Thủng ruột vì thứ hay gặp trong mâm cơm

Minh Nhật

(Dân trí) - Bệnh nhân L.T.C., 83 tuổi (sống tại Móng Cái, Quảng Ninh) được gia đình đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng đau bụng quanh rốn, đau tăng nhiều hố chậu phải.

Khi vào viện, bệnh nhân C. được các bác sĩ thăm khám, cho làm các xét nghiệm, siêu âm và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc cản quang, các bác sĩ đã phát hiện dị vật đâm thủng ruột non. Sau khi hội chẩn bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Ekip phẫu thuật do BSCKII Dương Xuân Hiệp, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã phát hiện dị vật là một xương cá đâm thủng thành ruột non. 

Thủng ruột vì thứ hay gặp trong mâm cơm - 1

Hình ảnh mảnh xương cá được lấy ra (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

BSCKII Dương Xuân Hiệp cho biết: "Tình trạng bệnh nhân bị xương cá đâm thủng dạ dày, ruột non không phải là tình trạng hiếm gặp. Xương cá có đầu sắc nhọn rất nguy hiểm khi đi vào ống tiêu hóa. Thế nhưng nhiều người vẫn chưa thật sự cảnh giác trong khi ăn uống.

Đầu tiên có thể chỉ là hóc xương ở họng, sau có thể bị đâm thủng thành cơ quan tiêu hóa như trường hợp nêu trên. Nếu không kịp phát hiện sẽ dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng".

Qua trường hợp bệnh trên, BS Hiệp khuyến cáo, mọi người nên cẩn thận trong quá trình ăn uống, đặc biệt là với thực phẩm động vật có xương như thịt, cá.

Loại bỏ tất cả xương trước khi ăn. Với loại xương giòn, nhỏ cũng cần nhai kỹ, chậm rãi, không nên chủ quan với các xương dù nhỏ. Đặc biệt với người già và trẻ nhỏ, phản xạ nhai nuốt kém hơn cần đặc biệt cẩn trọng.

Khi rơi vào các trường hợp như đau bụng âm ỉ kéo dài không giảm, hay bất cứ trường hợp đau bụng bất thường nào, nên đưa người bệnh đến bệnh viện, để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.  

Bên cạnh đó, theo Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương (Hà Nội), các trường hợp hóc dị vật đường ăn thường ít gây ra tình trạng nguy cấp đe dọa tính mạng tức thì như hóc dị vật đường thở.

Tuy nhiên, dị vật không được lấy ra sau một thời gian ngắn (trong vòng 24 giờ) sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng ở đường ăn.

Khi hóc xương hoặc các dị vật khác, việc nuốt thêm đồ ăn hay nước có thể đẩy dị vật cắm sâu hơn vào thành hạ họng hay thành thực quản.

Lúc này, ngay cả khi đến bệnh viện, các bác sĩ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc nội soi phát hiện vị trí dị vật, cũng như gắp dị vật ra. Trong khi đó, việc vỗ lưng có thể làm dị vật sau khi bong ra bị lạc vào đường thở thì còn nguy hiểm hơn.

Do đó, khi bị mắc xương hay hóc các dị vật đường ăn, không áp dụng các mẹo chữa hóc tại nhà, mà cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất, để được bác sĩ xử lý.

Để phòng ngừa nguy cơ hóc dị vật đường ăn nói chung, người dân cần:

- Thận trọng khi ăn các món ăn có xương nhỏ. Đặc biệt với trẻ em, người già nên tách xương khỏi món ăn.

- Những người có răng giả cần đề phòng nguy cơ răng bị rơi ra, gây hóc.

- Khi sử dụng rượu bia, nên tránh các món ăn có xương dễ gây hóc.

- Không nên cười đùa trong khi ăn uống.

- Để các vật nhỏ như viên pin, viên bi, mảnh đồ chơi ra khỏi tầm với của trẻ em.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm