DNews

Hơn 24 giờ "báo động đỏ" cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini

Minh Nhật Ngọc Minh

(Dân trí) - Hơn 24 giờ kể từ khi xảy ra vụ cháy kinh hoàng tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), các y bác sĩ vẫn đang tiếp tục chạy đua với thời gian cứu các nạn nhân.

Hơn 24 giờ "báo động đỏ" cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini

Xuyên đêm tìm sự sống

Hơn 23h ngày 12/9, vụ hỏa hoạn thảm khốc xảy ra tại tòa chung cư mini ở ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhiều người mắc kẹt bên trong và không ngừng kêu cứu khi ngọn lửa bùng phát.

Giữa hiện trường thảm khốc của vụ cháy là những nỗ lực không ngừng nghỉ của hàng trăm chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhân viên y tế và các lực lượng cứu hộ.

Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 1

Căn chung cư mini nơi diễn ra vụ cháy (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngay khi vụ cháy xảy ra, hàng chục cuộc gọi đổ về đường dây nóng của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.

"Báo động đỏ" từ phòng điều phối ngay lập tức kích hoạt 10 xe cấp cứu với hơn 30 cán bộ y tế từ các trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn Thủ đô, để nhanh chóng tiếp cận hiện trường.

"Đây gần như là lần huy động nhiều xe cấp cứu và nhân viên y tế nhất của lực lượng 115 Hà Nội", BSCKI Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội mô tả.

Ngay khi vừa tiếp cận hiện trường, nhiều nhân viên y tế của lực lượng 115 Hà Nội cho biết, bất ngờ trước mức độ nghiêm trọng của sự việc. Các blouse trắng xác định đây sẽ là một thử thách cực kỳ khó khăn.

Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 2

Nạn nhân được đưa đi cấp cứu (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Khi chúng tôi đến, mọi thứ vẫn chìm trong làn khói mù mịt, một số nơi lửa vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn", một nữ bác sĩ của lực lượng 115 chia sẻ.

Theo BS Hoàng Phúc, Trạm trưởng Trạm Cấp cứu Từ Liêm, vì ngõ vào chung cư mini này quá nhỏ nên anh cùng các đồng nghiệp tập kết cáng ở đầu ngõ. Các bình oxy và vật tư y tế phục vụ sơ cứu được đưa vào vị trí cách hiện trường một nhà, để kịp thời hỗ trợ các nạn nhân được lực lượng cứu nạn đưa ra.

Từng chiếc cáng hằn vệt đen vì khói và xỉ đưa nạn nhân xuống, các y bác sĩ lại lao vào kiểm tra tình trạng nạn nhân, cố gắng tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.

Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 3
Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 4

Các nạn nhân còn sống được sơ cứu ngay khi đưa ra khỏi vụ cháy với quy trình cơ bản như sơ cứu tuần hoàn, ép tim, bóp bóng và uống thuốc vận mạch. Mọi hoạt động được thực hiện chặt chẽ theo dây chuyền.

Giữa hiện trường thảm khốc, những gia đình may mắn thoát nạn cũng đã thắp lên niềm hy vọng cho lực lượng cứu hộ.

Có những nạn nhân may mắn sống sót do đã chạy lên tầng 9, tầng trên cùng của khu chung cư, và biết cách lấy chăn đã được vẩy nước quấn xung quanh người mình.

"Có một gia đình 4 người, trong đó người vợ đang mang thai may mắn thoát nạn. Nhìn thấy người vợ đang mang thai dần hồi tỉnh sau khi được hỗ trợ thở oxy, người chồng bật dậy, choàng tay ôm lấy vợ vào lòng, khẽ thở phào nhẹ nhõm.

Niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình được bình an như tiếp thêm năng lượng cho lực lượng cứu nạn tại hiện trường", một thành viên của lực lượng 115 chia sẻ.

Theo ông Bùi Quốc Vương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội, các nạn nhân trong vụ cháy được vận chuyển đến 10 bệnh viện trên địa bàn, trong đó đông nhất là Bệnh viện Bạch Mai. Còn lại các bệnh viện khác, mỗi nơi tiếp nhận 1-2 nạn nhân và là các ca nhẹ hơn.

Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 5

Sau nhiều giờ "chiến đấu" giành lại sự sống cho người dân, một số chiến sĩ kiệt sức, bị thương... được đưa ra bên ngoài hiện trường vụ cháy (Ảnh: Nguyễn Hải).

Hơn 8 tiếng chạy đua từng giờ, từng phút với "giặc lửa", lực lượng cứu hộ có nhiều người kiệt sức. Nỗ lực phi thường này đã giúp hơn 100 người bị mắc kẹt trong đám cháy được giải cứu thành công.

Kích hoạt "báo động đỏ" cấp cứu thảm họa

Các nạn nhân bị thương sau vụ hỏa hoạn nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một cuộc chiến khác lại bắt đầu trên giường bệnh.

1h sáng 13/9, có 7 nạn nhân được chuyển vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Trong đó, một trường hợp tử vong ngoại viện.

Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 6

Các nạn nhân của vụ cháy được cấp cứu tại bệnh viện (Ảnh: Minh Nhật).

BS Vũ Việt Hà, Khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, sau các công tác sơ cứu tại hiện trường, ở bệnh viện, các nạn nhân sẽ được đánh giá mức độ bỏng, tình trạng suy hô hấp, xem có bị tổn thương đường thở, xét nghiệm khí máu xem có bị ngộ độc khí CO hay không.

Trường hợp bị ngộ độc khí CO sẽ được áp dụng thêm biện pháp thở oxy cao áp. Bệnh nhân bị ngộ độc khí CO có thể bị tổn thương não, hôn mê, không tỉnh lại được nên cần theo dõi sát. 

Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 7

Bác sĩ Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Nam Phương).

Đáng chú ý, một nạn nhân 41 tuổi được đưa vào bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương nặng, chấn thương kín xương sườn, chấn thương cột sống do nhảy từ tầng cao xuống để thoát thân.

Các bác sĩ đã ngay lập tức tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Hiện tại, người đàn ông này đang được điều trị tại Khoa Gây mê - Hồi sức. Bệnh nhân vẫn đang phải thở máy, dùng an thần.

Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 8

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cùng ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thăm hỏi các bệnh nhân trong vụ cháy (Ảnh: Minh Nhật).

Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, có 4 người bị thương được cấp cứu tại bệnh viện. Sau cấp cứu ban đầu, có 3 bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Đến sáng 14/9, bệnh nhân còn lại tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã ổn định sức khỏe.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, BSCKII Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện cho biết, cơ sở y tế này đã tiếp nhận điều trị cho 4 nạn nhân của vụ cháy, trong đó có 2 bố con và 2 anh em.

"Người bố gần 50 tuổi đang trong trạng thái suy sụp tinh thần, ngại giao tiếp. Gia đình này vẫn đang thất lạc vợ và con gái khiến tâm lý bệnh nhân bị ảnh hưởng lớn. Chúng tôi ngoài điều trị, vẫn luôn ở bên động viên để người bệnh vượt qua cú sốc này", BS Tiến chia sẻ.

Bệnh viện Bạch Mai là nơi tiếp nhận cấp cứu nhiều nạn nhân nhất với 24 người (ngoài ra có 2 trường hợp tử vong ngoại viện). Trường hợp cao tuổi nhất là 81 tuổi, nhỏ nhất là 8 tháng tuổi, 3 bệnh nhân ở trạng thái nguy kịch.

Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 9
Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 10

Ngay sau khi nhận thông tin về vụ cháy, Bệnh viện Bạch Mai đã lập tức bật "báo động đỏ", sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu nạn nhân.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, nguyên Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, các bác sĩ đã khởi động kịch bản "cấp cứu thảm họa".

 "Chúng tôi xác định đây là một thảm họa với rất nhiều loại tổn thương và có thể xuất hiện thêm các tổn thương trong các ngày tiếp theo. Do đó cả bệnh viện tập trung để kiểm soát tình trạng sức khỏe và chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất", PGS Chi phân tích.

3 "trận đánh lớn" được diễn ra xuyên đêm tại Trung tâm Cấp cứu A9, Trung tâm Chống độc và Trung tâm Nhi khoa.

Theo PGS Chi, tổng quan có 2 tổn thương lớn, thứ nhất là tổn thương ngộ độc do hít vào lượng khói lớn, chủ yếu là khí CO. Trung tâm Chống độc đã tiếp cận rất sớm để giải quyết vấn đề về ngộ độc.

Về vấn đề chấn thương, các chuyên gia chấn thương đã tiếp cận cấp cứu và đưa ra giải pháp để tiếp tục phát hiện các tổn thương.

Theo BS Lê Thị Lan Anh, Trung tâm Nhi khoa, từ 0h đã tiếp nhận 7 nạn nhân là trẻ em, cháu nhỏ nhất 8 tháng tuổi.

"Chúng tôi đã tích cực cấp cứu cho các cháu theo tinh thần hết sức khẩn trương và quyết liệt. Cháu nặng nhất bị ngộ độc khí CO. Ngoài ra, vì đặc thù nhi khoa nên các y bác sĩ cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề trấn an tinh thần của trẻ", BS Lan Anh thông tin.

Gần 9h ngày 13/9, một cuộc hội chẩn khẩn cấp đã được tổ chức tại giảng đường A9, với hàng chục bác sĩ từ các khoa, phòng, trung tâm cùng các chuyên gia trong lĩnh vực cấp cứu, hồi sức cũng có mặt.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, sau công tác cấp cứu bước đầu, bệnh viện tiếp tục rà soát từng bệnh nhân một và hội chẩn toàn viện với 20 chuyên gia ở các chuyên khoa khác nhau.

Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 11

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Minh Nhật).

PGS Cơ thông tin, hiện toàn bộ bệnh nhân cũng như thân nhân đang rất hoảng loạn nên các bác sĩ phải hết sức chăm sóc, động viên về tinh thần. Về vấn đề sinh hoạt, ăn uống, bệnh viện sẽ phụ trách 100%.

Vấn đề chẩn đoán, thuốc men, ban giám đốc đã huy động toàn bộ nguồn lực để cấp cứu, điều trị nhanh nhất có thể để tối ưu điều trị và hạn chế tử vong.

"Giai đoạn tới, một số trường hợp bệnh nhân vẫn có thể diễn biến nặng. Do đó cần theo dõi tình trạng bệnh nhân thật chặt, có phương án điều trị hiệu quả", PGS Cơ nhấn mạnh.

Bộ Y tế chỉ đạo "nóng" dồn lực cho nạn nhân vụ cháy

Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, ngay trong buổi làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai sáng 13/9, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo cơ sở này lập tổ công tác đặc biệt, để chỉ đạo xử lý vụ việc. Theo ông giai đoạn tiếp theo sẽ có rất nhiều vấn đề cần xử lý.

"Tôi đề nghị bệnh viện tiếp tục huy động mọi nguồn lực để cấp cứu, chăm sóc cho các bệnh nhân trong thảm họa này. Bộ phận thường trực chuyên môn của bệnh viện cần liên tục cập nhật tình hình điều trị để báo cáo lên Bộ Y tế", PGS Khuê nhấn mạnh.

Hơn 24 giờ báo động đỏ cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini - 12

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện huy động nguồn lực để chăm sóc, điều trị nạn nhân vụ cháy (Ảnh: Thế Anh).

Cũng theo ông Khuê, sau vấn đề thảm họa bao giờ cũng là vấn đề tinh thần. Do đó, các khoa phòng cần huy động toàn lực chăm sóc, quan tâm người nhà các nạn nhân.

Không để người nhà bị hoảng loạn. Phải thông tin, tiếp đón người nhà, trấn an tinh thần. Đây là việc cực kỳ quan trọng.

Trước mắt, các đơn vị tập trung cứu chữa, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn, người nhà vượt qua khủng hoảng, an tâm điều trị, chưa thu các khoản phí. 

Ngày 13/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh liên tiếp có 2 công văn gửi Sở Y tế Hà Nội, các bệnh viện về việc phối hợp tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini.

Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu các bệnh viện phối hợp với các đơn vị liên quan huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn. 

Trước mắt, các đơn vị tập trung cứu chữa, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn, người nhà vượt qua khủng hoảng, an tâm điều trị, chưa thu các khoản phí. 

Bên cạnh đó, cử đầu mối cung cấp thông tin chính thức cho cơ quan báo chí, truyền thông, người nhà người bị nạn.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội tổng hợp báo cáo gửi về Cục, cập nhật diễn biến của việc cứu chữa người bị nạn và các ý kiến đề xuất, kiến nghị với Bộ Y tế (nếu có) trước 17h hàng ngày.