1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Tiêm filler người quen, nữ bệnh nhân mất thị lực một mắt

Tú Anh

(Dân trí) - Bệnh viện Việt Đức cho biết mới tiếp nhận trường hợp người phụ nữ ở Hà Nội trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, co giật, mắt bên trái không còn nhìn thấy.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân là phụ nữ 47 tuổi ở Hà Nội, được người nhà đưa đến Bệnh viện 10 ngày trước trong tình trạng mất thị lực mắt trái sau tiêm filler tại spa của người quen.

Hà Nội: Tiêm filler người quen, nữ bệnh nhân mất thị lực một mắt - 1

Theo lời kể của bệnh nhân, chị tiêm filler nâng mũi tại spa của người quen. Sau tiêm khoảng 10-15 phút, khi bắt đầu được nắn sống mũi, bệnh nhân thấy hoa mắt, chóng mặt, xuất hiện co giật. 

Ngay lập tức, spa có tiêm thuốc giải nhằm làm tan filler đã tiêm và được đưa đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.

Theo PGS Hà, khi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thị lực mắt trái không nhìn thấy, lại thêm biểu hiện đau đầu, co giật, các bác sĩ nghi ngờ nguy cơ tắc động mạch não. Ngay lập tức, Bệnh viện đã mời các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương hỗ trợ, phối hợp với bác sĩ tạo hình, bác sĩ chống đột quỵ để xử lý cấp cứu cho bệnh nhân.

"Đến nay, sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo dù thỉnh thoảng có cơn đau đầu. Đặc biệt, mắt trái bệnh nhân từ mất thị giác hoàn toàn đã dần cảm nhận được ánh sáng khi chiếu đèn", PGS Hà thông tin.

Theo PGS Hà, đây là trường hợp hiếm hoi bị mất thị lực sau tiêm filler điều trị lấy lại được thị lực. Đây là một điều đáng mừng, bởi biến chứng mù mắt sau tiêm filler gặp rất nhiều, những ca lấy lại được thị lực rất ít ỏi. Tuy bệnh nhân đã có phản ứng khi chiếu đèn, nhưng cần có thời gian theo dõi thêm để biết được mức độ phục hồi mắt.

Theo các chuyên gia, đa phần các trường hợp gặp biến chứng khi tiêm filler đều do thực hiện ở các cơ sở không phép; người thực hiện không phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo về tạo hình - thẩm mỹ hoặc da liễu, không được đào tạo một cách bài bản về filler.

Điều này rất nguy hiểm, vì tiêm filler là một thủ thuật ngoại khoa, cần phải được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề.

Biến chứng tiêm filler có thể liên quan đến kĩ thuật tiêm hoặc biến chứng do sử dụng các chất làm đầy không được cấp phép.

Trong đó, biến chứng do kĩ thuật tiêm nặng nề nhất có thể gặp phải là tiêm vào mạch máu, filler có thể theo mạch máu gây tắc mạch, tắc mạch não gây nhồi máu não, tắc mạch võng mạc gây mù, tắc mạch máu gây hoại tử… Kĩ thuật tiêm không đảm bảo vô khuẩn dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ ở vùng tiêm. Những nhiễm trùng này thường lan tỏa theo các đường chọc kim trong quá trình tiêm.

Để an toàn khi tiêm làm đẹp, người dân cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép (FDA, Bộ Y tế).

Với những bệnh nhân mới tiêm filler có những biểu hiện của các biến chứng sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lí cấp cứu kịp thời.