Chiến thắng của Trung Quốc trong cuộc đua AI và nỗi sợ "con dao hai lưỡi"
(Dân trí) - Thành công của DeepSeek thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nhưng nó cũng đe dọa đến quyền lực của quốc gia này.
Vào năm 2017, thế giới sửng sốt trước AlphaGo, một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) của Google, đã đánh bại thần đồng Trung Quốc Ke Jie trong trò chơi cờ vây.
Kể từ đó, Chính phủ Trung Quốc đã vạch ra một kế hoạch táo bạo để dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030, với cam kết chi hàng tỷ đô la cho các công ty và những nhà nghiên cứu AI.
Đây cũng là khởi nguồn cho DeepSeek xuất hiện, một công ty khởi nghiệp hầu như không có tên tuổi trên thế giới, đã làm đảo lộn bối cảnh công nghệ toàn cầu.
Công ty đã tạo ra một mô hình AI mạnh mẽ với số tiền ít hơn nhiều so với những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như OpenAI, Google hay Meta.
Quốc gia tự lực cánh sinh
DeepSeek là công ty tư nhân, không có sự hậu thuẫn của nhà nước, nhưng thành công của nó thể hiện tham vọng của những nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, như Tổng Bí thư Tập Cận Bình từng nhấn mạnh: "Chúng ta cần thúc đẩy đất nước của mình chiếm lĩnh những đỉnh cao và 'chỉ huy' công nghệ".
Tổng Bí thư Tập Cận Bình muốn nền kinh tế Trung Quốc phát triển từ các công nghệ tiên tiến như AI, siêu máy tính và năng lượng xanh thay vì tập trung vào bất động sản hay xuất khẩu hàng hóa giá rẻ.
Khoảnh khắc DeepSeek ra đời đã làm giảm bớt ánh hào quang về sự vượt trội công nghệ mà Hoa Kỳ nắm giữ trong lĩnh vực AI - vốn quan trọng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các siêu cường.
Trung Quốc đã tự coi mình là một đối tác toàn cầu thân thiện đối với các nước đang phát triển, sẵn sàng chia sẻ bí quyết của mình. Quan điểm của quốc gia này là công nghệ AI không nên là trò chơi của các nước giàu và những người giàu có.
Chính vì thế, DeepSeek đã chứng minh rằng Trung Quốc có thể làm cho AI rẻ và dễ tiếp cận hơn với các doanh nghiệp cũng như mọi người.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể quản lý sự trỗi dậy của một công nghệ mà một ngày nào đó có thể gây gián đoạn đến mức đe dọa đến lợi ích của chính mình.
Hiện quy định của Trung Quốc về AI đã thay đổi về cường độ trong những năm qua, tùy thuộc vào cách quốc gia này đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của nó.
Khi Chính phủ Trung Quốc lo ngại rằng họ đã tụt hậu so với Hoa Kỳ vào năm 2022, sau sự ra mắt của chatbot ChatGPT (OpenAI), quốc gia tỉ dân đã áp dụng cách tiếp cận ít can thiệp hơn vào công nghệ này và cho phép các dự án như DeepSeek và các công ty công nghệ phát triển mạnh và tự do.
Nhà nghiên cứu AI, Matt Sheehan, thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết: "Giờ đây, khi mọi chuyện đã đổi chiều, niềm tin vào ngành này có thể trở thành con dao hai lưỡi".
Ông Sheehan giải thích: "Bản năng cốt lõi của các quốc gia là hướng tới sự kiểm soát và một khi Trung Quốc lấy lại được sự tự tin vào năng lực AI của mình, quốc gia có thể khó cưỡng lại được sự thôi thúc muốn tiếp cận và kiểm soát trực tiếp hơn với các công ty này".
DeepSeek ban đầu đã đào tạo các mô hình AI của mình để đặt cược vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Nhưng vào năm 2023, khi các cơ quan quản lý nhắm vào sự kiểm soát chứng khoán, công ty đã chuyển hướng để nâng cao các mô hình ngôn ngữ của mình, một phần nhằm tuân thủ chính sách công nghiệp của Trung Quốc.
Sau đó, công ty này đã làm cả thế giới kinh ngạc khi mô hình DeepSeek sánh ngang hiệu suất của các đối thủ cạnh tranh của Mỹ, trong khi sử dụng ít hơn chip máy tính và mã nguồn mở. Đây là một kỳ tích công nghệ của thế giới.
Ở trong nước, các nhà bình luận Trung Quốc nêu quan điểm, DeepSeek là bằng chứng cho thấy các hạn chế của Hoa Kỳ đối với việc xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc cuối cùng là vô ích.
Ngay cả những cáo buộc gần đây của đối thủ OpenAI rằng, DeepSeek đã thu thập dữ liệu không đúng cách để xây dựng mô hình, cũng không ngăn cản được sự quan tâm đặc biệt của người dùng trên toàn thế giới đối với mô hình ngôn ngữ này.
Mới đây, OpenAI cho biết sẽ không kiện DeepSeek và coi đây là động lực để công ty sẽ ra mắt những sản phẩm AI tiên tiến hơn.
"Chúng tôi không có kế hoạch kiện DeepSeek ngay bây giờ. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng những công cụ AI tuyệt vời và dẫn đầu thế giới về khả năng mô hình hóa công nghệ này và công ty của tôi sẽ thực hiện thành công
Đây chắc chắn là một mô hình ấn tượng, nhưng chúng tôi tin rằng mình sẽ tiếp tục mở rộng ranh giới và cung cấp những sản phẩm tuyệt vời, vì vậy chúng tôi rất vui khi có thêm một đối thủ cạnh tranh nữa", CEO Altman trả lời các phóng viên tại Tokyo (Nhật Bản).
Theo chuyên gia đối ngoại Sun Chenghao, Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, các lệnh trừng phạt công nghệ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã khiến quốc gia không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự lực cánh sinh".
Trung Quốc: Nơi các quốc gia đang phát triển có thể dựa vào
AI giữ một vị trí đặc biệt trong tầm nhìn của Trung Quốc, với tiềm năng giúp đất nước vượt qua nhiều thách thức lớn nhất như lực lượng lao động đang giảm sút.
Quốc gia này đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và thuật toán để tăng cường khả năng giám sát người dân và dập tắt bất đồng chính kiến.
AI cũng đang góp phần vào quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc với các hệ thống vũ khí tự động và thậm chí là chiến lược trên chiến trường.
Sự phát triển của DeepSeek cũng có thể thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc, do nó sử dụng mô hình mã nguồn mở, nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể xem xét và sử dụng công nghệ của nó.
Điều này không giống như các công ty hàng đầu của Mỹ sử dụng phần mềm độc quyền đắt tiền hơn.
Ông Sheehan cho biết: "Mô hình DeepSeek có chi phí thấp và bản chất mã nguồn mở đã củng cố quan điểm của Chính phủ Trung Quốc rằng, quốc gia là nơi các nước đang phát triển có thể tìm đến hợp tác để cho ra những giải pháp về AI của riêng mình".
Cuối cùng, vị thế lớn mạnh của Trung Quốc trên trường quốc tế về AI có thể phụ thuộc vào cách chính phủ quyết định cân bằng các quy định với quyền tự do mà các công ty và nhà nghiên cứu cần có để thực hiện công việc nghiên cứu tiên tiến, cho phép họ cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Một số nhà phân tích như Gregory Allen, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đồng thời là cựu quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết rất có thể không có bất kỳ hạn chế nào đối với sự phát triển AI liên quan đến quân đội tại Trung Quốc.
Rõ ràng khi công nghệ càng được sử dụng rộng rãi, chính phủ các quốc gia càng muốn kiểm soát nó.
Vào năm 2023, chỉ vài tháng sau khi ChatGPT tạo nên cơn sốt đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc đã ban hành các quy tắc nhằm kiểm soát những gì các chatbot Trung Quốc đối với người dùng, yêu cầu nó phải phản ánh "các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội" và tránh thông tin làm suy yếu "quyền lực nhà nước".
Trong trường hợp chatbot DeepSeek, các nhà nghiên cứu kiểm tra nó và đã phát hiện ra rằng, công cụ này đưa ra những câu trả lời phát tán tuyên truyền của Trung Quốc và thậm chí là lặp lại các chiến dịch thông tin sai lệch.
Một số mối quan tâm mang tính hiện sinh hơn khi nhiều nhóm học giả đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả thảm khốc tiềm tàng của việc mất quyền kiểm soát AI của con người.
Chính vì thế, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Andrew Yao (Đại học Thanh Hoa) - người nhận Giải thưởng Turing - tương đương với Giải Nobel về điện toán đã hỗ trợ chính phủ thiết lập Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu, được Tổng bí thư Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2023.
Sáng kiến bao gồm lời kêu gọi luôn giữ AI dưới sự kiểm soát của con người. Năm ngoái, Chính phủ cũng kêu gọi tăng cường quản trị AI "trên cơ sở ra quyết định và giám sát của con người".
Nhà nghiên cứu Andrew Rogoyski tại Đại học Surrey (Anh) cũng đưa ra cảnh báo: "Có một vấn đề cơ bản với AI chuyên sâu về kiến thức, đó là con người sẽ phải mất nhiều giờ và công sức để kiểm tra xem khả năng phân tích của máy có tốt hay không".