(Dân trí) - Trong nhiều câu chuyện về hiến tạng, ngoài người hùng hiến tạng luôn có những người hùng thầm lặng không được vinh danh. Họ đang phải cố gắng tiếp tục sống với hai nỗi đau luôn giằng xé: Nỗi đau mất mát người thân và nỗi đau từ chính cách nhìn nhận lạc hậu, thiếu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ trong xã hội...
Người hùng hiến tạng cứu 4 mạng người và câu chuyện đẫm nước mắt đằng sau
Tìm đến gia đình anh Ngọ Văn Soái và chị Nguyễn Thị Giang tại thôn Ngọ Xá, xã Châu Minh huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang vào một buổi chiều, sự cô quạnh, đìu hiu, chúng tôi khó có thể ngờ rằng, đây là nhà của một “người hùng” đã hiến một quả tim, gan, hai quả thận của mình để cứu sống bốn mạng người tưởng như đã vụt tắt hết mọi tia hy vọng.
Hiển hiện rõ nhất trong ngôi nhà cấp 4 quá đỗi đơn sơ này là sự trống vắng của một tổ ấm đã không còn “nguyên vẹn”, sự mịt mờ của một gia đình đã mất đi người đàn ông trụ cột và hơn tất thảy chính là những nỗi đau quặn thắt tim gan nhưng vẫn phải nuốt vào trong của một người vợ trẻ vừa mất chồng lại chịu những lời hàm oan cay nghiệt của “miệng đời”!
Câu chuyện về một người nghèo với tấm lòng luôn muốn cho đi
“Em thương anh ấy lắm, chưa kịp hưởng ngày sướng nào thì đã...” – Câu nói liên tục được chị Giang nhắc lại, khi kể về người chồng vừa qua đời của mình, đã phần nào khắc họa cuộc đời của một người đàn ông “nặng gánh”.
Là người con út trong một gia đình nông thôn có đến 6 anh chị em, cũng là người nhận về mình trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già, có thể dễ dàng hình dung được cuộc sống của anh Ngọ Văn Soái là những chuỗi ngày “ít được ngơi nghỉ”. Dù chưa có của ăn của để, năm 2003 anh Soái vẫn quyết định vay mượn anh em, làng xóm để xây cho bố mẹ một căn nhà “không bị mưa dột”. Kể từ đó, trên đôi vai của người đàn ông vốn đã nặng gánh này lại phải cõng thêm một khoản nợ. “Chồng tôi làm nghề bắt điện nước thuê, anh ấy là người cần cù chịu khó ai gọi đi đâu cũng làm, khoản tiền nợ xây nhà và đi học việc cũng nhờ đó mà được trả dần, có thì vài trăm, không có thì vài chục. Nhiều lúc anh soái còn làm công cho chủ nợ để trừ dần từng xe cát, từng bao xi măng!” – chị Giang kể lại.
Cái số sinh ra đã vất vả nên cả khi lập gia đình, trách nhiệm của người đàn ông này lại như nhân đôi. “Tôi đi làm công nhân vệ sinh ở nhà máy cả ngày, nên trong gia đình, anh Soái như kiêm luôn công việc của người bố lẫn người mẹ. Chuyện lo cho con ăn, đưa con đi học toàn anh Soái làm. Mọi chuyện trong nhà từ kinh tế cho đến lo toan, nội trợ tôi chỉ đóng một phần rất nhỏ.”- Người vợ trẻ xót xa – “Ba đứa con trong nhà vì thế mà quấn bố lắm, bố đi làm về vừa dựng xe trước sân đã ùa ra níu vào cổ bố”
Những người nghèo vật chất lại thường rất giàu tình cảm! Trong xóm giềng, cũng như công việc anh Soái luôn nhận được sự yêu thương, quý mến của mọi người vì bản tính hiền lành, chất phác, sống chưa mất lòng ai bao giờ. Nhà bao việc nhưng hề người trong xóm nhờ sửa điện nước, anh Soái cũng chỉ cười xuề xòa: “Chả mấy khi gần nhà xuống làm hộ, tiền nong gì!”.
“Mấy anh thợ ở làng Ngọc Luyện, chỗ anh Soái hay làm từ khi chuyện xảy ra vẫn hay lên chơi hỏi thăm, nhắc anh Soái mãi, ai cũng thương” – Chị Giang tâm sự.
Ba lần tìm cách cứu chồng ra khỏi cửa tử và quyết định “xé lòng” của người vợ trẻ
Đã hơn hai tuần phải vĩnh viễn chia xa người chồng của mình nhưng trong tâm trí của chị Giang, nỗi đau quặn thắt trong cái ngày mà chị nhận được tin dữ, vẫn rõ mồn một như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Hai khóe mắt đã khô vì bao ngày khóc thương chồng chỉ chực trào nước mắt khi chúng tôi hỏi chuyện.
“Hôm đấy là chủ nhật, tôi đang đi làm thì nhận được cuộc gọi của đứa cháu bảo chú bị ngã xe nặng lắm thím ạ, tôi mới xin về đưa chồng ra bệnh viện Bắc Ninh. Đến đây, xem xét tình trạng của anh Soái xong các bác sĩ mới bảo là anh bị chấn thương sọ não nặng, giờ cầm cự được ngày nào hay ngày đó” – Chị Giang khóc nghẹn nhớ lại. Nhận được tin sét đánh từ bác sĩ, chị Giang vẫn nuôi hy vọng cứu sống chồng mình và lập tức xin chuyển lên bệnh viện Việt Đức.
Vay mượn khắp xóm giềng để thuê xe đưa chồng chuyển viện nhưng hy vọng vừa nhen nhóm của người vợ trẻ cũng nhanh chóng bị dập tắt khi các bác sĩ Việt Đức cũng lắc đầu kết luận anh bị quá nặng có thể đã chết não. Buổi chiều hôm đó, anh Soái được đưa về nhưng sau đó cả gia đình lại quyết định đưa anh nhập viện thêm một lần nữa với suy nghĩ còn nước còn nước còn tát: “Chắc hôm đó là Chủ Nhật, không có bác sĩ giỏi!”.
Ngay đêm hôm ấy, khi được nhập viện, anh Ngọ Văn Soái được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt để tiêm những mũi thuốc tốt nhất mà bệnh viện hiện có: một mũi kích tim, một mũi kích não, những mũi tiêm này cũng chính là những tia hy vọng cuối cùng mà gia đình có thể đặt cược!
Trớ trêu thay, thần may mắn lại không mỉm cười với gia đình, khi mọi nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ cũng không thể “mở ra ánh sáng ở cuối đường hầm”!
Mẹ anh Soái đã 85 tuổi, luôn phải có người chăm sóc.
“Khi nghe bác sĩ bảo anh Soái không thể cứu được nữa, tôi không còn thiết sống và muốn đi theo anh nhưng nghĩ lại còn ba đứa con và một mẹ già, mà tôi nuốt nỗi đau để cố gắng sống tiếp” – người quả phụ nhớ lại thời khắc nhận tin sét đánh từ bác sĩ.
Biết được trường hợp của anh Soái, các bác sĩ tại bệnh viện Việt Đức cũng chia sẻ với gia đình về những bệnh nhân khác đang “chết mòn” vì không có tạng thay thế và cũng động viên gia đình để anh Soái làm thêm một việc tốt cuối cùng cho đời bằng cách hiến tạng!
“Nghĩ đến việc chồng trước lúc mất bị mổ xẻ, tôi thực sự rất đau vì thương anh, nhưng rồi nghĩ đến mạng sống của những người khác có thể cứu được nhờ vào một phần thân thể của anh, cuối cùng tôi và cả gia đình cùng quyết định ký vào đơn đăng ký hiến tạng!” – Chị Nguyễn Thị Giang chia sẻ về lý do quyết định hiến tạng của chồng mình!
Chuyện khó tin nhưng có thật: Cứu 4 mạng người vẫn phải đi “minh oan”.
Khi mà quan niệm: “Người chết thể xác phải toàn vẹn để sang thế giới bên kia” vẫn còn rất nặng nề trong một bộ phận không nhỏ người dân, và những tấm gương người tốt hiến tạng vẫn còn quá ư ít ỏi so với hàng sa số tin đồn thất thiệt về chuyện “bắt cóc bán nội tạng” hay “bán thận để kiếm tiền, trả nợ”, xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, thì chuyện ngỡ như vô lý vừa đề cập ở trên lại hoàn toàn có thể trở thành sự thật!
Một gia đình đã mất đi người chồng, người cha giờ lại phải chịu thêm những lời đàm tiếu ác ý của xóm giềng. Anh soái đã hiến 1 tim, 1 gan, 2 thận, 2 giác mạc, 10 gân, 3 đoạn mạch máu, nhờ đó cứu sống được 4 mạng người và trong tương lại, những bộ phận đang còn được lưu trữ sẽ còn mang đến “phép màu” cho nhiều bệnh nhân nữa. Trớ trêu thay, hành động nhẽ ra phải được nể phục, coi trọng này lại bị miệng đời “bóp méo” rằng: Gia đình anh Soái bán tạng để có tiền.
“Làm sao ngã nhẹ thế mà lại chết được, hay đi bán nội tạng để có tiền”, “Bán nội tạng như thế có khi được hàng trăm triệu?” những lời nói cay nghiệt như mũi dao đâm vào trái tim vốn đã rỉ máu của người quả phụ. Ngay cả những đứa trẻ ngây thơ cũng không thoát khỏi thứ “miệng đời” cay nghiệt này, khi liên tục bị bạn bè trêu chọc: “Bố mày chết rồi”, “bố mày bị bán nội tạng rồi”.
Chính vì vậy có thể nói rằng, sự kiện Bộ Y tế truy tặng kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho hành động hiến mô, tạng cứu người cho anh Ngọ Văn Soái vừa là sự vinh danh dành cho người đã khuất, nhưng với những “người hùng” đang sống, đây thực sự là một lời minh oan cho những tủi nhục mà cả gia đình đã phải chịu đựng trong chính những ngày tháng khó khăn nhất.
Trong những câu chuyện về hiến tạng, luôn có nhiều hơn một “người hùng”
Anh Soái là một người hùng khi mang đến sự sống cho 4 con người khác, nhưng trong câu chuyện này, cũng như nhiều câu chuyện về hiến tạng khác, luôn có những người hùng khác, những người không được vinh danh, những người đang phải cố gắng tiếp tục âm thầm sống với hai nỗi đau luôn giằng xé: Nỗi đau mất mát người thân và nỗi đau từ chính cách nhìn nhận lạc hậu, thiếu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Họ chính là những người đặt bút ký vào đơn xin hiến tặng mô, tạng người thân của mình.
Trong câu chuyện này, chúng tôi xin được dành tặng lòng biết ơn, sự cảm phục từ tận đáy lòng cho người vợ trẻ đã nuốt nước mắt vào trong để chồng mình thực hiện việc tốt cuối cùng và có lẽ cũng là lớn lao nhất trong cuộc đời của anh. Sự hy sinh của người phụ nữ này không chỉ thắp lên “ánh sáng” cho bốn gia đình có người thân được nhận tạng ngay sau đó, mà còn góp thêm một câu chuyện truyền cảm hứng về hiến tạng, để xóa tan đi những định kiến và để nghĩa cử cao đẹp này được nhân rộng trên đất nước Việt Nam chúng ta!
"Tôi không dám nghĩ về tương lai, không biết giờ phải lo cho các con, cho mẹ già như thế nào"?
Trở về với cuộc sống hiện tại, việc mất đi người trụ cột trong gia đình khiến người phụ nữ nhỏ bé này khó khăn chồng chất khó khăn. “Gia đình giờ không có một nguồn thu nào ngoài ba sào rưỡi ruộng, tôi cũng không thể đi làm vì còn mấy đứa nhỏ và mẹ già, mấy ngày hôm nay cũng may có các anh chị em trong nhà mang gạo, mang đồ ăn sang!” – Chị Giang nghẹn lòng chia sẻ về tương lai mịt mờ của gia đình.
Niềm động viên lớn nhất của người vợ trẻ lúc này chính là việc nghĩ đến một phần cơ thể của chồng mình vẫn đang còn sống trên thế gian này, và cả ba đứa con chị dù còn nhỏ vẫn ý thức về ý nghĩa của việc hiến tạng của bố và vẫn hay nhắc về bố như một niềm tự hào to lớn nhất!
Tâm sự đẫm nước mắt của vợ người hiến tạng
Minh Nhật
Ảnh & Video: Quý Đoàn