DMagazine

Covid-19 ở trẻ: Cẩm nang chăm sóc từ A đến Z

(Dân trí) - Bệnh Covid-19 ở trẻ thường diễn tiến nhẹ hơn người lớn, hồi phục sau 1-2 tuần. Trẻ cũng có thể gặp các vấn đề hậu Covid-19 như sốt nhẹ, ho kéo dài, nổi ban đỏ..., hiếm gặp hội chứng viêm đa hệ thống.

Covid-19 ở trẻ: Cẩm nang chăm sóc từ A đến Z - 1

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em. Thời gian gần đây, bệnh đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em. Phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%). Trong đó, tỷ lệ nặng chiếm 4% và nguy kịch là 0,5%. Trẻ nhũ nhi <12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng.

Mới đầu, trẻ có thể có một hay nhiều triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ, tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là: sốt chiếm 63%, ho 34%, buồn nôn/nôn 20%, tiêu chảy 20%, khó thở 18%, triệu chứng mũi họng 17%, phát ban 17%, mệt mỏi 16%, đau bụng 15%, triệu chứng giống Kawasaki 13%, không có triệu chứng 13%, triệu chứng thần kinh 12%, kết mạc 11% và họng đỏ 9%.

Các triệu chứng khác ít gặp hơn: tổn thương da (hồng ban các đầu ngón chi, nổi ban da...), rối loạn nhịp tim, tổn thương thận cấp, viêm thanh mạc (tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim), gan to, viêm gan, bệnh não (co giật, hôn mê hoặc viêm não).

Covid-19 ở trẻ: Cẩm nang chăm sóc từ A đến Z - 3

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết hầu hết trẻ có thể tự hồi phục sau 1-2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. Khi con có bất cứ biểu hiện bất thường nào ngoài triệu chứng thông thường, cha mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Đặc biệt, những trẻ có bệnh nền như: đẻ non cân nặng thấp, bệnh phổi mạn, hen, ung thư, bệnh thận mạn, ghép tạng, đái tháo đường, bệnh tim mạch, thần kinh, huyết học, bệnh hệ thống, suy giảm miễn dịch, đang điều trị thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch… cần được quan tâm, bảo vệ nhiều hơn, theo dõi sát sao hơn bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Khoảng 2% có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh. Trong đó một số trẻ (khoảng 0,7%) cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như: hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, và hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp (< 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền.

Covid-19 ở trẻ: Cẩm nang chăm sóc từ A đến Z - 4

Cha mẹ có thể mua sẵn một số loại thuốc như: thuốc hạ sốt có hoạt chất paracetamol (mua cả dạng gói và viên đặt hậu môn- để sẵn tủ lạnh), siro ho thảo dược hoặc kẹo ngậm giảm ho (trẻ lớn), oresol dạng gói bột pha, vitamin (vitamin C, D), kẽm, men vi sinh, nước muối sinh lý và dụng cụ hút mũi. 

Trẻ sốt, sốt cao

Sốt là khi thân nhiệt đo được trên 37,5 độ C. Cha mẹ cần thực hiện một số việc sau:

- Nới lỏng quần áo, mặc đồ mỏng nhẹ, dễ thấm mồ hôi. 

- Hạ sốt với paracetamol khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên. Nếu trẻ có tiền sử co giật do sốt thì dùng thuốc khi trẻ sốt từ 38 độ C trở lên. 

Liều dùng: 10-15mg/kg/lần (cân nặng x 10 (hoặc 15)=số mg), cách mỗi 4-6 giờ nếu sốt lại; không dùng liều thấp hơn hoặc cao hơn. 

Tổng liều tối đa: Không quá 4.000mg/ngày với trẻ lớn, thừa cân, béo phì và 60mg/kg/ngày với trẻ nhỏ. 

- Cần xin ý kiến bác sĩ trước khi dùng ibuprofen. 

- Có thể lau (chườm) nách, bẹn với nước ấm. 

- Uống nhiều nước hơn (sữa, nước hoa quả, nước canh). 

Khi sốt trẻ sẽ có biểu hiện mất nước như tiểu ít, nước tiểu vàng, đậm đặc, môi khô. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý bù nước cho trẻ bằng nước bình thường hoặc nước điện giải (pha đúng liều lượng). Sau đó, cha mẹ theo dõi cả ngày và đêm, sau bù nước mà tiểu nhiều, trong hơn, môi không khô thì có thể yên tâm.

- Báo bác sĩ nếu trẻ sốt cao trên 39 độ C khó hạ dù đã uống hạ sốt, sốt kéo dài trên 5 ngày hoặc trẻ có các dấu hiệu bất thường-nguy hiểm kèm theo. 

Covid-19 ở trẻ: Cẩm nang chăm sóc từ A đến Z - 6

Trẻ ho, đau họng

Ho là phản xạ giúp bảo vệ đường hô hấp của cơ thể.

- Ho khan, ít: Cha mẹ cho con uống siro thảo dược hoặc ngậm kẹo (trẻ lớn). 

- Ho tăng dần: Báo lại cho bác sĩ theo dõi trẻ từ xa. 

- Không tự ý dùng thuốc giảm ho, long đờm. 

- Cần theo dõi các dấu hiệu thở nhanh, khó thở. 

- Không dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng, không dùng thuốc chứa codein cho trẻ dưới 12 tuổi. 

- Vệ sinh mũi miệng tốt, uống đủ nước góp phần giảm ho.

Trẻ ho, chảy mũi

- Xịt mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. 

- Hút mũi sau khi nhỏ hoặc xịt mũi, tránh bơm rửa mũi ở trẻ nhỏ. 

- Báo bác sĩ để được kê đơn các thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng.

Trẻ nôn, tiêu chảy

Cha mẹ cần phải báo với bác sĩ đang theo dõi trẻ. 

- Bổ sung oresol (pha đúng hướng dẫn). Cụ thể, pha toàn bột một gói oresol với chính xác lượng nước đun sôi để nguội ghi trên gói thuốc (100ml hoặc một lít tùy gói). Cho trẻ uống từng thìa hoặc chén nhỏ, liên tục, rải đều trong ngày tùy theo mức độ nôn và tiêu chảy. Dung dịch đã pha chỉ dùng trong 24 giờ, không nên dùng loại đóng chai pha sẵn. 

- Không tự ý dùng các thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy, kháng sinh… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. 

- Có thể dùng thêm men vi sinh có sẵn tại nhà. 

- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn bình thường- chia bữa nhỏ. 

- Luôn theo dõi sát dấu hiệu mất nước (uống kém, tiểu ít, môi miệng khô, mắt trũng, không uống đủ oresol). 

Trẻ ăn kém hơn

Trẻ có thể ăn kém do nhiều nguyên nhân. 

- Ưu tiên ăn đồ lỏng, nguội mát (khi trẻ rát họng) và chia nhiều bữa nhỏ: tăng số bữa ăn sữa, cháo, nước hoa quả…

- Khi trẻ ăn uống rất kém, tiểu ít hoặc giảm số lần đi tiểu (số lần thay bỉm), môi miệng khô, mắt trũng, bỏ ăn bỏ bú thì cha mẹ cần báo ngay cho nhân viên y tế đang theo dõi trẻ. 

Trẻ phát ban (nổi mẩn)

Phát ban có thể là triệu chứng thông thường khi nhiễm virus hoặc là dấu hiệu cảnh báo nặng. Vì vậy, cha mẹ cần báo ngay cho nhân viên y tế đang theo dõi trẻ để được đánh giá, phân biệt và xử trí từ xa.

Covid-19 ở trẻ: Cẩm nang chăm sóc từ A đến Z - 8
Covid-19 ở trẻ: Cẩm nang chăm sóc từ A đến Z - 10

Trẻ dưới 5 tuổi

Cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

Dấu hiệu bất thường:

- Tinh thần: Trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.

- Sốt cao liên tục > 39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.

- Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:

+ Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút.

+ Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút.

+ Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.

- Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn…

- SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2).

- Tím tái.

- Mất nước.

- Nôn mọi thứ.

- Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được.

- Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng…

- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

Trẻ từ 5 đến 16 tuổi

Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), mất khứu giác, thính giác.

Dấu hiệu bất thường:

- Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút.

- Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn…

- SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2 ).

- Cảm giác khó thở.

- Ho thành cơn không dứt.

- Đau tức ngực.

- Không ăn/uống được.

- Nôn mọi thứ.

- Tiêu chảy.

- Trẻ mệt, không chịu chơi.

- Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ.

- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

Covid-19 ở trẻ: Cẩm nang chăm sóc từ A đến Z - 12
Covid-19 ở trẻ: Cẩm nang chăm sóc từ A đến Z - 13

Hội chứng viêm đa hệ thống hay MIC-S ở trẻ em mắc Covid-19 hiếm gặp, thường ở giai đoạn muộn sau nhiễm SARS-CoV-2 từ 2 đến 6 tuần. Đây là biến chứng nặng có thể gây tử vong và có xu hướng gia tăng.

Theo PGS Điển, biểu hiện của hậu Covid-19 ở trẻ bao gồm sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc. Một số bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ hay các rối loạn tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Cá biệt có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

Nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ từng mắc Covid-19 hoặc nghi ngờ (có nhiều trẻ mắc Covid-19 nhưng không được phát hiện), các gia đình không được chủ quan. Sau khi trẻ âm tính 2-6 tuần nếu có biểu hiện như trên cần cho trẻ đi khám điều trị sớm.

"Riêng với trẻ em, hậu Covid-19 có thể xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống, tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu… Vì vậy, khi các cháu xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đưa con đi khám xem có mắc hội chứng viêm đa hệ thống hay không", PGS Điển nhấn mạnh.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, vừa qua đã ghi nhận những trẻ đến khám hậu Covid-19, phổ biến là những bé đã khỏi bệnh nhưng tình trạng ho vẫn dai dẳng.

Mới đây, Bệnh viện cũng tiếp nhận một trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Gần 2 tháng sau khi khỏi Covid-19, trẻ sốt cao trên 39 độ kèm co giật. Trẻ nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, sốt rét run, ho, chảy nước mũi, nôn, mắt phù nề, viêm kết mạc. 

Nội dung: Nam Phương
Thiết kế: Khương Hiền