(Dân trí) - Những cơ sở tiêm filler "chui" thu hút được một lượng lớn khách hàng, hầu hết là phụ nữ trẻ, học sinh, sinh viên. Những đối tượng rất dễ bị hấp dẫn bởi mức giá rẻ, cùng những lời quảng cáo có cánh.
Những cơ sở tiêm filler "chui" thu hút được một lượng lớn khách hàng, hầu hết là phụ nữ trẻ, học sinh, sinh viên. Những đối tượng rất dễ bị hấp dẫn bởi mức giá rẻ, cùng những lời quảng cáo có cánh.
Liên tiếp các vụ tai biến, mù mắt do tiêm filler xảy ra trên cả nước thời gian gần đây khiến dư luận hoang mang. Đặc điểm chung là các nạn nhân đều thực hiện tiêm filler tại các cơ sở không đảm bảo, thậm chí là tiêm ngay tiệm làm tóc.
Vậy vì sao một thủ thuật làm đẹp vẫn được nhiều chị em xem là "đơn giản", "nhẹ nhàng" lại có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như vậy?
Filler là chất để bồi phụ những chỗ thiếu hụt tổ chức của cơ thể. Bản chất filler là axit hyaluronic, đây vốn dĩ là một chất có sẵn ở trong cơ thể người, tập trung nhiều ở sụn khớp và da. Thông thường, loại chất làm đầy này có thể tồn tại trong khoảng thời gian 6 tháng đến một năm sau khi tiêm, trước khi bị tiêu biến.
Mù mắt vì tiêm filler ở... tiệm tóc
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiếp nhận một trường hợp bị mất thị lực sau khi tiêm filler.
Nữ bệnh nhân vào viện trong tình trạng mắt phải mi nề, sụp mi, kết mạc cương tụ, mờ thị trường phía trước, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết trước đó đã thực hiện tiêm filler làm đầy rãnh má tại tiệm tóc. Sau khi tiêm filler xong đột ngột mắt phải mờ dần và không nhìn rõ.
Theo BS Triệu Thị Minh - Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi tắc động mạch mắt phải. Sau đó, gia đình đã xin chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Tiêm filler tại spa "người quen", người phụ nữ nhập viện cấp cứu
Trước đó không lâu, cũng tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân là phụ nữ 47 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng mất thị lực mắt trái, sau tiêm filler tại spa của người quen.
Theo lời kể của bệnh nhân, chị tiêm filler nâng mũi tại spa của người quen. Sau tiêm khoảng 10-15 phút, khi bắt đầu được nắn sống mũi, bệnh nhân thấy hoa mắt, chóng mặt, xuất hiện co giật.
Ngay lập tức, spa có tiêm thuốc giải nhằm làm tan filler đã tiêm và được đưa đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thị lực mắt trái không nhìn thấy, lại thêm biểu hiện đau đầu, co giật, các bác sĩ nghi ngờ nguy cơ tắc động mạch não. Ngay lập tức, Bệnh viện đã mời các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương hỗ trợ, phối hợp với bác sĩ tạo hình, bác sĩ chống đột quỵ để xử lý cấp cứu cho bệnh nhân.
Nguy kịch phải chạy ECMO sau mũi tiêm filler tại cơ sở thẩm mỹ
Ngày 24/4, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận một trường hợp là người phụ nữ 39 tuổi sốc phản vệ, nguy kịch sau khi tiêm filler.
Trước đó một ngày, bệnh nhân đến cơ sở thẩm mỹ tên N.A. (quận 6) để thực hiện tiêm filler vùng mặt và ngực. Đến sáng 24/4, người phụ nữ than mệt nhiều.
Gia đình đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện quận Bình Tân cấp cứu. Tại đây, dựa vào các triệu chứng như khó thở, huyết áp tụt rất thấp cùng các thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ trực cấp cứu chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 3 sau tiêm filler.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được đưa vào khoa Nội tim mạch, với chẩn đoán tổn thương cơ tim cấp nghi do viêm cơ tim cấp, tổn thương thận, theo dõi áp xe vú 2 bên. Các bác sĩ đã tiến hành chạy ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) cho bệnh nhân cùng các điều trị tích cực khác.
Vòng 3 biến dạng sau khi "làm đẹp" bằng filler
Đầu tháng 4, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) đã tiến hành phẫu thuật cho một trường hợp bị biến chứng thẩm mỹ nặng nề.
Nạn nhân tên T. (SN 1993) vào khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện cấp cứu trong tình trạng có áp xe mông 2 bên, nhiễm trùng và sưng tấy nặng nề. Khai thác bệnh sử, cô gái chia sẻ cách đó 10 ngày có đến một thẩm mỹ viện "chui" để tiêm filler vào mông. Tuy nhiên sau tiêm, vùng mông bắt đầu rỉ dịch, biến dạng, khiến bệnh nhân đau đớn nặng nề.
"Chất làm đầy tiêm vào mông bệnh nhân không khu trú một chỗ mà len lỏi khắp nơi như da, dưới da, cơ... Sau mổ, bệnh nhân vẫn phải để hở vết thương, theo dõi tiếp tình trạng nhiễm trùng và viêm tấy lan tỏa ra vùng da xung quanh, sau đó mới có hướng xử trí tiếp theo", ThS.BS Đinh Phương Đông, Phó Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, làm đẹp là nhu cầu hoàn toàn tự nhiên và chính đáng của tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi làm đẹp cần phải có kiến thức, đặc biệt là với những thủ thuật xâm lấn như tiêm filler.
Tiêm filler là một kỹ thuật của phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa, được đào tạo và phải được thực hiện ở những cơ sở y tế được cấp phép.
PGS Hà chia sẻ: "Việc tiêm filler ở những spa, cơ sở cắt tóc gội đầu và thậm chí là nhà riêng bởi những người không có chuyên môn, không phải là bác sĩ. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ tiêm sai kỹ thuật, tiêm không đúng dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, phải kể đến nguy cơ các loại filler được sử dụng để tiêm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng".
Rủi ro từ kỹ thuật tiêm filler
Các chuyên gia nhận định rằng, hầu hết những trường hợp biến chứng, đặc biệt là biến chứng nặng đều xuất phát từ kỹ thuật tiêm filler.
Điển hình như kỹ thuật tiêm filler không đảm bảo vô trùng có thể gây nhiễm trùng tại chỗ: sưng, chảy dịch; nhiễm trùng toàn thân hay thậm chí là nhiễm trùng huyết. Biến chứng nặng nề nữa là tiêm vào mạch máu gây tắc mạch và theo đó là gây hoại tử, tổn thương, mất chức năng của cơ quan bộ phận mà động mạch đó chi phối như: hoại tử môi, mũi, mù, liệt hay đột quỵ.
Rủi ro từ filler kém chất lượng
Rất nhiều cơ sở tiêm filler không chính thống hiện nay đang sử dụng những loại filler được quảng cáo là xách tay từ Mỹ, Nhật và đặc biệt là Hàn Quốc. Trên thực tế, những sản phẩm này không hề được kiểm duyệt, cấp phép cho nên không thể khẳng định được bản chất thành phần, cũng như độ tinh sạch của những sản phẩm này.
Chất lượng của filler là nhân tố liên quan trực tiếp đến rủi ro biến chứng khi tiêm vào cơ thể.
Tắc mạch: Biến chứng nặng nề nhất khi tiêm filler
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà phân tích, biến chứng của filler có rất nhiều loại. Trong đó, biến chứng tắc mạch dẫn đến hoại tử và mù mắt là biến chứng nặng nề và thảm khốc nhất.
Theo đó, mắt được cấp máu từ động mạch cảnh. Khi tiêm filler không có kỹ thuật, tiêm nhanh với áp lực tiêm mạnh vào nhánh của động mạch mắt thì áp lực tiêm sẽ khiến filler đi ngược dòng máu. Từ đó, chất tiêm bị đẩy ngược lại vào động mạch mắt, trong đó có động mạch trung tâm võng mạc. Nếu filler rơi vào động mạch trung tâm võng mạc, người bệnh sẽ mất hoàn toàn thị lực. Đồng thời bị teo, loét toàn bộ da xung quanh mắt. Ngoài ảnh hưởng thị lực, filler còn gây ảnh hưởng rất nặng đến vùng xung quanh mắt và thẩm mỹ.
"Không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ thì nguy cơ tiêm vào các nhánh mạch máu quanh ổ mắt rất cao. Thuốc sẽ theo mạch máu đi vào não, nếu tắc mạch não gây đột quỵ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nếu tắc động mạch mắt, nhất là động mạch trung tâm võng mạc thì sẽ gây mù mắt, diện tích da xung quanh phần cấp máu của các nhánh mạch quanh ổ mắt cũng sẽ vì thế mà hoại tử gây biến dạng khuôn mặt. Một khi động mạch mắt bị tắc, hiện tượng hoại tử sẽ diễn ra rất nhanh. Thời gian vàng để can thiệp chỉ có 60 đến 90 phút", PGS Hà khuyến cáo.
Chính vì những hiểm họa rình rập khi tiêm filler ở những cơ sở không đảm bảo, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, các cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt tình trạng tiêm filler ở spa, tại nhà,… bởi những người không có chuyên môn.
Về phía người dân, khi có nhu cầu tiêm filler, cần phải đến các cơ sở được cấp phép, có chứng chỉ hành nghề.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng khuyến cáo chị em nên ưu tiên lựa chọn các phương pháp làm đẹp an toàn hơn tiêm filler như nâng ngực nội soi, tiêm mỡ tự thân…
Nội dung: Minh Nhật
Thiết kế: Nguyễn Vượng