi tiết như thế này, tạo ra một luồng sinh khí rất mới trong toàn dân, toàn quốc.

Bên cạnh đó, Nghị quyết chi tiết giúp các doanh nghiệp dễ triển khai và dễ thực hiện, với những mục tiêu, thời gian và nhiệm vụ cụ thể. 

Không chờ văn bản hướng dẫn, VNPT đã lập tức thực hiện theo Nghị quyết. Trước hết, Đảng ủy Tập đoàn VNPT trong tháng 2 sẽ ra một Nghị quyết để triển khai Nghị quyết 57, vì nó rất sát sườn với các doanh nghiệp, khoa học công nghệ; chuyển đổi số như VNPT. 

Nghị quyết tháng 1 của VNPT có một nhiệm vụ, trong tháng 2 văn phòng Đảng ủy của trung tâm nghiên cứu, Ban chiến lược sản phẩm, Ban công nghệ phải ra được Nghị quyết để thực hiện Nghị quyết 57 xác thực nhất với hiện trạng của VNPT, trên cơ sở đó để lãnh đạo Hội đồng thành viên và ban Tổng giám đốc triển khai.

Cái hay của Nghị quyết 57 là từ Trung ương đến Đảng bộ Tập đoàn (tương đương Đảng bộ Cấp huyện), Nghị quyết vô cùng chi tiết và chúng tôi không cần hướng dẫn, chúng tôi đã nắm được tinh thần, hồn cốt và những chỉ tiêu cụ thể để đưa ra Nghị quyết của chúng tôi. 

Mặt khác, VNPT nhận nhiệm vụ với đất nước là phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), những sản phẩm AI đầu tiên của chúng tôi đang rất hiệu quả, phục vụ cho chính tập đoàn VNPT và khách hàng: có những sản phẩm top 10 thế giới như công nghệ AI nhận diện khuôn mặt. 

Nhưng cũng cần lưu ý rằng, Nghị quyết 57 mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển đất nước, nhưng cũng có không ít thách thức; nếu chúng ta không biết cách giải quyết, sẽ bị chìm đắm, loay hoay trong đó không thoát ra được.

Nó giống việc chúng ta đã có con đường và bây giờ chúng ta chỉ cần chuẩn bị loại xe như thế nào, tốc độ bao nhiêu, bao lâu thì tới; thực hiện từng việc một. 

Với doanh nghiệp, chúng tôi sẽ chia nhỏ ra để đi từng bước một thật vững chắc; dù Nghị quyết 57 cho phép doanh nghiệp chấp nhận rủi ro, nhưng với một doanh nghiệp nhà nước, sử dụng tiền của Nhà nước, tiền thuế của dân; chúng tôi phải tiết kiệm từng đồng một để mang lại hiệu quả cho đất nước, cho doanh nghiệp chứ không thể tiêu một cách lãng phí. 

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 14

Chúng tôi không làm thế được (tiêu lãng phí, không tiết kiệm - PV), đất nước vẫn còn nghèo vì mục tiêu đến 2030 mới là nước có thu nhập trung bình cao và đến 2045 mới vào nhóm thu nhập cao, nếu GDP tăng trưởng 2 con số.

Việc triển khai Nghị quyết 57 tại VNPT sẽ tập trung vào ba nhiệm vụ ưu tiên chính.

Thứ nhất: Đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), với trọng tâm là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, Cloud và 5G/6G, nhằm tạo cơ sở cho đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai: Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ số tiên tiến, đặc biệt là mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các nền tảng số quốc gia, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện.

Thứ ba: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo chuyên sâu và thu hút nhân tài trong nước lẫn quốc tế.

Những nhiệm vụ này sẽ được triển khai đồng bộ và quyết liệt, khẳng định vai trò dẫn dắt của VNPT trong quá trình phát triển quốc gia.

Liên quan đến câu chuyện "chuyển đổi số", trên thực tế cụm từ này đã xuất hiện nhiều năm trước đây song vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số đồng bộ. Theo ông, nguyên nhân do đâu? Những nhiệm vụ mà Nghị quyết 57 đặt ra sẽ đóng góp như thế nào để đạt được mục tiêu toàn diện này?

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 16

- Trong những năm qua, Chính phủ đã chủ trương và có nhiều giải pháp, hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi số. Chuyển đổi số của Việt Nam đã có một số thành công nhất định nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Theo tôi có một số nguyên nhân chính như sau:

Một là: Dữ liệu của các Bộ ngành, địa phương vẫn chưa đảm bảo Đúng, Đủ, Sạch, Sống, liên thông chia sẻ vẫn chưa còn hạn chế.

Ngoài việc hạn chế về mặt kỹ thuật còn có rào cản về quy định thông tin Mật, chưa có hướng dẫn đầy đủ để đưa thông tin lên hệ thống CNTT và tổ chức chia sẻ dữ liệu.

Hai là: Các dự án đầu tư công chậm, đặc biệt còn tình trạng dự án triển khai thử nghiệm thành công nhưng vẫn không thực hiện được các thủ tục dự án để đưa hệ thống vào khai thác chính thức nên không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tham gia triển khai dự án chuyển đổi số cho tổ chức chính quyền khi nhận thấy có rủi ro về hiệu quả kinh tế.

Ba là: Ngân sách nhà nước bố trí cho chuyển đổi số còn thấp, trung bình hàng năm hiện tại chỉ 0.3-0.4%.

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 17

Nghị quyết 57 đã đặt ra các nhiệm vụ để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. 

Đặc biệt là các nhiệm vụ về xây dựng các Cơ chế về trung tâm dữ liệu, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, phát triển kinh tế dữ liệu; Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm về chuyển đổi số.

Chính sách bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; Chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Kế hoạch và lộ trình đưa toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị lên môi trường số. 

Khi các cơ chế, chính sách trên được ban hành và áp dụng sớm sẽ khắc phục được các nguyên nhân hạn chế của việc chuyển đổi số như tôi nêu trên.

Một điểm trong Nghị quyết 57 được nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhiệt tình hưởng ứng, đó là Nghị quyết nêu rõ có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. VNPT có kế hoạch phát triển công nghệ nào mà trước đây bị vướng do cơ chế không?

- Việc thử nghiệm và phát triển các công nghệ mới tại VNPT đã gặp không ít khó khăn do những hạn chế về cơ chế, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ và đầu tư dài hạn.

Một ví dụ điển hình chính là việc đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chế tạo chip bán dẫn.

Để tham gia vào lĩnh vực này, dù chỉ công đoạn thiết kế cũng cần đầu tư nguồn lực rất lớn từ nhân lực chuyên gia có kinh nghiệm, chất lượng cao đến các hệ thống công cụ thiết kế, kiểm thử… trong khi xác suất thành công thương mại không cao và cần thời gian tích lũy, phát triển rất dài.

Chính sách miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp thử nghiệm thất bại, được đề cập trong Nghị quyết 57, đây là một giải pháp mang tính đột phá, giúp VNPT mạnh dạn hơn trong việc đầu tư thử nghiệm các công nghệ chiến lược. 

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 19

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp công nghệ trụ cột của Nhà nước như VNPT, Viettel trong việc thực hiện, chuyển hóa các nội dung trong Nghị quyết số 57 vào thực tiễn?

- Trong Nghị quyết 57 sẽ đặt những bài toán lớn, một doanh nghiệp tại Việt Nam có thể không thực hiện được đầy đủ bài toán, vì thế chúng ta nên có một hệ sinh thái các doanh nghiệp: một doanh nghiệp dẫn dắt và một loạt các doanh nghiệp vệ tinh đi cùng, chúng ta làm mới nhanh được vì công việc rất nhiều.

Với các doanh nghiệp nước ngoài về mặt trình độ, kinh nghiệm… họ có thể đi trước, nhưng họ không thể hiểu người Việt Nam, văn hóa, lịch sử đất nước ta như người Việt Nam. Họ không thể làm được, điều này chỉ có doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, liên quan đến câu chuyện dữ liệu, đôi khi có những dữ liệu mật, bí mật quốc gia và người nước ngoài không thể sở hữu, điều đó là điều chắc chắn. 

Dữ liệu phải do doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và quản lý, thậm chí là doanh nghiệp Nhà nước 100%, vì nếu là doanh nghiệp cổ phần, họ có thể bán cổ phần cho công ty nước ngoài và theo Luật Doanh nghiệp hoàn toàn không vi phạm. 

Nếu chúng ta triển khai theo cách trên, chúng ta vừa đi được nhanh và an toàn: với câu chuyện chuyển đổi số, an toàn là điều cực kỳ quan trọng, nó giống như một xã hội thực, đưa lên môi trường nào phải có luật lệ và mọi người phải chấp hành đúng quy định. 

Tôi chỉ mong ước một duy nhất: Nghị quyết 57 được quán triệt và thực hiện một cách nhanh và chỉn chu ở tất cả các cấp, tạo một sự đồng thuận tất cả từ Đảng, Chính phủ và người dân để thay đổi tình hình của đất nước.

Đây là cơ hội của chuyến tàu 4.0, nếu mà chúng ta không nắm được, tóm lấy, vận dụng và làm nhanh thì vô cùng đáng tiếc. Ở góc độ doanh nghiệp, nếu chúng tôi không làm được sẽ rất có lỗi với đất nước và người lao động.

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 21

Vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ trụ cột của nhà nước thể hiện ở một số điểm sau:

Thứ nhất, VNPT và các doanh nghiệp lớn trong nước đang dẫn đầu trong việc phát triển hạ tầng công nghệ số quốc gia, đặc biệt là triển khai mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Những dự án này không chỉ đảm bảo sự kết nối đồng bộ mà còn thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Thứ hai, các doanh nghiệp này đóng vai trò trung tâm trong nghiên cứu và phát triển (R&D), thử nghiệm các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ bán dẫn.

Các đơn vị này chính là lực lượng tiên phong trong ứng dụng các công nghệ mới vào thực tiễn, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thứ ba, VNPT và các doanh nghiệp công nghệ số có vai trò quan trọng trong việc phổ cập công nghệ đến các ngành kinh tế khác, từ y tế, giáo dục, đến nông nghiệp và sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

Thứ tư: Các dự án chuyển đổi số quốc gia, các doanh nghiệp lớn nhà nước phải đóng vai trò tham gia tư vấn, góp ý các chính sách đảm bảo cho đến khi chính sách được thực thi.

Đây sẽ là cơ sở cho sự đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thực hiện các nội dung trong Nghị quyết 57 không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp trụ cột khẳng định vị thế, trở thành những trụ cột chính trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam tiến lên tầm cao mới trên bản đồ công nghệ thế giới.

Kế hoạch VNPT ở thời điểm trước và sau Nghị quyết 57 như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch VNPT: Nghị quyết 57 là rường cột để thay đổi tình hình đất nước - 23

- Các Nghị quyết của Đảng bao trùm tất cả lĩnh vực hoạt động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; có những việc về xây dựng Đảng, phát triển văn hóa, kinh tế xã hội hay quản trị đất nước.

Nghị quyết 57 là một nghị quyết rường cột để có thể thay đổi tình hình đất nước ở thời điểm bây giờ. 

Nhìn ra thế giới, các nước khác cũng làm rất mạnh và mình chậm chân sẽ thua. Chúng ta có Nghị quyết 57, cần tận dụng tối đa và làm thật nhanh. 

Tiếp thu Nghị quyết, chúng tôi đã thay đổi về tư duy lãnh đạo tập đoàn, VNPT sẽ phải làm nhanh hơn những vấn đề như 5G, AI.

Bài toán kinh doanh của VNPT trong 5 năm nữa (đến năm 2030) sẽ khác với về trước; nếu chúng tôi không làm nhanh sẽ không kịp và sẽ đánh mất đi cơ hội của mình. 

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nội dung: Bảo Trung, Đoàn Trung Nam

Ảnh: Quyết Thắng

Dòng sự kiện: Nghị quyết 57