Việt Nam thực hiện 11 ca ghép phổi

Hồng Hải

(Dân trí) - Tại Việt Nam, số ca ghép phổi còn hạn chế so với ghép gan, ghép thận, ghép tim. Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng, khó cả về nguồn phổi hiến và người nhận phổi.

Tại hội thảo "Ghép phổi từ người cho chết não - Thực trạng và giải pháp" do Bệnh viện Việt Đức tổ chức sáng 9/8, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, Việt Nam đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép tạng bao gồm thận, tim, gan, phổi, tụy, khí quản… nhưng trong số này chỉ có 11 ca ghép phổi.

Theo TS Hùng, ghép phổi vẫn là thách thức của chuyên ngành ghép tạng không riêng gì ở Việt Nam mà ở trên thế giới.

Việt Nam thực hiện 11 ca ghép phổi - 1

TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: T.M).

Tại Bệnh viện Việt Đức, ca ghép phổi đầu tiên được thực hiện vào ngày 12/12/2018 và cho đến nay sức khỏe của bệnh nhân vẫn tốt. Tuy nhiên, đến nay bệnh viện cũng mới chỉ thực hiện được phần nửa trong tổng số 11 ca của cả nước, trong khi mỗi tuần tại đây thực hiện từ 3-4 ca ghép thận.

Lý giải nguyên nhân số ca ghép phổi vẫn còn rất hạn chế so với ghép các tạng khác, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng, ngoài lý do ghép phổi là một kỹ thuật khó, thì liên quan đến nguồn phổi hiến là rất lớn.

Việt Nam thực hiện 11 ca ghép phổi - 2

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, chỉ khoảng 20% số người chết não hiến tạng có thể lấy được phổi (Ảnh: T.M).

"Để có phổi ghép cần phải lấy phổi từ người cho chết não. Khác với ghép gan, ghép thận có thể được lấy từ người cho sống, thì việc ghép phổi thường không chỉ định bởi rất phức tạp và nguy hiểm.

Trong khi đó, số người chết não hiến tạng ở Việt Nam chưa nhiều. Một người chết não có thể hiến cả 2 thận, gan, tim, nhưng với phổi, chỉ khoảng 20% số người hiến có thể lấy phổi, do kỹ thuật hồi sức và bảo quản phổi có những khó khăn hơn nhiều so với các tạng khác", PGS Hệ phân tích.

Tại Việt Nam, những người mắc các bệnh về phổi phải có chỉ định ghép rất nhiều. Chuyên gia này cho biết, khi ông đến một bệnh viện chuyên khoa phổi, có đến 200 bệnh nhân đang điều trị bệnh phổi nhưng không có nguồn phổi hiến tặng để có thể tiến hành ghép phổi.

"Cũng có những tình huống bệnh nhân đang chờ ghép phổi lại qua đời hoặc có khi có phổi thì không có người nhận phù hợp, hoặc gia đình người chờ ghép phổi không đồng ý nhận. Bên cạnh đó, chi phí một ca ghép phổi rất đắt đỏ", PGS Hệ thông tin.

Chia sẻ với báo chí tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, ghép phổi ngoài kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng, chăm sóc sau ghép cũng không hề đơn giản, khác hoàn toàn với chăm sóc các ca ghép tạng khác.

Việt Nam thực hiện 11 ca ghép phổi - 3

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, ca ghép phổi đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức đến nay vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường (Ảnh: T.M).

PGS Quyết cho biết, ca ghép phổi đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức là 1 bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính, rất nặng, ở giai đoạn cuối.

"Nếu như bây giờ các bác sĩ sẽ không chỉ định ghép, nhưng ở thời điểm đó để cứu bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch thì ghép phổi là giải pháp cuối cùng. Quá trình ghép cho bệnh nhân này không quá khó khăn nhưng sau đó hồi sức và chăm sóc cho bệnh nhân lại càng khó khăn hơn.

Ekip y bác sĩ phải chăm sóc bệnh nhân 24/24h trong nhiều tháng liền. Đến nay, người bệnh vẫn khỏe mạnh, làm được các công việc hàng ngày.

Theo ông Quyết, mặc dù trình độ ghép tạng của chúng ta không thua kém thế giới, thậm chí ở Bệnh viện Việt Đức còn ghép thận nhanh hơn đồng nghiệp trên thế giới thực hiện, nhưng chúng ta cần đẩy mạnh số ca ghép phổi.

Phát triển thêm các ca ghép phổi mục tiêu là để cứu sống thêm nhiều bệnh nhân cần ghép, và cũng khẳng định thêm thương hiệu của ngành y tế Việt Nam bởi ghép phổi là một kỹ thuật khó nhất của ghép tạng...

Cùng quan điểm, TS Hùng đánh giá, trình độ ghép tạng, trong đó có ghép phổi của Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực. Mới nhất, ca ghép khí quản cho ca bệnh phức tạp, trên thế giới chưa đến 10 ca thành công là minh chứng rõ nhất về tay nghề bác sĩ Việt Nam.

TS Hùng tin tưởng trong tương lai, khi có nhiều hơn nguồn phổi hiến, các ca ghép phổi sẽ được thúc đẩy nhiều hơn. Bên cạnh đó, Bệnh viện Việt Đức tiến tới ghép tụy, ghép khối tim phổi...