DMagazine

Việt Nam - điểm sáng trong giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em

(Dân trí) - Năm 1976, cứ 100.000 trẻ đẻ sống có 140 bà mẹ tử vong, nay con số này là 46. Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Việt Nam - điểm sáng trong giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em - 1

Xưa các cụ vẫn có câu "gái chửa cửa mả" để nói về những nguy hiểm mà người phụ nữ có thể gặp phải trong quá trình mang thai và sinh con. Đối với những phụ nữ sinh nhiều con, mức độ nguy hiểm không bớt đi mà tăng lên bội phần.

Đặc biệt, câu chuyện mang thai, sinh con của những phụ nữ ở các huyện miền núi, đi lại khó khăn lại càng nhiều hiểm nguy hơn. Trường hợp của sản phụ người dân tộc Mông, 29 tuổi, ở xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, mang thai lần thứ 5 là một ví dụ.  

Ngày 13/5, đang dự một hội nghị ở dưới huyện, cô đỡ thôn bản Bàn Thị Hòa nhận được cuộc gọi đỡ đẻ. Ngay lập tức cô vội vã đến nhà sản phụ. Mới đầu, cô nghĩ chắc đây cũng chỉ là một ca sinh bình thường như mọi khi, tuy nhiên khi khám cho sản phụ cô thấy có gì đó không ổn. 

Việt Nam - điểm sáng trong giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em - 3

"Có cái gì thòng lòng ở cổ tử cung, nên tôi đã vận động gia đình đưa sản phụ lên tuyến trên. Lúc đầu họ không đồng ý vì chỉ gọi đến nhà đỡ đẻ. Sau một hồi thuyết phục rằng tình trạng này nguy hiểm, họ mới chịu đưa sản phụ đi", Hòa kể lại.

Thế nhưng quãng đường di chuyển từ nhà đến trạm y tế không hề đơn giản. Khoảng cách 13km nhưng có đến 6km là đường đất đá - với đoạn đường này, người chồng phải bế vợ nằm ngang trên xe máy, trong lúc đó người vợ kêu gào vì đau.

Cả đoàn ra đến đoạn đường bê tông thì mới có xe ô tô chở sản phụ lên trạm y tế. Tại đây, một nữ hộ sinh thông báo bà mẹ bị sa dây rốn, phải gọi xe cấp cứu chuyển lên bệnh viện ngay.

Suốt quãng đường gần 30km trên xe ôtô từ trạm y tế đến Bệnh viện Phù Yên, Hòa và nữ hộ sinh thay nhau giữ không cho đầu em bé lọt ra. Trong khi đó, nhịp tim thai nhi xuống rất nhanh từ 130 đến khi gặp xe cấp cứu chuyên dụng thì chỉ còn 82. 

"Dù tay mỏi, tê rần vì giữ một tư thế lâu, lo lắng khi tim thai xuống nhanh nhưng hai chị em vẫn phải tỏ ra bình tĩnh, luôn động viên sản phụ. Vì đau, nên người mẹ kêu gào, khóc tím tái cả người", Hòa nhớ lại.

Xuống đến bệnh viện, ngay lập tức sản phụ được chuyển vào phòng mổ cấp cứu. Rất may mắn, cuối cùng em bé cũng được cứu sống. Theo các bác sĩ, sa dây rốn là một cấp cứu thượng khẩn của sản khoa cần phải được xử trí sinh ngay lập tức.

Sa dây rốn không thường gặp tuy nhiên đây là một cấp cứu sinh tử đối với thai. Nếu sa dây rốn xảy ra trong quá trình sinh thì dây rốn có thể bị chèn ép giữa thai và cổ tử cung. Điều này dẫn tới thiếu oxy cho thai và có thể gây ra tử vong thai.

Việt Nam - điểm sáng trong giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em - 5
Việt Nam - điểm sáng trong giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em - 7

Nếu ca đẻ đó xảy ra cách đây vài chục năm thì nhiều khả năng em bé đã không có được may mắn chào đời. Là một bác sĩ về hưu, từng có nhiều năm công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung cho biết bản thân đã chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục trong việc giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em. 

Bác sĩ Dung có bà ngoại cũng là một người làm trong lĩnh vực sản khoa. Vì thế, bà đã được chứng kiến rất nhiều cuộc đẻ mà với những người thuộc thế hệ bây giờ có lẽ là điều không tưởng. 

"Hồi đó, cả nước chỉ có vài trung tâm mổ đẻ, còn ở tuyến tỉnh, tuyến huyện không có chuyện mổ đẻ mà đẻ thường là chính. Bà của tôi cũng chỉ biết xử lý đẻ ở đường dưới. Xưa không có siêu âm, khám chỉ bằng tay, với những trường hợp đẻ khó thì chỉ cố gắng làm sao để cứu được mẹ", BS Dung kể.

Theo bác sĩ thời đó, các trường hợp thai ngôi ngang, ngôi ngược cũng đều đẻ thường, lôi trẻ từ đường dưới ra, không có đẻ mổ. Có rất nhiều cảnh mà đến giờ kể lại với bà vẫn là cảm giác "chân tay rụng rời". Thai ngôi ngược mà nhân viên y tế phải dùng tay móc, kéo em bé ra, đầu trẻ lúc lắc ở "cửa mình" người mẹ. 

Bà từng chứng kiến cảnh bà ngoại xử lý một ca chảy máu sau đẻ, phải dùng chiếc gối đen xì nhét vào bên trong để cầm máu. Và điều thần kỳ là sản phụ đó đã sống sót. 

Việt Nam - điểm sáng trong giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em - 9

Thậm chí ngay cả khi bà về làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vấn đề hồi sức sau đẻ thời đó cũng rất mới mẻ. Bà quyết tâm sang Bệnh viện Bạch Mai học hồi sức vì biết sau cuộc đẻ, cuộc mổ, người mẹ rất yếu ớt và những nguy cơ vẫn luôn rình rập.

Để sản phụ không phải chết tức tưởi một cách vô nghĩa, thì vấn đề hồi sức, theo dõi sau đẻ đóng vai trò rất quan trọng. 

"Một trong những tai biến khủng khiếp trong sản khoa là chảy máu sau đẻ. Nhưng giờ chúng ta thấy nhờ làm tốt công tác hồi sức, chẩn đoán tốt hơn mà tình trạng này giảm rất nhiều. Ngày nay cũng hiếm người chết vì chửa ngoài dạ con, nhưng xưa thì rất nhiều", BS Dung chia sẻ. 

Việt Nam - điểm sáng trong giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em - 11

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong việc giảm tử vong mẹ, trẻ em. Chúng ta đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ, trẻ em. 

Tỷ lệ tử vong bà mẹ tại nước ta giảm mạnh trong 3 thập kỷ gần đây, từ 140 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 1976 xuống 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019. Nếu xu hướng này tiếp tục giảm, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt mục tiêu phát triển bền vững là dưới 45 ca vào năm 2030. 

Tỷ lệ phụ nữ sinh được khám thai từ 4 lần trở lên đạt hơn 80%. Tỷ lệ phụ nữ sinh được nhân viên y tế đỡ đẻ duy trì 95-97%. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu đạt khoảng 80%.

Tương tự, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh. Năm 2020, IMR là 13,9 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh sống, U5MR là 22,3 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh sống, giảm gần 3 lần so với năm 1979. Theo Niên giám thống kê, con số này vào năm 2021 tương ứng là 13,6 và 20,5. 

Phát biểu tại hội nghị diễn ra vào tháng 3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tỷ số tử vong mẹ đã giảm mạnh. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang gặp thách thức trong việc giảm chênh lệch giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc.

Việt Nam - điểm sáng trong giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em - 13

Tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cũng cho biết, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, so với mức trung bình của thế giới, nhất là so với các nước phát triển thì tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tử vong mẹ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần vùng thành thị. Tỷ lệ này ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần ở dân tộc Kinh, Tày. 

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn vẫn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh ngày càng tăng. 

"Do ở xa cơ sở y tế nên nhiều người mẹ ở vùng khó khăn phải sinh con tại nhà, không được chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Cùng với đó, tại vùng sâu, vùng xa, còn thiếu nhân lực y tế, nhất là cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức", TS Khoa phân tích. 

Thực tế, 30% bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện. Bên cạnh đó, năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh (sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí) còn hạn chế ở những vùng khó khăn. 

Việt Nam - điểm sáng trong giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em - 16

Tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, để cải thiện các chỉ số chênh lệch sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền và dân tộc, chúng ta cần phải làm nhiều việc khác nhau. Định hướng chính sách trong thời gian tới là tập trung vào những khía cạnh sau:

- Lựa chọn các can thiệp nhằm giảm hơn nữa tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em phù hợp với điều kiện và yếu tố văn hóa của tỉnh, tập trung cho đối tượng ưu tiên. 

- Tăng cường tính sẵn có và nâng cao chất lượng chăm sóc, gắn kết chương trình sức khỏe sinh sản với các chương trình liên quan như dân số, HIV/AIDS, tiêm chủng mở rộng... 

- Tăng cường năng lực hệ thống y tế, nâng cao khả năng tiếp cận trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. 

- Xây dựng cập nhật các quy định, chính sách tăng cường chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em…

- Xây dựng tiêu chí về nhân lực sản/nhi theo dân số/giường bệnh và chính sách thu hút cán bộ y tế lĩnh vực sản nhi cho các tỉnh miền núi…

Việt Nam - điểm sáng trong giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em - 17

Nội dung: Nam Phương

Thiết kế: Patrick Nguyễn