Tiêm filler làm đẹp giống thần tượng: Người mù mắt, người lệch cằm
(Dân trí) - Thiếu nữ 16 tuổi vĩnh viễn mất đi thị lực một bên mắt; cô gái trẻ lệch cằm sau khi tiêm filler tại một spa... Các ca tai biến do thẩm mỹ, làm đẹp phần lớn do lựa chọn các cơ sở chưa được cấp phép.
Tai biến vì nhắm mắt làm đẹp ở spa, cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép
Ngày 22/7, tại Hội nghị da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 5, PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, các ca tai biến thẩm mỹ, làm đẹp không riêng ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Tuy nhiên, tại Việt Nam có đặc thù riêng, khi phần lớn các ca tai biến do làm đẹp đều do người dân lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép, thậm chí nhân viên spa cũng làm thẩm mỹ, các cơ sở làm đẹp mọc lên tràn lan cùng những lời quảng cáo hấp dẫn khiến nhiều người tin theo, gây hậu quả nghiêm trọng.
Như trường hợp tai biến đến Bệnh viện Da liễu Trung ương cấp cứu mới đây. BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng cho biết, thiếu nữ 16 tuổi ở Bắc Kạn được gia đình đưa đến viện sau một ngày tiêm filler nâng mũi tại một spa ở địa phương.
Cô gái trẻ cho biết, ngay sau khi tiêm filler, cô có biểu hiện đau đầu, đau mắt dữ dội, nhưng cơ sở spa lại trấn an, khuyên uống thuốc giảm đau.
"Sau uống, tình trạng đau thuyên giảm khiến bệnh nhân chủ quan không đi khám. Đến ngày hôm sau, bệnh nhân đau nhiều hơn, nhìn mờ lúc này mới đi viện khám. Tuy nhiên, do đến quá muộn, mắt phải của bệnh nhân đã mù, không thể phục hồi thị lực", BS Sơn thông tin.
Một ca bệnh khác, nữ bệnh nhân 20 tuổi tiêm filler tạo cằm V-line cho giống thần tượng. Tuy nhiên, sau một thời gian tiêm bệnh nhân bỗng xuất hiện tình trạng lệch cằm, vùng tiêm sờ thấy lổn nhổn u cục, đã đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ.
Các bác sĩ đã nạo hết vùng tổn thương do filler, cứu nguy cơ hoại tử vùng cằm. Tuy nhiên, vùng da được tiêm đã bị thiểu dưỡng nên cơ hội làm đẹp lại vùng da này của bệnh nhân gần như không còn.
Làm đẹp phải an toàn
Tại hội thảo, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ rất đa dạng. Trong đó, thẩm mỹ nội khoa thường là sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng thời gian sử dụng, ví dụ dùng corticoid kéo dài dẫn đến teo da... Những can thiệp như tiêm chất làm đầy (filler) không đúng cách cũng dẫn đến lệch các vị trí trong khuôn mặt, nghiêm trọng hơn có thể gây mù do filler gây tắc mạch máu...
"Các tai biến do tiêm filler bệnh viện tiếp nhận xử lý, 99% là bệnh nhân tiêm tại các cơ sở spa, cơ sở chăm sóc sắc đẹp không được phép thực hiện các can thiệp này. Đáng ngại, nhiều người cứ cho rằng đơn giản là làm đẹp nên đến các spa, cơ sở chăm sóc sắc đẹp, chỉ khi gặp tai biến mới đến bệnh viện xử lý. Người dân cần lưu ý, tiêm filler không phải là thủ thuật ai cũng có thể thực hiện, chỉ bác sĩ được cấp phép, chứng chỉ mới có thể thực hiện vì nó có thể gây ra các tai biến nguy hiểm, như mù mắt, thậm chí tử vong sau tiêm filler do tắc mạch máu", PGS Doanh cho biết.
"Việc điều trị filler và nhiều phẫu thuật trong thẩm mỹ, làm đẹp đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ đã được đào tạo, huấn luyện bài bản, nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng mặt, đặc biệt là hệ thống mạch máu phức tạp bên dưới. Do đó, nơi thực hiện phải là cơ sở y tế hợp pháp, được phép triển khai kỹ thuật tiêm chất làm đầy, sử dụng sản phẩm chất làm đầy rõ thành phần, nguồn gốc", PGS Doanh thông tin thêm.
Không chỉ các can thiệp thẩm mỹ phải tiêm, truyền, dao kéo, mà làm đẹp nội khoa cũng có thể gây tai biến, chủ yếu liên quan việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng thời gian sử dụng, ví dụ dùng corticoid kéo dài dẫn đến teo da.
Bên cạnh đó, tai biến làm đẹp bằng laser rất phổ biến. Nhiều người nghĩ đơn giản laser là chiếu tia, nhưng thực tế mỗi laser lại có những bước sóng khác nhau, thời gian chỉ định cho mỗi loại da khác nhau, dẫn đến tai biến hoại tử da, gây hậu quả bỏng và sẹo.
Thực tế hiện nay, nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng ở tất cả đối tượng, từ người trẻ, trung niên ở cả phụ nữ và nam giới. Trong khi đối tượng trẻ tuổi, thanh niên thường có nhu cầu sửa các đường nét trên khuôn mặt theo xu hướng, hay làm đẹp để giống thần tượng… thì với người trung tuổi, lớn tuổi lại lựa chọn làm đẹp để khắc phục tình trạng da lão hóa, do da chảy xệ.
"Nhu cầu làm đẹp, thẩm mỹ ngày càng tăng nhưng do thiếu thông tin, kiến thức và lựa chọn cơ sở làm đẹp không đúng nên tỉ lệ bệnh nhân bị tai biến trong hoặc sau quá trình can thiệp thẩm mỹ tăng lên. Vì vậy, để an toàn, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin nơi định đến làm đẹp, xem cơ sở đó có được cấp phép của cơ quan chuyên môn hay không, bác sĩ thực hiện có chứng chỉ hành nghề hay không", PGS Thường, Giám đốc BV Da liễu Trung ương khuyến cáo.
Chiều 21/7, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Da liễu Việt Nam đã bầu Ban chấp hành Hội Da liễu Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 do GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương là Chủ tịch hội.
Trong 2 ngày 22-23/7, Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 5 được tổ chức ở Đà Nẵng. PGS.TS Nguyễn Văn Thường cho biết, tham dự hội nghị có gần 1.500 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các xu hướng mới của ngành da liễu thẩm mỹ.
Ngoài việc cập nhật những xu hướng mới trong điều trị da liễu thẩm mỹ, hội nghị lần này sẽ có thêm những báo cáo về đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng thẩm mỹ cũng như các bệnh da liễu khác. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ về an toàn trong điều trị thẩm mỹ nội ngoại khoa, ứng dụng những kỹ thuật, phương pháp mới trong làm đẹp, thẩm mỹ và hướng điều trị hiệu quả .