DMagazine

Hành trình "vượt K" đặc biệt của người phụ nữ phát hiện ung thư ở tuổi 65

(Dân trí) - "Có thể mẹ bị ung thư phổi di căn hạch, trong máu của mẹ có K rồi", cô con gái cố nén cảm xúc để thông báo với mẹ.

"Có thể mẹ bị ung thư phổi di căn hạch, trong máu của mẹ có K rồi", cô con gái cố nén cảm xúc để thông báo với mẹ.

Hành trình vượt K đặc biệt của người phụ nữ phát hiện ung thư ở tuổi 65 - 1

"Nếu tôi bị ung thư xin anh cứ nói", người phụ nữ đầu đã hai thứ tóc hỏi vị bác sĩ đang khám bệnh cho mình.

Vốn dĩ chỉ là một câu hỏi vô thưởng vô phạt nhưng khi nhận được lời hồi đáp: "Ngày mai bác bảo gia đình lên đây" cùng với sự trầm ngâm từ người đối diện, sự lạc quan của bà bị thay thế hoàn toàn bằng nỗi sợ.

Bà là Đặng Thị Chinh, 65 tuổi, sống tại Đông Anh (Hà Nội). Cuối tháng 4, bà Chinh vào Bệnh viện Đa khoa Đông Anh để thăm khám sau khi xuất hiện triệu chứng ho, rát họng nhưng uống thuốc không dứt.

Tại đây, sau khi chụp X-quang, bà Chinh được xác định bị tràn dịch màng phổi nên được điều trị nội trú.

Những tưởng bản thân chỉ mắc bệnh vặt, "cùng lắm là Covid-19", suốt 2 ngày liền nằm viện bà không hề có một chút lo lắng nào, với suy nghĩ "chắc chỉ mai là được về".

Thế nhưng tin dữ lại đến!

"Ngay ngày hôm sau con của tôi lên, bác sĩ bảo chuyển tôi sang Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. 10h sáng có mặt tại viện, tôi được bác sĩ chỉ định đi chụp CT, chụp cắt lớp rồi sinh thiết khối u. Dù chưa có kết quả từ bác sĩ nhưng tôi vẫn có cảm giác rằng chuyến này "lành ít dữ nhiều", bà Chinh nhớ lại.

Hành trình vượt K đặc biệt của người phụ nữ phát hiện ung thư ở tuổi 65 - 3

Tối đó về nhà, con gái bà thử tra chỉ số trong phiếu xét nghiệm trên internet. Các thông tin đều dẫn đến một kết quả không ai muốn tin.

"Có thể mẹ bị ung thư phổi di căn hạch, trong máu của mẹ có K rồi", cô con gái cố nén cảm xúc để thông báo với mẹ.

Điều kiện kinh tế không dư dả, bù lại bà luôn tự tin vì sự mạnh mẽ, yêu đời của mình. Thế nhưng bà Chinh thừa nhận rằng, mình bị sốc nặng khi nghe những lời con gái nói.

"Bị ung thư mà! Có cố thế nào đi nữa thì cũng không thể bình tĩnh được. Đằng này, tôi còn mắc ung thư phổi giai đoạn muộn", bà chia sẻ.

Câu chuyện về người trong làng đang trẻ khỏe nhưng sau khi phát hiện ung thư được vài tháng thì qua đời; hay hình ảnh vài người quen sau khi hóa trị tóc rụng bằng sạch, da thâm, người yếu đi thấy rõ… ngay lập tức ập đến bủa vây tâm trí người phụ nữ này.

"Ung thư di căn chắc cũng chỉ còn gắng thêm được mấy tháng. Nếu có chữa hóa trị thì cơ thể cũng không chịu nổi", bà trộm nghĩ.

Hành trình vượt K đặc biệt của người phụ nữ phát hiện ung thư ở tuổi 65 - 5

Chưa hết lo âu về bệnh tình, lại đến những tâm tư về các con, rồi còn cả mấy đứa cháu còn thơ. "Không có bà, ai đưa lũ trẻ đi học", bà lo lắng.

Về phần người con gái, khó có thể hình dung cú sốc sau khi biết mẹ mình bị ung thư. Chỉ biết rằng, tối đó cô gần như thức trắng đêm để tìm hiểu về cách chữa trị căn bệnh này.

Những ngày sau đó, bầu không khí trong gia đình nhỏ này trầm hẳn xuống. Trong những cuộc trò chuyện, "ung thư" trở thành từ cấm mà cả hai mẹ con đều tránh nhắc đến.

Hành trình vượt K đặc biệt của người phụ nữ phát hiện ung thư ở tuổi 65 - 7

Vốn đang có cuộc sống êm đềm vui tuổi già bên con cháu, nhưng người phụ nữ này chẳng ngờ lại có thêm nhiều chông gai phía trước.

Mọi hạnh phúc dường như tan biến, ở tuổi lẽ ra phải nghỉ ngơi, bà lại phải làm quen với những đợt truyền hóa chất khi cầm trên tay kết quả "ung thư phổi giai đoạn muộn".

Giữa lúc tuyệt vọng nhất, đoạn phóng sự về một người cựu chiến binh già mắc ung thư tuyến yên giai đoạn cuối nhưng vẫn sống vui, sống khỏe với bệnh suốt nhiều năm, nhờ tin tưởng vào bác sĩ và phương pháp điều trị khoa học, đã thắp lên hy vọng sống mãnh liệt của người phụ nữ đã ngoài 60 này.

"Tôi được con gái gửi cho đoạn video này sau khi cháu nó tình cờ xem được. Câu chuyện thực tế của bác Chương (người cựu chiến binh mắc ung thư - PV) giúp tôi hiểu ra rằng, ung thư không phải là dấu chấm hết", bà Chinh chia sẻ.

Tấm gương của bác Chương đã giúp bà Chinh lần đầu tiên dám tự tin đối mặt với căn bệnh mà mình đang mắc phải.

Bà chia sẻ rằng, ba thứ "vũ khí" quan trọng nhất mà mình luôn mang theo xuyên suốt cuộc chiến với căn bệnh ung thư là: nghị lực, niềm tin vào bác sĩ và kiến thức của chính bản thân mình.

"Bản thân mình bị bệnh trước hết phải chủ động tìm hiểu kỹ về căn bệnh mình đang mắc phải, để có thể chọn được thuốc, các sản phẩm bổ trợ hợp lý nhất. Uống cái gì cũng phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, công dụng của nó đến đâu", bà Chinh cho hay.

Hành trình vượt K đặc biệt của người phụ nữ phát hiện ung thư ở tuổi 65 - 9

Việc tin tưởng vào bác sĩ và khoa học cũng là điều cực kỳ quan trọng. Khi đã bắt đầu điều trị phải kiên định, không vì mọi người nói này nói kia mà lại bỏ dở giữa chừng, để chữa theo những cách chỉ mới được đồn đoán.

Bà Chinh chia sẻ rằng, ngay tại chính nơi mình sinh sống cũng đã có quá nhiều bài học khi tin vào những phương pháp không chính thống để điều trị ung thư.

"Nhiều người trong làng tôi "chết oan" vì đi chữa ung thư theo lời truyền miệng. Có cậu thanh niên truyền hóa chất vào đã ổn định nhưng khi về nhà lại nghe lời người quen đi bốc thuốc nam.

Lấy 15 thang thuốc nam về nhưng chỉ mới uống xong một thang đã thấy người khó chịu, không lâu sau đó cậu này qua đời", bà Chinh kể.

Hành trình vượt K đặc biệt của người phụ nữ phát hiện ung thư ở tuổi 65 - 11

Đầu tháng 5, bà Chinh vào Bệnh viện Ung bướu Hà Nội để thực hiện những bước đầu tiên cho đợt trị liệu của mình.

Trước khi bắt đầu vào điều trị hóa chất, bác sĩ cho bà khoảng 20 ngày chuẩn bị bồi bổ sức khỏe.

Bà chia sẻ rằng, 20 ngày này cũng là "bước ngoặt" cho cuộc chiến của mình với căn bệnh ung thư.

"Thấy nhiều người quen đi hóa trị đều bị tác dụng phụ nặng như: suy nhược, rụng tóc…, tôi và các con quyết phải chuẩn bị thật kỹ trước "giờ G". Cả nhà cùng lên mạng tìm hiểu đủ mọi cách để giảm tác dụng phụ của hóa trị, từ chế độ ăn uống, sinh hoạt cho đến các loại dược phẩm hỗ trợ", bà cho hay.

Bà Chinh bước vào đợt hóa trị đầu tiên từ ngày 20/5. Đến nay, nữ bệnh nhân này đã uống tổng cộng hơn 20 viên hóa chất điều trị ung thư.

Thế nhưng khi gặp trực tiếp người phụ nữ này, từ ngoại hình cho đến sức sống, khó có thể ngờ rằng đây là một bệnh nhân ung thư di căn vẫn đang phải hóa trị.

Hành trình vượt K đặc biệt của người phụ nữ phát hiện ung thư ở tuổi 65 - 13

"Với sự chuẩn bị tốt về sức khỏe và kiên trì tuân thủ liệu pháp điều trị của bác sĩ, cuộc chiến với căn bệnh ung thư trở nên nhẹ nhàng hơn suy nghĩ ban đầu của tôi rất nhiều. Cơ quan của các con và làng xóm biết tin tôi bị ung thư nên xuống thăm hỏi đều rất ngạc nhiên, khi thấy tôi không khác gì người khỏe mạnh", bà cười.

Người phụ nữ này chia sẻ, thử thách lớn nhất trong suốt quá trình điều trị chính là phải giữ vững niềm tin vào khoa học, vào các y bác sĩ, kiên trì tuân thủ điều trị.

Càng vui mừng hơn khi kết quả tái khám sau 3 tháng điều trị cho thấy, khối u của bà đã giảm từ 12,8cm xuống chỉ còn 6cm.

"Bản thân tôi và có lẽ cũng nhiều bệnh nhân ung thư khác khi mắc bệnh đều nghe không ít lời khuyên can: "Đừng có đến bệnh viện chữa, vừa tốn kém, vừa hại người"; "Đến ông thầy này có thuốc lá sẽ chữa khỏi ung thư"… Nếu không kiên định sẽ rất dễ bị xao động mà bỏ dở điều trị. Tôi đã chứng kiến nhiều người như vậy và kết quả thật đáng tiếc", bà Chinh kể.

Nhờ sức khỏe ổn định, ăn uống ngon miệng và duy trì sinh hoạt như bình thường, nên suốt thời gian qua mặc dù mang trong mình căn bệnh ung thư phổi giai đoạn muộn, nhưng bà chưa một ngày nào phải nằm liệt trên giường.

Hành trình vượt K đặc biệt của người phụ nữ phát hiện ung thư ở tuổi 65 - 15

Bình yên đã trở lại sau khi cơn bão ung thư quét qua. Căn nhà nhỏ của bà Chinh lại rộn ràng tiếng cười nói.

Bà lại tham gia những hoạt động văn nghệ, thể thao mà mình ưa thích và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của làng xã giao cho.

"Sức khỏe của mẹ tôi rất ổn, đến nay đã uống được 4 đợt hóa chất. Mẹ tôi được sức khỏe như ngày hôm nay một phần rất lớn là nhờ sự quan tâm của đội ngũ y bác sĩ, cộng thêm tinh thần lạc quan, không lùi bước trước bệnh tật ", con bà phấn khởi chia sẻ.

Hành trình vượt K đặc biệt của người phụ nữ phát hiện ung thư ở tuổi 65 - 17

Như mọi ngày, sau khi cả nhà cùng quây quần ăn bữa sáng, bà Chinh lại dắt chiếc xe đạp cũ chở 2 cháu trai đi học.

Với bà, những khoảnh khắc quây quần cùng con cháu là động lực để tiếp tục đối đầu với căn bệnh ung thư. Còn đối với gia đình nhỏ này, sự lạc quan và nụ cười luôn nở trên môi của bà lại chính là chỗ dựa tinh thần to lớn của mọi thành viên.

"Tôi hy vọng rằng, những bệnh nhân ung thư đừng lựa chọn buông bỏ. Hãy tin vào y học, tin vào các bác sĩ và giữ một tinh thần lạc quan, kiên định với con đường mình đã chọn thì ung thư cuối cùng cũng sẽ phải khuất phục", bà nói.

Bài và ảnh: Minh Nhật

Thiết kế: Tuấn Huy