Tận mắt xem bác sĩ dùng "máy khoan, đinh vít" cứu cánh tay gãy
(Dân trí) - 6 mũi khoan "cân não" đã được các bác sĩ thực hiện trong ca phẫu thuật, để chiếc nẹp titanium có thể cố định phần xương cẳng tay bị gãy phức tạp của cụ bà 80 tuổi.
Sau cú ngã tại nhà, bà Phương (tên nhân vật đã được thay đổi), 80 tuổi, sống tại Hà Nội bị sưng đau, hạn chế vận động cổ tay phải.
Thăm khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, các bác sĩ xác định bà Phương bị gãy đầu dưới xương quay, phải tiến hành phẫu thuật sớm.
Kết quả chụp X-quang và chụp CT cho thấy hình ảnh gãy xương của bệnh nhân rất phức tạp: có nhiều đường gãy, mảnh rời và phạm khớp.
8h30 ngày 27/6, ca mổ "cứu" xương cẳng tay bị gãy của người phụ nữ 80 tuổi được tiến hành tại Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Kíp mổ gồm các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, phụ mê và phụ dụng cụ.
Với ca mổ này, bệnh nhân sẽ được gây tê đám rối thần kinh. Theo BSCKI Phạm Đức Chính - Phụ trách khoa Gây mê hồi sức, phương pháp gây tê sẽ giúp hạn chế độc tố và tác dụng phụ cho bệnh nhân so với gây mê. Do đó, gây tê luôn được ưu tiên hơn.
Với một máy siêu âm cầm tay, bác sĩ gây mê dò tìm bó dây thần kinh ở vùng cổ bệnh nhân. Sau khi xác định chính xác vị trí, bác sĩ đâm kim lọt vào trong bó dây thần kinh và tiêm một liều thuốc gây tê.
Chỉ vài phút sau đó, bệnh nhân tê liệt hoàn toàn phần tay. Nữ điều dưỡng kiểm tra cảm giác cánh tay của bệnh nhân để đảm bảo rằng thuốc tê đã phát huy tác dụng. Với liều thuốc gây tê này, bệnh nhân sẽ mất hoàn toàn cảm giác đau ở tay trong 3 - 4 giờ đồng hồ.
Cánh tay phải của bệnh nhân cũng được bôi thuốc sát trùng, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn.
Trước khi ca phẫu thuật chính thức bắt đầu, các bác sĩ hội ý lần cuối về cuộc mổ thông qua phim chụp. Mục tiêu được đặt ra là lựa chọn phương án mổ tối ưu nhất, vừa hạn chế xâm lấn vừa đảm bảo phục hồi hoàn hảo giải phẫu xương bị gãy.
9h10, BS Hoàng Mạnh Hà - Phụ trách khoa Ngoại chấn thương - Chỉnh hình khéo léo đi đường dao mổ đầu tiên trên cánh tay của bệnh nhân, khởi đầu cuộc phẫu thuật.
Sau những vết rạch, vùng xương bị gãy dần được bộc lộ. Máy hút liên tục được sử dụng để làm sạch, giúp bác sĩ quan sát rõ phẫu trường mổ.
"Vị trí mổ rất sát bó mạch thần kinh quay và thần kinh giữa. Đây là thành phần rất quan trọng để chi phối vận động, cảm giác của cánh tay bệnh nhân.
Do đó, trong quá trình mổ phẫu thuật viên phải thật khéo léo để đường mổ không tác động vào các cấu trúc giải phẫu quan trọng đó", BS Hà chia sẻ.
Quan sát thực tế cho thấy đường vỡ của xương quay đặc biệt phức tạp. Xương bị vỡ cả mặt trước và sau, vết gãy từ trong ra ngoài và gãy ngang. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các bác sĩ.
Kíp phẫu thuật hội ý ngay trên bàn mổ để cùng tìm ra phương án đưa được các mảnh xương vỡ về đúng vị trí, mà không phải mở quá rộng ổ gãy sẽ làm tăng tổn thương do ca mổ gây ra.
Các bác sĩ có sự trợ giúp của hệ thống C - arm (màn tăng sáng). Hệ thống này giống như máy X - quang di động giúp bác sĩ quan sát xương khớp tại vị trí phẫu thuật.
Sau hơn 15 phút, các bác sĩ đã đưa được các mảnh xương vỡ về đúng vị trí giải phẫu, nắn chỉnh lại các trục của xương. Kíp mổ chuyển sang bước tiếp theo với nhiều thách thức hơn.
Các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân liên tục được giám sát chặt xuyên suốt cuộc mổ để phát hiện bất cứ diễn biến bất thường nào và có phương án xử trí kịp thời. Với bệnh nhân cao tuổi và có nhiều bệnh nền đây là công tác đặc biệt quan trọng.
Nhiệm vụ đặt ra cho các bác sĩ là phải sử dụng một chiếc nẹp hình chữ T làm bằng titanium và vít chặt để cố định phần xương bị gãy.
Khi nẹp được đặt vào vị trí, một chiếc khoan chuyên dụng được sử dụng để tạo lỗ trên xương, phục vụ cho việc bắt vít cố định nẹp.
Từng mũi khoan đòi hỏi sự tập trung cao độ của bác sĩ, khi vỏ xương của bệnh nhân đã trở nên rất mỏng theo tuổi tác. "Một thao tác bất cẩn, thiếu tinh tế có thể khiến xương bệnh nhân bị vỡ, gãy ngay lập tức", BS Hà nhấn mạnh.
Sau 6 mũi khoan "cân não", chiếc nẹp được gắn chặt vào xương của bệnh nhân, giúp tất cả phần xương được cố định ở đúng vị trí giải phẫu. Kíp mổ thở phào khi đã hoàn thành các công đoạn khó nhất.
9h45, BS Hà đóng mũi chỉ cuối cùng đánh dấu ca mổ kết thúc thành công. "2 ngày sau khi mổ bệnh nhân đã có thể tập vận động chủ động theo hướng dẫn. Sau khoảng 16 - 18 tuần, ổ gãy có thể liền lại", BS Hà cho hay.
Theo chuyên gia này, khác với bó bột, phương pháp đặt nẹp vít sẽ giúp phục hồi lại giải phẫu hoàn hảo ở đầu dưới xương quay vì nẹp được tạo hình riêng cho vị trí này. Thêm vào đó, phẫu thuật giúp bệnh nhân có thể vận động sớm, tránh được nguy cơ teo cơ, cứng khớp.