(Dân trí) - Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Dù nhân lực y tế cả nước đã chi viện cho miền Nam, nhưng số ca F0 vẫn còn rất nhiều, dẫn đến quá tải điều trị.
VÌ SAO NÊN ĐỂ F0 KHỎI BỆNH THAM GIA CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID-19?
LTS: Trong tuyến bài "Kiên cường Việt Nam", báo Dân trí trân trọng giới thiệu bài viết của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - chuyên gia trong Tổ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía nam. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp hiện đang tham gia trực tiếp chống dịch tại tỉnh Đồng Tháp.
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Dù nhân lực y tế cả nước đã chi viện cho miền Nam, nhưng số ca F0 vẫn còn rất nhiều, dẫn đến quá tải điều trị, thiếu nhân lực.
Sự xuất hiện của những F0 khỏi bệnh chăm sóc các F0 khác trong phòng bệnh, giúp bớt đi phần nào những vất vả, nhọc nhằn của các y bác sĩ, điều dưỡng.
Đọc trên báo Dân trí, tôi ấn tượng mãi câu chuyện của Hà Ngọc Trường, chàng trai 28 tuổi là F0 thoát khỏi nguy kịch sau hơn một tháng điều trị, tích cực hỗ trợ các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Củ Chi (TPHCM). Câu chuyện của Trường khiến lòng người lay động.
Đang có một cuộc sống bình thường, dịch Covid-19 ập đến TPHCM, khiến Trường trở thành một F0. Diễn biến bệnh của chàng trai rất nặng. Trường từng phải đối diện với "tử thần" với hai lá phổi trắng xóa, suy hô hấp, phải thở máy. Với sự nỗ lực của các y bác sĩ, anh đã vượt qua cửa tử, dù chưa khỏi bệnh nhưng không còn phải điều trị tích cực nữa.
Trường thấy việc mình "nằm không" vô dụng trong khi các y bác sĩ tất bật. Suy nghĩ đó thôi thúc cậu phải "làm gì đó" giúp đỡ những chiến sĩ áo choàng trắng ngày đêm chăm sóc bệnh nhân không ngơi nghỉ.
Một ngày mới, Trường thay áo quần bệnh nhân, buộc tóc gọn gàng rồi bắt đầu một ngày của một F0 đặc biệt. Trường trở thành một "điều dưỡng" đặc biệt trong bệnh phòng.
Không chỉ dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh, hỗ trợ chăm sóc các F0 triệu chứng nặng để giúp đỡ mọi người ở đây, Trường còn nhờ các anh, chị bác sĩ hướng dẫn cho cách thay bình oxy, cách chăm sóc cho những bệnh nhân nặng không thể tự sinh hoạt. Chàng trai ấy làm tất cả, từ thay tã, lau người, gội đầu tới việc đi các bệnh phòng kiểm tra bình oxy giúp các y bác sĩ đang tất bật…
Tôi cho rằng, những việc làm không hề nhỏ của Trường đã giúp bớt đi những nhọc nhằn của nhân viên y tế, để họ có thể thực hiện thêm các công việc chuyên môn khác trong điều trị người bệnh.
Ngày 12/8, Chủ tịch UBND TPHCM giao Giám đốc Sở Y tế tham mưu việc vận động bệnh nhân Covid-19 đã hoàn thành điều trị, tham gia tình nguyện phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, TPHCM cần bổ sung 12.000 người gồm 2.800 bác sĩ, 8.200 điều dưỡng, kỹ thuật viên, 1.000 giảng viên, sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch để phục vụ tại khu cách ly, điều trị F0.
Tổ điều phối nêu rõ, khó khăn hiện nay của địa bàn là số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng gia tăng, thành phố rất cần lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đủ trình độ khám, điều trị bệnh nhân Covid-19 từ tầng 2 đến tầng 5 trong mô hình tháp 5 tầng. Đặc biệt là đội ngũ bác sĩ có chuyên môn về hồi sức, hồi sức tích cực, hồi sức nâng cao.
Vậy vì sao, nên huy động lực lượng F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch?
Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng những người đã từng mắc Covid-19 thì khó có nguy cơ mắc lại. Do đó, trong bối cảnh hiện tại, khi nguồn nhân lực đang rất cần, thì sự tham gia của những F0 đã khỏi bệnh sẽ hỗ trợ trong phòng chống dịch.
Bệnh Covid-19 là bệnh lý mới xuất hiện từ cuối năm 2019, nên đến nay các nghiên cứu về khả năng tái nhiễm virus SARS-CoV-2 còn tương đối hạn chế. Tuy nhiên, trong kết quả của nghiên cứu "Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 - SIREN" tại Anh cho thấy người đã từng nhiễm Covid-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng.
Một nghiên cứu khác tại Đại học Y Missouri (Mỹ) cũng cho thấy tỷ lệ tái nhiễm ở những người đã từng mắc Covid-19 là 0,7% với thời gian tái nhiễm trung bình là 116 ngày. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều lần mức lây nhiễm ở những người chưa từng bị nhiễm, và có thể so sánh với những người đã được tiêm đầy đủ vắc xin.
Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy diễn biến bệnh và tỷ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ trên thì những người đã từng mắc Covid-19 đã hồi phục thì nguy cơ tái nhiễm lại trong vòng 5 tháng thấp hơn nhiều so với người chưa nhiễm. Do vậy những người này nếu tình nguyện tham gia chống dịch thì sẽ có thể "an toàn" hơn những người chưa nhiễm và chưa được tiêm vắc xin đầy đủ.
Thực tế nhiều thầy thuốc không may bị nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tình nguyện điều trị vòng trong ở các khu điều trị bệnh nhân Covid-19 và xung phong thực hiện những thao tác nguy hiểm thay cho các đồng nghiệp khác.
Trường hợp BS Nguyễn Xuân T. ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là một trong những thầy thuốc đầu tiên bị nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, sau khi hồi phục anh đã quay lại tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Khi quay trở lại làm việc anh thường xuyên xung phong làm thay các đồng nghiệp khác ở những thao tác nguy hiểm như đặt ống nội khí quản, mở khí quản và tham gia các đoàn giải cứu công dân Việt Nam bị nhiễm bệnh từ nước ngoài về.
Tuy nhiên, do tỷ lệ mắc lại của những người từng nhiễm Covid-19 dù ít nhưng vẫn có thể xảy ra và vẫn có nguy cơ diễn biến nặng như người mắc lần đầu, nên trong quá trình làm việc, họ vẫn phải đảm bảo các trang bị phòng hộ đầy đủ, tuân thủ các nguyên tắc phòng chống lây nhiễm và tiêm vắc xin bổ sung khi có chỉ định.
Hiện nay, trong cuộc chiến với Covid-19, không chỉ cần sự tham gia của nhân viên y tế. Công tác phòng chống dịch cần rất nhiều lực lượng hỗ trợ như đảm bảo hậu cần, vận chuyển, hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân…
Vì thế, chúng tôi cho rằng những người từng nhiễm Covid-19 đã hồi phục, những người đã được tiêm đủ vắc xin là những người có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn rất nhiều so với những người chưa nhiễm và chưa tiêm Covid-19. Nếu có sự tham gia tình nguyện của họ vào cuộc chiến chống dịch, chúng ta sẽ có lực lượng đông đảo và an toàn hơn để giảm gánh nặng cho các nhân viên y tế.