Những người hùng cứu 12 nạn nhân vụ cháy chung cư: 4 năm tuần đêm cứu người
(Dân trí) - Họ là những con người với đủ các ngành nghề: dân công sở, tài xế xe ôm, bác sĩ... nhưng có cùng chung một mục đích giúp cho những người không may gặp tai nạn có thêm cơ hội sống.
21h30, số 2 Trần Vỹ (Hà Nội), 6 thành viên của Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel chăm chú theo dõi từng động tác tập huấn sơ cứu người bị chấn thương toàn thân của đội trưởng Phạm Quốc Việt.
"Các bạn phải chú ý thật kỹ thao tác này. Một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến cơ hội sống của bệnh nhân", vừa nói anh Việt vừa cẩn thận cố định chiếc nẹp cổ.
Trong vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, cũng chính những tình nguyện viên áo cam này đã giải cứu thành công tổng cộng 12 người còn sống.
"Nhớ lại vụ cháy, lòng tôi nặng trĩu. Tôi mong rằng đây là thảm họa duy nhất phải trải qua trong cuộc đời cứu hộ của mình", Đội trưởng FAS Angel nghẹn lời.
Với các thành viên của FAS Angel thảm họa kinh hoàng vào tối 12/9 chắc chắn sẽ trở thành một nhiệm vụ không thể quên. "Chúng tôi ý thức hơn về trách nhiệm của mình với cộng đồng", một thành viên chia sẻ.
24 giờ sau vụ cháy chung cư mini, anh Việt cùng các đồng đội của mình lại quay trở lại nhiệm vụ ứng trực tai nạn giao thông. Công việc mà FAS Angel vẫn liên tục thực hiện suốt 4 năm qua.
Đều đặn mỗi ngày, nắng cũng như mưa, đúng 21h hàng chục bạn trẻ trong bộ đồng phục màu cam lại tập hợp về 12 điểm trực của FAS Angel, trải đều trên khắp các địa bàn của thành phố Hà Nội.
Họ là nhân viên văn phòng, người giao hàng, tài xế xe ôm, bác sĩ... Những con người từ đủ các ngành nghề nhưng có cùng chung một mục đích: Giúp cho những người không may gặp tai nạn có thêm cơ hội sống.
"Chúng tôi quan niệm, cứu người là việc của tất cả mọi người, không phải chỉ riêng của nhân viên y tế. Điều quan trọng là bạn có sẵn sàng cứu người và có kỹ năng sơ cứu hay không?", anh Phạm Quốc Việt chia sẻ.
Theo anh Việt, qua quá trình phát triển, hiện đội đã có hơn 150 tình nguyện viên trong đó có 60 thành viên nòng cốt. Hiện có hơn 2000 người tham gia vào nhóm báo tin của đội, về các sự vụ tai nạn giao thông khi họ gặp trên đường.
"Một tin báo về trường hợp tai nạn cần cứu hộ về số điện thoại hotline hoặc nhóm zalo, chỉ sau 5 phút chúng tôi đã có thể tiếp cận nạn nhân bằng xe máy", anh Việt chia sẻ.
Tất cả các thành viên nòng cốt đều được học, tập huấn và cấp chứng chỉ tại các trung tâm đào tạo về kỹ năng sơ cứu. Điều này giúp đảm bảo có thể sơ cứu cho các nạn nhân một cách tốt nhất, không xảy ra sai sót.
Kết thúc ca làm việc tại công sở lúc 18h, Nguyễn Văn Đại, 28 tuổi vội trở về nhà tranh thủ ăn uống, tắm rửa, xử lý nốt các công việc cá nhân trong vòng 2 tiếng để kịp có mặt tại điểm trực.
Đây là thời gian biểu quen thuộc của Đại suốt một năm qua tham gia vào FAS Angel. Hiện tại, chàng trai công sở này nhận nhiệm vụ trực tổng đài và trực chiến tại điểm Trần Vỹ.
Ca trực của các tình nguyện viên này sẽ kéo dài từ 21h - 24h, khoảng thời gian có nguy cơ cao xảy ra các vụ tai nạn. Mỗi điểm trực sẽ nhận nhiệm vụ cứu nạn trong bán kính khoảng 10km.
Ngoài xe máy, còn có 3 xe ô tô cứu thương được bố trí tại 3 điểm trực: Trần Vỹ, Ngã Tư Sở, Ngọc Hồi. Theo anh Việt, đây là 3 vị trí gần các điểm đen tai nạn giao thông.
Các trang thiết bị phục vụ công tác sơ cứu người bị nạn được kiểm tra kỹ lưỡng trước mỗi ca trực, đảm bảo đáp ứng đầy đủ cho công tác cứu hộ.
22h04, cuộc gọi của người dân báo về tổng đài một vụ tai nạn giao thông xảy ra ở đường Nguyễn Xiển. Một phút sau, xe cứu thương của điểm trực tại Ngã Tư Sở đã lăn bánh cấp tốc cứu hộ.
Sau khi tiếp cận hiện trường, 3 thành viên kíp trực đánh giá nhanh tình hình và triển khai phương án sơ cứu. Một thành viên của đội nhận nhiệm vụ sơ cứu 2 nạn nhân xây xát nhẹ. 2 thành viên còn lại xử trí vết thương, băng bó và nẹp cổ cho nạn nhân bị vết rách sâu ở đầu, do ngã đập đầu xuống đất.
Các nạn nhân sau đó được xe cứu thương của đội vận chuyển đến Bệnh viện Quân y 103 tiếp tục cấp cứu.
23h, 6 thành viên tại điểm trực Trần Vỹ chia làm 3 xe máy bắt đầu "đi tuần đêm" như thường lệ.
Kiểm tra lần cuối băng, gạc, thuốc sát trùng... trong túi cứu thương, Tạ Ngọc Hân, một trong những thành viên nữ kỳ cựu của đội cho biết, những chuyến đi tuần giúp chủ động phát hiện nạn nhân sớm nhất có thể.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra quanh khu vực để có thể kịp thời phát hiện các vụ tai nạn và xử trí, đặc biệt là ở những khu vực hoang vắng, nơi người dân khó phát hiện vụ việc để báo tin", Ngọc Hân chia sẻ.
Từ Trần Vỹ, các tình nguyện viên đi thành một vòng khép kín qua Cầu Diễn, Trịnh Văn Bô, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công. Toàn bộ cung đường dài hơn 20km.
Đến đường Trịnh Văn Bô, cả nhóm phát hiện phía xa có đông người dân tụ tập, nghi có vụ tai nạn giao thông liền nhanh chóng tiếp cận.
Chính giữa đám đông, một người đàn ông nồng nặc mùi cồn nằm bất tỉnh, máu chảy ra từ miệng. Ngay bên cạnh, chiếc xe máy vỡ nát phần mang sau cú ngã.
"Nạn nhân bị say rượu, không còn tỉnh táo, có thể đã bị gãy răng, rách miệng", Nguyễn Văn Thịnh, thành viên FAS Angel, nhận định bước đầu, sau đó tiếp tục kiểm tra từ đầu đến chân của nạn nhân, để phát hiện những tổn thương khác (nếu có).
Một thành viên khác trong nhóm nhanh chóng xử lý vết thương của nạn nhân bằng nước muối sinh lý và gạc.
"Với bệnh nhân say rượu cần đặc biệt lưu ý việc họ có thể vùng dậy bất ngờ và tự gây nguy hiểm cho chính mình", Thịnh chia sẻ.
Sau khoảng 10 phút, xe cấp cứu của lực lượng 115 tiếp cận hiện trường. Hỗ trợ đưa nạn nhân lên xe cấp cứu, nhìn theo đuôi xe chạy về phía xa, cả nhóm thở phào vì nạn nhân chỉ bị chấn thương nhẹ và được cứu hộ sớm.
"Trong quá trình làm nhiệm vụ, chúng tôi đã phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông thực sự đau lòng và tiếc nuối. Nạn nhân tuổi còn rất trẻ đã phải đối mặt với tương lai mịt mờ phía trước vì bị chấn thương sọ não hay thậm chí là kết thúc cuộc đời", Văn Thịnh trầm ngâm.
Giữa đêm khuya, những chuyến xe của các tình nguyện viên "áo cam" vẫn ngày qua ngày rong ruổi khắp các nẻo đường của Thủ đô cứu người gặp nạn. Trong gần 4 năm qua, đã có hơn 15.000 vụ tai nạn được hỗ trợ, hàng nghìn người được trao cơ hội sống thứ hai nhờ vào nỗ lực âm thầm và bền bỉ của những người trẻ "sống là cho đi" này.