DNews

Cậu bé 11 tuổi tử vong sau khi làm theo thử thách lan truyền trên TikTok

T.Thủy

(Dân trí) - Một thiếu niên 11 tuổi người Anh đã thiệt mạng sau khi thực hiện theo thử thách nguy hiểm đang được lan truyền trên mạng xã hội. Các bác sĩ cũng đã lên tiếng cảnh báo về thử thách này.

Cậu bé 11 tuổi tử vong sau khi làm theo thử thách lan truyền trên TikTok

"Thử thách chroming" - Thử thách nguy hiểm được lan truyền trên TikTok

Tommie-Lee Gracie Billington, 11 tuổi, đã thiệt mạng vì hít phải hóa chất độc hại khi tham gia một thử thách trên mạng xã hội, có tên gọi "chroming" (hít khí độc). Sự việc xảy ra tại thành phố Lancaster, Anh.

Sự việc xảy ra khi Tommie-Lee đến ngủ lại qua đêm tại nhà một người bạn và cả 2 đã cùng thực hiện thử thách này. Tuy nhiên, ngay sau khi tham gia thử thách, cậu bé Tommie-Lee đã lập tức gặp phải tình trạng khó thở, mất tỉnh táo… gia đình người bạn của Tommie-Lee đã nhanh chóng mang cậu bé đến bệnh viện, nhưng các bác sĩ cho biết Tommie-Lee đã tử vong từ trước đó do ngưng tim.

Cậu bé Tommie-Lee tử vong vì thực hiện theo thử thách nguy hiểm lan truyền trên TikTok (Ảnh: Facebook).

Cậu bé Tommie-Lee tử vong vì thực hiện theo thử thách nguy hiểm lan truyền trên TikTok (Ảnh: Facebook).

"Thử thách chroming" là một thử thách được chia sẻ và lan truyền trên TikTok, trong đó những người tham gia sẽ hít hơi từ những hóa chất gia dụng như bình xịt sơn, thuốc tẩy hoặc dung dịch vệ sinh… sau đó quay video phản ứng của người tham gia và chia sẻ những cảm giác mà họ đã trải qua lên mạng xã hội TikTok.

Những người tham gia thử thách sẽ nung nóng các hóa chất gia dụng để hít hơi bốc lên hoặc cho các hóa chất này vào túi, thấm vào khăn… để đưa lên mũi hít trực tiếp. Những người tham gia thử thách cho biết cách làm này sẽ giúp họ có cảm giác "phê" như sử dụng chất kích thích.

Tuy nhiên, các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo đây là một hành động hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm ngừng tim, tổn thương não, suy hô hấp, co giật, mất ý thức hoặc thậm chí tử vong như trường hợp cậu bé Tommie-Lee kể trên.

"Thực ra việc hít các loại hóa chất gia dụng để tạo cảm giác hưng phấn không phải là mới, tuy nhiên, hành động này đã được lan truyền rộng rãi và được biết đến nhiều hơn nhờ mạng xã hội", tiến sĩ Anthony Pizon, chuyên gia hóa học và chất độc tại đại học Pittsburgh (Mỹ), chia sẻ.

"Các hóa chất gia dụng thường chứa Toluene, một hợp chất hydrocacbon thơm. Khi hít chất này lâu có thể tạo cảm giác hưng phấn và say. Tuy nhiên, đây là một hợp chất nguy hiểm, gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe nếu hít phải với một lượng lớn như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, yếu cơ, mất ý thức, tổn thương não hoặc thậm chí tử vong", tiến sĩ Anthony Pizon chia sẻ thêm.

Những người tham gia

Những người tham gia "thử thách chroming" sẽ hít trực tiếp các loại hóa chất nguy hiểm để tạo cảm giác "phê" (Ảnh minh họa: Pinterest).

Gia đình của Tommie-Lee đã chia sẻ câu chuyện về cái chết của cậu bé để cảnh báo các bậc phụ huynh khác về sự nguy hiểm của "thử thách chroming".

"Cháu tôi đã qua đời vì tham gia một thử thách đang được lan truyền trên TikTok. Nó là một cậu bé có trái tim nhân hậu và được bạn bè yêu mến", Tina Burns, bà ngoại của Tommie-Lee, đau buồn chia sẻ. "Các phụ huynh khác hãy xem như đây là một bài học đắt giá để giám sát con của mình kỹ hơn".

"Gia đình của chúng tôi đã hoàn toàn suy sụp. Chúng tôi không muốn bất kỳ đứa trẻ nào dại dột thực hiện theo thử thách này hoặc bất kỳ thử thách điên rồ nào khác được chia sẻ lên mạng xã hội", bà Tina Burns nói thêm.

Cô bé Esra Haynes cũng đã tử vong vì tham gia

Cô bé Esra Haynes cũng đã tử vong vì tham gia "thử thách chroming" (Ảnh: 9News).

Đáng chú ý, Tommie-Lee không phải là trường hợp đầu tiên tử vong vì thực hiện "thử thách chroming". Vào tháng 3 năm ngoái, Esra Haynes - 13 tuổi, sống tại thành phố Melbourne, Úc - cũng đã thiệt mạng sau khi tham gia "thử thách chroming". Các bác sĩ cho biết cô bé đã bị ngưng tim và tổn thương não sau khi hít hóa chất độc hại, dẫn đến tử vong.

"Thử thách chroming" và những trò đùa nguy hiểm chết người lan truyền trên TikTok

"Thử thách chroming" không phải là lần đầu tiên một trò thử thách mạo hiểm có thể dẫn đến tai nạn chết người được lan truyền và chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt trên nền tảng TikTok.

Một trong những thử thách nguy hiểm khác từng được lan truyền rộng rãi trên TikTok có tên gọi "thử thách blackout".

Vết hằn trên cổ một bé gái 4 tuổi người Philippines vì thực hiện theo thử thách "Blackout". Cô bé may mắn thoát chết vì được gia đình phát hiện kịp thời (Ảnh: YN).

Vết hằn trên cổ một bé gái 4 tuổi người Philippines vì thực hiện theo thử thách "Blackout". Cô bé may mắn thoát chết vì được gia đình phát hiện kịp thời (Ảnh: YN).

"Thử thách blackout" (còn gọi là "thử thách mất ý thức tạm thời") là một thử thách mà những người tham gia sẽ phải sử dụng một sợi dây để tự siết cổ mình (hoặc sử dụng bất kỳ hình thức nào để gây ngạt thở) cho đến khi rơi vào trạng thái mất ý thức tạm thời. Những người tham gia sẽ quay video quá trình thực hiện thử thách, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội TikTok.

Đã có ít nhất 7 đứa trẻ được ghi nhận bị thiệt mạng do thực hiện theo "thử thách blackout" tính riêng tại Mỹ.

Một trò đùa nguy hiểm khác được lan truyền trên TikTok có tên gọi "Skullbreaker" (thử thách vỡ hộp sọ). Những ai tham gia thử thách này sẽ đứng thành nhóm 3 người thẳng hàng theo chiều ngang, 2 người đứng ở 2 bên sẽ lừa người đứng giữa nhảy lên, sau đó sẽ đá mạnh vào hai chân của người đứng giữa khi họ vẫn đang ở trên không khiến người này bị ngã ngửa ra sau.

Một thiếu niên người Mỹ sống tại bang Arizona đã bị chấn thương ở đầu nghiêm trọng khi thực hiện thử thách "Skullbreaker" (Ảnh: Valerie Hodson).

Một thiếu niên người Mỹ sống tại bang Arizona đã bị chấn thương ở đầu nghiêm trọng khi thực hiện thử thách "Skullbreaker" (Ảnh: Valerie Hodson).

Trên thế giới đã có nhiều trường hợp bị thương khi thực hiện thử thách "Skullbreaker". Thậm chí, có ít nhất một trường hợp đã tử vong vì trò đùa này; đó là một nữ sinh 16 tuổi đến từ Brazil, người đã bị ngã dẫn đến chấn thương sọ não và tử vong.

Chính phủ nhiều quốc gia đã phải lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của trò đùa "Skullbreaker", đồng thời yêu cầu người dân không thực hiện trò đùa này.

Trò đùa "Skullbreaker", người xem tuyệt đối không thực hiện theo (Video: TikTok).

Ngoài ra, còn có thể kể đến trò đùa có tên gọi "thử thách đồng xu" cũng được lan truyền nhanh chóng trên TikTok, khiến nhiều người lo ngại.

Những người tham gia thử thách này sẽ cắm củ sạc smartphone vào ổ cắm, nhưng không cắm sát hoàn toàn, sau đó sử dụng một đồng xu thả vào khoảng hở giữa củ sạc và ổ cắm điện. Khi đó, đồng xu sẽ tiếp xúc với phần chân cắm bằng kim loại bị hở sẽ gây nên hiện tượng tóe lửa do đoản mạch. Những người tham gia thử thách sẽ quay lại video hiện tượng xảy ra rồi chia sẻ lên TikTok.

Trò đùa này có thể dẫn đến những tai nạn giật điện nguy hiểm hoặc gây chập điện, làm hư hỏng hệ thống điện trên diện rộng.

Sở dĩ mạng xã hội TikTok thường là nơi bắt nguồn và lan truyền những trò đùa nguy hiểm vì đây là mạng xã hội nhắm đến giới trẻ, là lứa tuổi thường thích thực hiện những trò đùa mạo hiểm mà không nghĩ tới hậu quả.

Theo NDTV/UL