Hà Nội: Nghẹn lòng nghị lực sống của bé sinh non bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện
(Dân trí) - Sau 3 ngày trẻ được các y bác sĩ nỗ lực giành giật sự sống, người mẹ bất ngờ rời khỏi bệnh viện và cắt đứt liên lạc.
Tối 4/8, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tiếp nhận sản phụ T., sinh năm 2004, quê quán tại Sơn La (thai được 29 tuần 4 ngày) có nguy cơ đẻ non từ Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm.
Ngay lập tức, các y bác sĩ khoa Sản đã tiến hành đỡ đẻ cho sản phụ. Bé gái chào đời nặng 1,2kg, tỉnh, có khóc. Tuy nhiên, cháu bé có tình trạng tím tái.
Bé gái khi vừa chào đời đã được các y bác sĩ Khoa Sơ sinh tiến hành cấp cứu, điều trị tích cực để giữ tính mạng.
Theo BSCKII Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh, cháu bé khi chào đời ngay lập tức được nuôi trong lồng ấp, can thiệp thở máy không xâm nhập, sử dụng dụng kháng sinh và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn.
Đáng chú ý, ở ngày thứ ba từ khi cháu bé chào đời, mẹ của cháu bé đã tự ý rời khỏi viện. Khoa Sơ sinh đã nhiều lần liên hệ với số điện thoại của sản phụ T. nhưng không được.
"Trong 2 ngày đầu, bệnh viện vẫn liên lạc với mẹ cháu bé qua điện thoại để trao đổi về tình trạng tiến triển của trẻ. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, sản phụ đã tự ý rời khỏi viện và chúng tôi cũng không thể nào liên lạc được", BS Nga cho hay.
Theo BS Nga, mặc dù sức khỏe bé tiến triển tốt hơn nhưng là vì chào đời khi rất non tháng nên trẻ luôn có thể đối mặt với tình trạng nguy hiểm, đặc biệt là khi thiếu sữa mẹ và hơi ấm tình cảm chăm sóc từ mẹ, người thân.
"Bên cạnh vấn đề hô hấp, việc giữ ấm cho trẻ sơ sinh là rất quan trọng. Với trường hợp này, chúng tôi bắt buộc phải cho bé nằm lồng ấp. Bên cạnh đó, phải đảm bảo về chăm sóc dinh dưỡng", BS Hoa phân tích.
Theo chuyên gia này, em bé đang được nuôi qua đường truyền tĩnh mạch trung tâm với các chất đường, đạm, vitamin để đảm bảo bé không bị hạ đường huyết và có đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển.
Một vấn đề nguy hiểm khác mà trẻ phải đối mặt đó chính là nguy cơ nhiễm khuẩn.
"Đây là tình trạng thường gặp của trẻ sinh non tháng. Với em bé này đang nổi bật lên tình trạng viêm ruột hoạt tử.
Từ ngày thứ hai, nhận định dịch dạ dày bẩn chúng tôi đã phải cho bé nhịn ăn hoàn toàn và nuôi hoàn toàn bằng tĩnh mạch, đến nay đã bước sang ngày thứ bảy. Chúng tôi đang cố gắng điều trị tình trạng nhiễm khuẩn của cháu bé", BS Nga nhấn mạnh.
Điều đáng mừng là đến hôm nay, cháu bé đã có phản xạ mút.
Nữ bác sĩ đánh giá, cháu bé có một nghị lực sống phi thường khi vừa sinh rất non tháng, vừa đối mặt với nhiều tình trạng nguy hiểm nhưng đã có phản xạ mút rất sớm.
Cháu bé cũng được định kỳ chiếu đèn điều trị vàng da.
Các bác sĩ kỳ vọng trong vài ngày tới, phác đồ điều trị đúng đắn sẽ giúp tình trạng sức khỏe của trẻ cải thiện. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bé phải có sự chăm sóc của mẹ hoặc ít nhất là người thân.
BS Nga phân tích: "Cháu bé được mẹ hoặc người thân ôm ấp trên lồng ngực sẽ được kích thích nhịp thở. Với trẻ sinh non một trong những nguy cơ lớn nhất là ngừng thở do não của trẻ chưa phát triển. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đang phải dùng thuốc kích thích để trẻ hô hấp".
"Chúng tôi hy vọng rằng người mẹ sẽ suy nghĩ chín chắn và sớm quay trở lại để bé có thể ăn những giọt sữa đầu đời. Đây là nguồn dinh dưỡng rất quý giá với trẻ và cũng sẽ hỗ trợ cho việc kích thích nhịp thở của bé", nữ bác sĩ trăn trở.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thông báo ai là người nhà của trẻ xin liên lạc gấp theo số điện thoại: 0986.953.505 - Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện đa khoa Đức Giang để biết thêm thông tin.